Di sản và tiềm năng du lịch

Việc khai thác, bảo tồn các di tích, di sản văn hóa để phát triển du lịch là hướng đi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam.

Quần thể danh thắng Tràng An đem lại sinh kế cho hơn 7.000 lao động địa phương. Ảnh: M.Q.

Quần thể danh thắng Tràng An đem lại sinh kế cho hơn 7.000 lao động địa phương. Ảnh: M.Q.

Thống kê đến giữa năm 2024, Việt Nam có 8 di sản được công nhận di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 133 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 3.628 di tích xếp hạng cấp quốc gia và khoảng 11.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Thông qua bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và du khách về bản sắc, giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, phát triển các sản phẩm văn hóa, kinh tế, dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân được đẩy mạnh.

Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của mô hình du lịch di sản văn hóa chính là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Tốc độ tăng trưởng du lịch của khu vực này đã thay đổi nhanh vào năm 2015, nghĩa là chỉ vài tháng sau khi Tràng An được ghi danh. Lượng khách tăng trưởng trên 39%; doanh thu từ du lịch tăng 50,72%. Trong 9 tháng năm 2024, ngành du lịch Ninh Bình đón gần 7,3 triệu lượt khách, đạt 97,28% kế hoạch năm 2024, doanh thu 7.251 tỷ đồng, đạt 87,89% kế hoạch năm 2024.

Điều đáng chú ý, mặc dù khi đưa di sản vào khai thác du lịch với lượng khách rất đông nhưng các giá trị nổi bật toàn cầu và giá trị khác của di sản vẫn luôn được tôn trọng, gìn giữ. Đặc biệt, hoạt động du lịch văn hóa ở Quần thể danh thắng Tràng An đã đem lại sinh kế cho cộng đồng khi 7.000 phụ nữ địa phương (chiếm 90%), tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch và bảo vệ di sản, chủ yếu là hoạt động chèo đò, đảm bảo an ninh, trật tự, dọn vệ sinh môi trường.

Chia sẻ những cách làm sáng tạo, mang lại giá trị cho ngành du lịch di sản văn hóa và câu chuyện thành công đến từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Dinh Độc Lập, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, chương trình trải nghiệm đêm “Tinh hoa đạo học” đã gặt hái kết quả tích cực sau hơn 1 năm vận hành mà không sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo ông Kiêu, thành quả này đến từ việc công nghệ hiện đại được áp dụng để kết nối những câu chuyện quá khứ với du khách đến Văn Miếu. Tại đây, các “cụ rùa AI” và hiệu ứng 3D Mapping đã tạo nên những hoạt động tương tác thú vị. Đồng thời, thông tin sự kiện được quảng bá trên mạng xã hội để tiếp cận với nhiều đối tượng khác nhau. Qua thời gian, đội ngũ nhân viên cũng chuyển mình theo hướng dịch vụ chuyên nghiệp hơn, nâng cao kỹ năng và thái độ phục vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách tham quan.

Còn theo ông Trần Hữu Phước - Quyền Giám đốc Hội trường Thống Nhất, mỗi năm triển lãm này đón gần 350.000 lượt khách. Được tổ chức trong một ngôi biệt thự cổ 2 tầng có từ thời Pháp thuộc (ngay trong khuôn viên Dinh Độc Lập), không gian trưng bày giới thiệu hơn 500 hiện vật quý và tư liệu lịch sử tái hiện quá trình hình thành biểu tượng quyền lực của chính quyền Pháp tại Nam Kỳ.

Những thành công như trên đã chứng minh rằng di sản không chỉ có giá trị bảo tồn mà còn trở thành nguồn thu kinh tế dồi dào nếu biết khai thác sáng tạo, được đầu tư bài bản và truyền tải đúng cách.

Minh Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-san-va-tiem-nang-du-lich-10293779.html
Zalo