Di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế

Sáng 25/10, tại Ninh Bình, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình và Viện Bảo tồn di tích tổ chức Hội thảo 'Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch'.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) quốc gia Việt Nam; TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình; ThS.KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo

Quang cảnh Hội thảo

Nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển đất nước, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã sáng tạo và lưu truyền lại một kho tàng di sản văn hóa vô cùng đồ sộ, phong phú và đa dạng, trong đó có hàng vạn di tích lịch sử - văn hóa có giá trị, thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Các di tích lịch sử - văn hóa đã và đang được Nhà nước, cộng đồng nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của các địa phương tham gia hỗ trợ, đầu tư, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập như: việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc, có nơi chưa bảo đảm các quy định của pháp luật; chất lượng nhân lực quản lý, thực hiện bảo tồn, tu bổ di tích còn hạn chế.

Vai trò của các bên tham gia bảo tồn, tôn tạo di tích, khai thác phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là vai trò của cộng đồng chưa có sự phân cấp, xác định trách nhiệm, phân chia lợi ích rõ ràng.

Kết quả huy động các nguồn lực xã hội hóa để tu bổ tôn tạo di tích chưa tương xứng với tiềm năng vị thế của các di sản văn hóa. Sự liên kết, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa - du lịch, đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo còn hạn chế, bất cập.

Đề dẫn Hội thảo, KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, thống kê đến giữa năm 2024, Việt Nam có 8 di sản được công nhận di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 133 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3628 di tích xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 11.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

"Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, coi văn hóa là sức mạnh mềm, nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là động lực quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước", ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Theo đó, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã chuyển biến tích cực; nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Thông qua bảo tồn, tôn tạo, các di tích lịch sử - văn hóa, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và du khách về bản sắc, giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, phát triển các sản phẩm văn hóa, kinh tế, dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với công tác giáo dục, phát triển văn hóa - du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, bất cập.

Hội thảo "Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch" nhằm làm rõ thực trạng triển khai các giải pháp, chính sách, mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ nhiệm vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch ở các bộ, ban ngành, địa phương hiện nay.

Hội thảo cũng gợi mở, đề xuất các giải pháp và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương nhằm điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong thời gian tới.

KTS. Trần Quốc Tuấn cho biết, các tham luận tại hội thảo gồm 4 nhóm chủ đề: Lý thuyết và quan điểm tiếp cận, khái niệm về bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch.

Các giải pháp, mô hình, bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ hiệu quả công tác giáo dục, phát triển các ngành kinh tế, du lịch, công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững tại Việt Nam.

Các giải pháp đột phá trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, du lịch.

Định hướng liên kết, hợp tác trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong hoạt động giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch.

Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, xác định di sản văn hóa là tiềm năng và thế mạnh, thời gian qua, Ninh Bình luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh.

Ninh Bình hiện có 1.821 di tích, trong đó có 405 di tích được xếp hạng, gồm 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An), 03 di tích quốc gia đặc biệt, 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 324 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

"Nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.

Đã có hàng nghìn lượt di tích được trùng tu tôn tạo; nhiều di tích đã phát huy tốt giá trị, góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc; nhiều di tích, danh thắng đã trở thành các khu, điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế...", ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Các tham luận đã đề cập đến những góc độ khác nhau xoay quanh chủ đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu gắn với giáo dục và phát triển kinh tế, du lịch.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế

PGS.TS Bùi Thanh Thủy (Đại học Văn hóa Hà Nội) đề cập đến các mô hình thực tiễn trong và ngoài nước liên quan đế vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, giáo dục truyền thống thông qua du lịch. "Các di tích lịch sử văn hóa luôn và cần được bảo vệ, phát huy nhằm giáo dục truyền thống, kết nối quá khứ và tương lai cho các thế hệ sau. Đây là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa lâu đời của dân tộc, là những chứng tích, vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hóa, về quá khứ cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc, là bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc…", PGS.TS Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh

Chuyên gia này lưu ý, ý nghĩa lớn nhất của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích là đảm bảo tính liên tục, không đứt gãy của truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời, khi các di tích trở thành tài nguyên du lịch sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn. Cộng đồng địa phương ở bất kỳ vùng nào đã và đang phát triển về du lịch đều nhận ra lợi ích này.

Việc bảo tồn di sản phải gắn với khai thác, đưa di sản trở thành một sản phẩm du lịch quan trọng (ảnh minh họa)

Việc bảo tồn di sản phải gắn với khai thác, đưa di sản trở thành một sản phẩm du lịch quan trọng (ảnh minh họa)

Đề cập đến chiến lược bảo tồn giá trị di sản và phát huy bản sắc đô thị Việt Nam, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý, quá trình hiện đại hóa đang đe dọa nghiêm trọng đến các giá trị văn hóa lịch sử của đô thị, đặc biệt về quy hoạch, kiến trúc và môi trường.

"Việc nhiều tỉnh thành tại Việt Nam hiện nay chỉ tập trung bảo vệ công trình di tích mà coi nhẹ sự cần thiết của giải pháp tổng thể cho các khu trung tâm lịch sử và vùng di sản là một sai lầm chiến lược", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều không gian di sản bị xâm phạm gián tiếp bởi công trình lân cận. Mặt khác, nhà quản lý đã bỏ qua cơ hội vàng để chỉnh trang những khu phố di sản hấp dẫn về văn hóa lịch sử, có sức thu hút du khách, đem lại nguồn thu ngân sách lớn cho địa phương.

ThS. KTS Nguyễn Thị Hương Mai, Viện Bảo tồn di tích cho rằng, việc bảo tồn di sản phải gắn với khai thác, đưa di sản trở thành một sản phẩm du lịch quan trọng. Theo đó, thực tế trong những năm qua, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa.

Di sản trở thành một sản phẩm du lịch quan trọng, đóng góp cho ngành kinh tế của mỗi địa phương. Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế du lịch còn phải gắn liền với các điều kiện xanh, sạch, bền vững, thân thiện, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người./.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/di-san-van-hoa-ngay-cang-chung-minh-vai-tro-la-nguon-luc-doi-dao-cho-tang-truong-kinh-te-20241025111317043.htm
Zalo