Di sản văn hóa - 'chìa khóa' phát triển du lịch

Nếu như di sản là tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch thì du lịch là con đường hiệu quả để quảng bá rộng rãi di sản đến công chúng. Vì vậy, việc gắn kết giữa hai lĩnh vực này là điều quan trọng và cần tập trung đầu tư nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cho sự phát triển chung...

Phát huy đa dạng loại hình di sản

Mới đây, tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa trên quê hương nhà văn Nam Cao gắn với phát triển du lịch bền vững” đã được tổ chức với sự tham dự của đông đảo các nhà văn hóa, nhà khoa học cũng như các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Hội thảo nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà văn Nam Cao (1915-2025) không chỉ để tri ân một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam mà còn mở ra những định hướng mới trong việc bảo tồn, khai thác và phát triển hiệu quả các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - du lịch địa phương.

Gần 50 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... đã tập trung làm rõ vai trò, giá trị và tiềm năng di sản văn hóa gắn liền với tên tuổi nhà văn Nam Cao, đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất thiết thực nhằm phát triển du lịch văn hóa - văn học theo hướng bền vững, sáng tạo và gắn với cộng đồng.

Những loại hình nghệ thuật mang đậm màu sắc dân tộc luôn hấp dẫn du khách.

Những loại hình nghệ thuật mang đậm màu sắc dân tộc luôn hấp dẫn du khách.

Lần đầu tiên, những nghiên cứu cho thấy, không chỉ những nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, phong tục tập quán độc đáo hay nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà ngay cả những di sản văn học của những tác giả lớn hoàn toàn có thể góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội thảo, TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững gây chú ý khi nêu sáng kiến “Khu du lịch Làng Vũ Đại ngày ấy - mô hình du lịch văn hóa đầu tiên tại Việt Nam khai thác giá trị di sản văn học”. Đây cũng là công trình từng giành nhiều giải thưởng về kiến trúc và quy hoạch, được đánh giá cao về tính sáng tạo trong bảo tồn và phát huy di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh những địa danh nổi tiếng của Hà Nam như chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai... thì công chúng còn biết tới những giá trị văn hóa vật thể độc đáo gắn với tên tuổi nhà văn Nam Cao như đình, đền Đại Hoàng, khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Không chỉ có vậy, nhiều địa danh trong các tác phẩm văn học của ông đã bước ra từ trang văn để trở thành những điểm tham quan hấp dẫn như làng Vũ Đại, nhà Bá Kiến... Và rồi, cuối hành trình ấy, mỗi du khách không quên mang theo về món cá kho trứ danh của làng Vũ Đại.

Rõ ràng, nếu biết khéo léo kết hợp khai thác, những di sản vật thể và phi vật thể xưa và nay tạo nên một hệ sinh thái di sản đa tầng, vừa giữ gìn được bản sắc, vừa mở ra những cơ hội phát triển du lịch trong bối cảnh hiện đại.

Không chỉ riêng Hà Nam mà gần đây, nhiều địa phương đã năng động, mạnh mẽ chuyển mình để trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Có thể kể tới nhiều địa phương đi đầu trong công cuộc đánh thức di sản, phát triển du lịch bền vững này như Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, Lào Cai... Trong đó, Ninh Bình đang phát huy thế mạnh của một địa phương thành công trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để phát triển du lịch bền vững (theo đánh giá của UNESCO).

Theo đó, di sản không chỉ được bảo tồn nguyên vẹn mà còn mang về những nguồn lợi kinh tế đáng tự hào. Nhờ đó, Ninh Bình đang giữ vị trí trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất nước. Không chỉ ngày một “văn minh hóa” những điểm du lịch sinh thái như Tràng An, Tam Cốc Bích Động, cố đô Hoa Lư... thì những lễ hội như lễ hội Tràng An, lễ hội Hoa Lư, Tuần du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc”... mang theo những loại hình nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, múa rối nước... khiến nơi đây trở thành một điểm đến đáng nhớ của du khách.

Không chỉ phát huy những di sản văn hóa vật thể sẵn có là những cảnh quan như hồ Gươm, hồ Tây, những di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội gò Đống Đa, hội Gióng, hội đền Sóc..., Hà Nội cũng đang triển khai nhiều dự án phát triển thành những sản phẩm du lịch độc đáo như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, phố bích họa Phùng Hưng, xe buýt 2 tầng, chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”...

Tại TP Huế, bên cạnh nét đẹp riêng có của đền đài lăng tẩm thì ẩm thực Huế cùng sự độc đáo của lễ hội, các loại hình nghệ thuật và show diễn mang đến cho nơi đây sự hấp dẫn khó cưỡng. Năm 2025, Huế được chọn là địa phương đăng cai “Năm du lịch quốc gia 2025” với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới”. Theo đó, TP Huế đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm tour, tuyến dịch vụ trải nghiệm mới, có tính sáng tạo cao, gắn với tiềm năng và lợi thế của địa phương xoay quanh các thương hiệu đặc trưng như “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, “Huế - thành phố lễ hội”...

Khai thác đi đôi với bảo tồn

Là một đất nước phong phú đa dạng trong địa hình, Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, kỳ thú. Các sản phẩm du lịch của Việt Nam mang nét đặc sắc riêng, xuất phát từ chính những giá trị văn hóa, di sản, ẩm thực và đặc biệt là con người Việt Nam. Những danh thắng như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), cố đô Huế, phố cổ Hội An (Quảng Nam), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)... không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan và lịch sử mà còn mang đậm giá trị văn hóa.

Các chương trình thực cảnh như “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, các buổi biểu diễn múa rối nước, đờn ca tài tử, hát bội... ngày càng ghi dấu ấn đậm nét trong lòng du khách trong và ngoài nước. Di sản văn hóa chính là lợi thế để du lịch Việt Nam tiếp tục bứt phá trong thời gian qua.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định tại nhiều hội thảo: Phát huy di sản văn hóa là yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững, biến di sản thành tài sản, sản phẩm du lịch hấp dẫn và tạo nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Di sản thiên nhiên là thế mạnh để phát triển du lịch.

Di sản thiên nhiên là thế mạnh để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, dù sở hữu kho di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng để phát triển du lịch nhưng việc khai thác tài nguyên này ở nhiều địa phương còn tự phát và quá nhanh dẫn đến suy giảm giá trị cảnh quan, môi trường và bản sắc văn hóa. Không khó để bắt gặp ở nhiều khu du lịch, bên cạnh cảnh quan tự nhiên tươi đẹp thì tình trạng bê tông hóa, kiến trúc thiếu đồng nhất và sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí không phù hợp đã làm giảm đi bản sắc, sức hấp dẫn riêng có của mỗi vùng đất.

Tương tự, chủ trương lan tỏa các loại hình nghệ thuật truyền thống đến với đông đảo khán giả là cần thiết nhưng không phải bằng mọi giá để rồi xuất hiện những loại hình lai căng, biến tướng. Để nghệ thuật chèo, tuồng, dân ca hay múa rối... đi vào lòng công chúng bằng đúng sức hấp dẫn tự thân, nguyên bản của mỗi loại hình.

Như GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) lưu ý: “Việc phát huy giá trị các di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gắn với du lịch là một chủ trương đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, cần cẩn trọng trong quá trình khai thác, tránh tình trạng thương mại hóa, sân khấu hóa và hoành tráng hóa di sản, không đúng với bản chất, chức năng và vai trò vốn có”.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ di sản là việc phải làm trong đó, tạo ra một “hệ sinh thái” phong phú, độc đáo và tương hỗ lẫn nhau. Ví như, bên cạnh những trải nghiệm di sản văn hóa truyền thống thì khách du lịch vẫn có được cảm giác thoải mái cũng như tinh thần thời đại trong mỗi sản phẩm du lịch. Điều đó bắt buộc người làm du lịch văn hóa phải có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” đã khẳng định du lịch di sản không chỉ là một trong những thế mạnh nổi trội mà là chìa khóa mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Việt Nam. Vì vậy, theo các chuyên gia, di sản văn hóa và du lịch cần gắn kết với nhau hơn để cùng tạo nên một bức tranh du lịch đa sắc cùng những trải nghiệm chân thực, sâu sắc về văn hóa, lịch sử và con người.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/di-san-van-hoa-chia-khoa-phat-trien-du-lich-i772893/
Zalo