Di sản Việt Nam: Di sản công nghiệp tại thành phố Cảng: Nguồn tài nguyên cần khai thác

Theo định nghĩa của Ủy ban Quốc tế Nghiên cứu và Bảo tồn di sản công nghiệp, thì 'Di sản công nghiệp là những giá trị thuộc nền văn minh công nghiệp của nhân loại; bao gồm các giá trị về lịch sử, xã hội, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thẩm mỹ, kiến trúc, quy hoạch... cần được xác nhận, gìn giữ, bảo tồn'. Ở nước ta cũng từng có nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhà ga, bến cảng.., là biểu tượng cho các giai đoạn phát triển của đất nước, lưu giữ dấu ấn của nền văn minh công nghiệp thế giới; trong đó Hải Phòng là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, đa phần các cơ sở công nghiệp cũ đã bị phá bỏ, để thay thế bằng các trung tâm thương mại, khu đô thị mới hoặc chung cư… Điều đó làm mất đi những giá trị vật thể và phi vật thể, vốn đã gắn liền với tiến trình lịch sử công nghiệp hóa. Trong khuôn khổ chương trình tuần này, chúng tôi xin nói về vấn đề nêu trên tại thành phố Cảng Hải Phòng.

Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nhân loại nói chung, cũng như của từng quốc gia, từng thành phố, địa phương nói riêng. Tuy nhiên, ở nước ta, nhiều vấn đề liên quan đến các công trình công nghiệp có giá trị di sản hiện chưa được đưa vào Luật. Vâng, như Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 đều chưa có quy định về di sản công nghiệp; Luật Kiến trúc cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về di sản công nghiệp, chưa đánh giá, lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị. Bởi vậy, trong quá trình góp ý, sửa đổi và hoàn thiện Luật Di sản văn hóa, chúng ta cần lắng nghe thêm nhiều ý kiến của cộng đồng chuyên môn, đội ngũ chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đô thị các cấp và cử tri cả nước.

Di sản đô thị nói chung và những công trình công nghiệp có giá trị di sản nói riêng luôn mang những giá trị lịch sử đa chiều, đa nghĩa, với những giá trị phi vật thể, gắn bó cùng tiến trình lịch sử công nghiệp hóa của loài người. Trong khi đa phần các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng từ thời Pháp đều đã không còn, thì Ga Hải Phòng là một địa chỉ hiếm hoi vẫn duy trì đều đặn hoạt động tại một cơ sở công nghiệp cũ. Bên cạnh chức năng chính là vận tải, nơi đây còn là một điểm nhấn về vẻ đẹp của các công trình đô thị, trở thành một điểm hẹn văn hóa với khách du lịch khi đến thăm thành phố Cảng Hải Phòng.

Trong những công trình công nghiệp tại Việt Nam được kiến tạo ở giai đoạn mới manh nha hình thành nền công nghiệp, nhà máy sơn Resistanco không chỉ là niềm tự hào của nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà, mà còn là niềm tự hào của nền kỹ nghệ Việt Nam đầu thế kỷ XX. Một thanh niên mang danh là người dân thuộc địa đã sớm bộc lộ tư duy đột phá, khi “dám” cạnh tranh với các nhà kỹ nghệ của Pháp lúc bấy giờ, để sản xuất và phát triển các loại sơn bằng nguyên liệu sẵn có trong nước như dầu trẩu... Thương hiệu Resistanco từng vang danh khắp Đông Dương, và vang sang cả châu Âu, khiến cho người Pháp cũng phải thừa nhận và nể trọng. Câu chuyện về Resistanco như một minh chứng sống động, cho thấy: Di sản công nghiệp không chỉ bao gồm những vật thể còn sót lại, mà còn hàm chứa nhiều tầng nghĩa, như câu chuyện của ký ức, tính biểu tượng, gắn với những sự kiện có tính bước ngoặt trong quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thiện Đoan

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/di-san-viet-nam-di-san-cong-nghiep-tai-thanh-pho-cang-nguon-tai-nguyen-can-khai-thac-227374.htm
Zalo