Di sản vô giá của học giả Nguyễn Đình Đầu

Bên cạnh kho tư liệu đồ sộ, di sản mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu để lại là một tấm gương sáng cho những trí thức trẻ noi theo.

 Chân dung nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: Trần Ngọc Sinh.

Chân dung nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: Trần Ngọc Sinh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là một trong những học giả hàng đầu của Việt Nam, nổi bật với kho sử liệu đồ sộ về lịch sử, địa lý và văn hóa của đất nước, đặc biệt là khu vực Nam Bộ. Theo PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ông là một nhà nghiên cứu sâu rộng, bền bỉ. Các tác phẩm của ông đã để lại nhiều giá trị cho các nhà nghiên cứu thế hệ sau kế thừa.

Kho sử liệu đồ sộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (1923-1924) được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, địa bạ, có thể kể đến Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (1859), Tạp ghi Việt Sử Địa (3 tập), Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực Hoàng Sa - Trường Sa, và Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh...

“Những đóng góp của ông, đặc biệt về lịch sử đất đai và chế độ sử dụng đất ở Nam Bộ, rất đáng quý và trân trọng”, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - nhận định.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đức Cường còn nhấn mạnh nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu không chỉ nghiên cứu sâu rộng về các vấn đề lịch sử, mà còn có những phát hiện và đề xuất mới mẻ, góp phần làm sáng tỏ nhiều giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước.

Tác phẩm của học giả Nguyễn Đình Đầu không chỉ là những công trình nghiên cứu sâu sắc mà còn mang lại nhiều khám phá mới. Giáo sư Phan Huy Lê từng viết trong lời giới thiệu cuốn Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh: “Tôi đã đọc một cách hứng thú và đọc kỹ cuốn sách... Nó luôn khêu gợi nhận thức của người đọc bằng những phát hiện và đề xuất mới mẻ”. Đó là một minh chứng rõ ràng cho giá trị lâu dài của những công trình nghiên cứu mà ông đã để lại.

Không dừng lại ở nghiên cứu, ông còn dành tình cảm đặc biệt và sự động viên quý báu cho các nhà nghiên cứu trẻ. Năm 2022, ông đã ký kết ủy thác toàn bộ tác quyền cho Nhà xuất bản Trẻ, cam kết rằng sau khi qua đời, tiền tác quyền sẽ được chuyển vào quỹ do gia đình quản lý. Ông là người sáng lập Quỹ Văn hóa Sử Địa Nguyễn Đình Đầu, một quỹ sẽ hỗ trợ và vinh danh những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa, sử, địa sau khi ông qua đời.

Một tấm gương sáng về lao động

Những di sản đồ sộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu không chỉ đóng góp vào nền sử học Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao cho thế hệ trẻ tiếp nối. PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - nhận định: "Những công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu với nhiều tư liệu mới và cách đánh giá tinh tế về chế độ sử dụng đất ở Việt Nam là nguồn khích lệ về mặt tinh thần đối với giới nghiên cứu mới”.

Các tác phẩm ông để lại mang giá trị lịch sử to lớn và mở ra hướng nghiên cứu về lịch sử đất đai. Đặc biệt, tấm gương lao động không ngừng nghỉ của ông, cho đến những năm tháng cuối đời, là nguồn động lực mạnh mẽ cho các nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục sự nghiệp khám phá và làm sáng tỏ những góc khuất của lịch sử.

Lê Ngọc Hân là người nghiên cứu văn hóa lịch sử thế hệ trẻ. Cô luôn trân trọng với di sản mà tác giả Nguyễn Đình Đầu đã để lại. Cô kể lại: "Sau khi gặp gỡ cụ Nguyễn Đình Đầu và nghe những lời dặn dò, tôi hiểu rằng lịch sử vẫn còn rất nhiều góc cần được tiếp tục nghiên cứu".

Lời dặn dò ấy không chỉ là một lời khuyên mà còn là trách nhiệm lớn lao mà thế hệ trẻ cần tiếp nhận. Việc tiếp nối di sản của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu với thế hệ sau không chỉ là học hỏi từ những công trình mà ông để lại, mà còn là việc duy trì tinh thần trách nhiệm và sự chính trực trong nghiên cứu lịch sử.

Học giả Nguyễn Đình Đầu từng nhấn mạnh rằng viết về lịch sử phải dựa trên sự thật, "những điều đã nói thì mình phải chịu trách nhiệm". Đây chính là bài học quý giá cho thế hệ trẻ, nhắc nhở họ về tầm quan trọng của trung thực và có trách nhiệm trong việc ghi chép và diễn giải lịch sử.

Thế hệ trẻ Việt Nam đều cảm nhận được sức nặng của di sản mà nhà nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã để lại. Họ không chỉ tiếp tục khám phá những tư liệu, mà còn nỗ lực phát triển, bổ sung những công trình mới, góp phần làm sáng tỏ hơn những khoảng mờ của lịch sử.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/di-san-vo-gia-cua-nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-dau-post1499302.html
Zalo