Di sản U23 Việt Nam 2022 và 'của để dành' tới Olympic Paris 2024
Dàn cầu thủ làm nên thành công cho U23 Việt Nam ở SEA Games 31 và VCK U23 châu Á 2022 vẫn còn rất nhiều gương mặt có thể tranh tài ở SEA Games 32 và Olympic Paris.
U23 Việt Nam đã không thể tạo nên điều kỳ diệu trước U23 Saudi Arabia và chấp nhận dừng bước tại tứ kết sau khi đã có hành trình vượt qua vòng bảng hết sức ấn tượng với 5 điểm nhờ hòa U23 Thái Lan, Hàn Quốc và thắng U23 Malaysia. Đây là kịch bản không bất ngờ bởi đội bóng Tây Á đang là đương kim á quân giải đấu và được đánh giá rất cao khi nằm trong nhóm đầu các đội mạnh châu Á.
Điều quan trọng hơn cả, U23 Việt Nam dưới bàn tay của HLV Gong Oh Kyun đã trình diễn một lối đá tích cực, khác biệt hoàn toàn với diện mạo trong suốt vài năm trở lại đây của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển đã mạnh dạn chơi tấn công, không ngần ngại áp sát dựa trên sơ đồ 4-3-3 hiện đại.
Không những thế, HLV Gong Oh Kyun còn trình làng những cầu thủ đầy tiềm năng, đủ sức thay thế các đàn anh tại ĐTQG trong tương lai xa. Còn ở thời gian gần sắp tới, không ít các gương mặt sẽ có thể trở thành trụ cột trong hành trình giành vé dự VCK U23 châu Á 2024, giải đấu sẽ đóng vai trò giành vé dự Olympic Paris 2024.
Ở hàng phòng ngự, người trấn giữ khung thành Quan Văn Chuẩn sẽ vừa đủ 23 tuổi vào năm 2024. Thủ thành sinh năm 2001 này đã có những màn trình diễn đáng khen trong suốt quá trình tham dự U23 châu Á 2022. Bỏ qua tấm thẻ đỏ trước U23 Saudi Arabia, Văn Chuẩn vẫn đóng góp lớn vào hành trình tới tứ kết giải đấu của U23 Việt Nam.
Ban đầu, Quan Văn Chuẩn không phải thủ môn số 1 trong đội hình U23 Việt Nam. “Cờ đến tay” thủ môn này sau khi Văn Toản mắc sai lầm và dính chấn thương ở cuộc đụng độ U23 Nhật Bản. Anh tỏa sáng trong trận hòa 1-1 trước U23 Hàn Quốc với 4 tình huống cứu thua mười mươi. Bên cạnh đó, khả năng xử lý bóng bằng chân của Văn Chuẩn cũng cực kỳ “chuẩn” với những đường chuyền chính xác hay giữ bóng trong phạm vi hẹp.
Phía trên, Phan Tuấn Tài và Vũ Tiến Long trở thành “đôi cánh” khá chất lượng ở 2 hành lang biên của U23 Việt Nam. Tiến Long là một phát hiện của HLV Gong Oh Kyun thực chất là một trung vệ nhưng được xếp đá hậu vệ phải. Điều đó cũng khiến anh có phần hạn chế trong tấn công nhưng khâu phòng ngự thì khác. Cầu thủ này mang dáng dấp của đàn anh Đình Trọng thời đỉnh cao với khả năng đọc tình huống chính xác.
Bàn thắng gỡ hòa 1-1 vào lưới U23 Hàn Quốc là điểm nhấn của Vũ Tiến Long tại giải. Đó đơn giản là phút giây xuất thần còn thứ tạo nên giá trị của anh lại nằm ở khả năng phòng ngự. Sinh năm 2002, Tiến Long còn có thể tham dự 2 kỳ SEA Games và 1 kỳ U23 châu Á nữa trong 3 năm tới.
Bên cánh đối diện, Phan Tuấn Tài như được giải phóng và trở nên nổi bật hơn hẳn so với hồi SEA Games 31. Tư duy chơi bóng thông minh được Tuấn Tài thể hiện rõ ở vòng bảng. Trận đấu với U23 Thái Lan là đỉnh cao của Tuấn Tài với hai khoảnh khắc đẳng cấp. Anh là người đã góp công vào 3/5 bàn thắng của U23 Việt Nam tại giải lần này. So về độ tuổi (sinh 7/1/2001, Tuấn Tài sẽ là người “già dặn” nhất nếu được dùng ở U23 châu Á sau đây 2 năm.
Hàng thủ còn trường hợp đặc biệt, đó là Lương Duy Cương, người cùng tuổi Tuấn Tài. Mặc dù có sở trường là trung vệ, nhưng Duy Cương luôn được bố trí ở vai trò tiền vệ phòng ngự. Anh gây ấn tượng với thể hình lý tưởng khi sở hữu chiều cao 1m80. Bên cạnh đó, khả năng tư duy và tranh chấp bóng mạnh mẽ cũng là những điểm mạnh của cầu thủ sinh năm 2001 được giới chuyên môn đánh giá cao.
Trái với Tuấn Tài, Duy Cương, bộ đôi Văn Khang, Văn Trường được coi là những “em út” của U23 Việt Nam lần này. Cả hai đều sinh năm 2003, và Văn Khang chỉ hơn Văn Trường vài thắng. Tuy nhiên, đây là những phát hiện thú vị nhất ở tuyến giữa của HLV Gong Oh Kyun. Văn Khang và Văn Trường đã sát cánh cùng nhau ở đội hình chính thức trong 3/4 trận đấu. Sự tiến bộ của hai cầu thủ này được dự báo từ trước, khi họ đều là những gương mặt tiêu biểu ở các lứa trẻ từ CLB đến đội tuyển.
Hàng thủ còn có Lê Văn Đô và Huỳnh Công Đến. Những gương mặt này đã có quãng thời gian thể hiện ở SEA Games 31, và góp công không nhỏ trong hành trình tới tấm huy chương vàng. Điểm chung giữa Văn Đô và Công Đến, ngoài cùng sinh năm 2001, thì đều thi đấu được ở nhiều vị trí khác nhau. Dù vậy, thể hình tương đối mỏng cơm của cả hai là bất lợi không nhỏ trong các pha tranh chấp.
Cuối cùng, sau Tiến Linh và Nhâm Mạnh Dũng, thì Nguyễn Văn Tùng được đánh giá là mẫu tiền đạo “của tương lai”. Tiền đạo sinh năm 2001 có thể hình tốt với chiều cao 1m80, mạnh trong những tình huống cài người, làm tường. Ngoài ra, Nguyễn Văn Tùng có khả năng di chuyển vào khoảng trống rất linh hoạt. Anh có thể hoạt động rộng để kết nối với các đồng đội, sau đó xâm nhập vòng cấm để kết thúc. Bàn thắng từ cú vô lê cháy lưới U23 Thái Lan là dấu ấn lớn nhất của Văn Tùng tại U23 châu Á 2022.
Tất nhiên, 9 cái tên đủ điều kiện dự giải đấu này vào năm 2024 chưa chắc đã là những trụ cột sau 2 năm nữa. Vẫn còn không ít những gương mặt tiềm năng những thiếu vắng ở đợt tập trung lần này như Đức Việt, Quang Thịnh, Khắc Lương, Thanh Khôi. Vẫn còn thời gian để các tài năng này hoàn thiện mình, nhằm hướng đến giải đấu U23 châu Á 2024, với mục tiêu xa hơn là giành vé dự Olympic Paris 2024.
Có thể thấy, HLV Gong Oh Kyun đã góp phần chuẩn bị kỹ càng cho U23 Việt Nam cũng như xa hơn là đội tuyển quốc gia. Sẽ tốt hơn nếu chiến lược gia người Hàn Quốc tiếp tục đóng vai trò tốt ở lứa U23 trước tiên. Bởi lẽ, ông đang có sự khởi đầu hiệu quả với triết lý bóng đá và các sử dụng con người. Tuy vậy, có lẽ NHM sẽ phải chờ đợi, khi chính ông Gong vừa tuyên bố U23 châu Á sẽ là giải đấu cuối cùng của ông với U23 Việt Nam.