Di sản nghệ thuật của chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Kỷ niệm 100 năm ngày sinh chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22/4/1925 - 22/4/2025), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình ông tổ chức triển lãm 'Hành trình Huỳnh Phương Đông', tôn vinh những đóng góp của người chiến sĩ - họa sĩ đã dành cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho nghệ thuật. Đây là một trong chuỗi triển lãm 'Hành trình Huỳnh Phương Đông' được tổ chức ở cả 2 miền Nam - Bắc.
1. Có thể nói, tên tuổi họa sĩ Huỳnh Phương Đông gắn liền với các sáng tác về kháng chiến và tuyên truyền cách mạng, nhưng chuỗi triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” giới thiệu với công chúng một Huỳnh Phương Đông đa dạng và đa diện hơn. Đó là các ký họa phong cảnh thời chiến, ký họa phong cảnh thời bình - xây dựng đất nước, những con người trong chiến tranh, đi qua chiến tranh và trở về với cuộc sống thường nhật…
Những chân dung các chiến sĩ, những người bạn, những ghi chép, ký họa của ông trong những chuyến đi dọc chiều dài đất nước… Ông dành cả cuộc đời của mình chỉ để vẽ, đồng thời luôn có ý thức bảo quản tác phẩm, nên ngày nay người yêu mỹ thuật mới có dịp nhìn ngắm hành trình hội họa đầy thú vị của ông.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông bên tác phẩm của ông. Ảnh: gia đình cung cấp.
Với hơn 70 năm miệt mài lao động sáng tạo, cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã dành cả cuộc đời người họa sĩ - chiến sĩ cống hiến hết mình cho dân tộc, cho nghệ thuật. Triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này giới thiệu hơn 150 bức tranh gồm nhiều chất liệu khác nhau như than chì, màu nước, bút mực, bột màu, lụa, sơn dầu... Những tác phẩm và ký họa, trực họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông không đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật mà còn là chứng nhân lịch sử cho sự hy sinh, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
Mảng ký họa chân dung thể hiện chân thật, sinh động về những con người đã sống và chiến đấu, anh dũng quên mình đi qua cuộc chiến. Họ là những người đồng đội, đồng chí, là những dũng sĩ, chiến sĩ biệt động, thanh niên xung phong, chiến sĩ giao liên... được thể hiện bằng những nét bút vẽ vội như chạy đua với thời gian, bằng tất cả những gì có thể vẽ được nơi đạn lửa. Sinh thời, ông quan niệm: “Tôi vẽ chân dung hàng trăm bè bạn và đồng chí... Nhiều bạn bè của tôi hồi đó là những chàng trai, những cô gái còn rất trẻ, nhưng họ vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ”.

Bà Lê Thị Thu - Phu nhân họa sĩ Huỳnh Phương Đông chia sẻ với khán giả những kỷ niệm về chồng.
Ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Với hội họa của bác Huỳnh Phương Đông, cảm xúc của tôi rất mạnh. Bởi vì bác ký họa, mà vẽ ký họa bao giờ cũng rất nhanh, không thì tuột mất. Vẽ không thể nhanh như chụp ảnh, mất công sức hơn, có thể vẽ chì, có thể vẽ bút sắt, vẽ thuốc nước, phải thao tác rất nhanh. Khi dùng tay trực tiếp cầm bút vẽ, cảm xúc rất khác với bấm máy ảnh, cho nên khi nhìn cũng là xe tăng, cũng là mũ sắt, cũng là khẩu súng, nhưng nhìn hội họa hoàn toàn có được cảm xúc khác. Cảm xúc của tôi, nhìn thấy rất đẹp, kể cả chân dung những người lính, thanh niên xung phong hay thương bệnh binh, kể cả những người đang đổ máu”.
Đặc biệt, trong triển lãm này, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tác phẩm khổ lớn nhất của họa sĩ Huỳnh Phương Đông có tên “Chiến thắng Ấp Bắc”, do ông sáng tác năm 1963, dài 7,6m. Theo bà Lê Thị Thu, vợ họa sĩ Huỳnh Phương Đông, tác phẩm “Chiến thắng Ấp Bắc” dù không được họa sĩ ký họa trực tiếp trong trận chiến nhưng đã được họa sĩ dày công tìm hiểu, nghiên cứu để tái hiện khoảnh khắc hào hùng của của chiến thắng lịch sử ấy. Thời điểm diễn ra trận chiến, ông vẫn ở miền Bắc.
Sau khi được cử vào miền Nam hoạt động, ông đã nghiên cứu địa hình thực tế và tái hiện trận đánh. Tác phẩm hoàn chỉnh mang tên Trận Ấp Bắc được vẽ năm 1982, chất liệu sơn dầu. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm khác về những trận đánh đi vào lịch sử như trận La Ngà, mặt trận cầu chữ Y, những địa danh đã trở thành huyền thoại như đất thép Củ Chi, căn cứ nổi Rừng Sác...

Bức tranh “Phút quyết liệt trận Bình Giã” - 1965 của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
2.Họa sĩ Huỳnh Phương Đông có tên khai sinh là Huỳnh Công Nhãn, sinh ngày 22/4/1925 tại Bình Hòa - Gia Định, nguyên quán Kế An - Kế Sách tỉnh Sóc Trăng. Ông theo học tại Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (École des Arts Appliqués de Gia-Dinh - Tuyển vào năm 1941) và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1963). Ông là họa sĩ - chiến sĩ tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Huỳnh Phương Đông không chỉ là tên gọi của con trai họa sĩ Huỳnh Công Nhãn, mà còn là bí danh của ông từ năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ, công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng (B11).
Sau ngày Thống nhất đất nước 30/4/1975 đến 2015, ông vẫn dùng bí danh này làm bút danh chính thức để hoạt động mỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật thực hành Gia Định (1945), với tinh thần yêu nước, Huỳnh Phương Đông tham gia cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân khi quân Pháp trở lại toan xâm chiếm miền Nam. Khi cuộc Tổng khởi nghĩa ở Nam bộ nổ ra (1945), Huỳnh Phương Đông trở về Sóc Trăng, vừa tham gia công tác cách mạng và tiếp tục hoạt động mỹ thuật.
Ông có biệt tài vẽ nên những cảnh tượng chiến trận ác liệt qua cái nhìn “nhè nhẹ”, với một bút pháp nhạy bén, linh động và lối cắt cảnh tự nhiên - kết quả của một quá trình sáng tác lâu dài ngoài mặt trận, nơi ông trải nghiệm hội họa bằng những phương tiện giải quyết nhanh như thuốc nước, phấn màu, chì than.

Bức tranh “Truy kích địch trong trận Bình Giã” - 1965 của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
Vừa chiến đấu vừa sáng tác, họa sĩ sở hữu một sự nghiệp hội họa với nhiều tác phẩm nghệ thuật đa dạng về thể loại và có biệt tài về ký họa chân dung.
Nhiều tác phẩm của Huỳnh Phương Đông sau đó được gửi đi tham dự các cuộc triển lãm trong và ngoài nước: Đông Âu, Cuba, Trung Quốc,… nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Một trong những dấu ấn trong sự nghiệp cầm cọ của họa sĩ Huỳnh Phương Đông là bản in bộ ba tập ký họa “Miền Nam Việt Nam - Đất nước, con người” được Nhà xuất bản Giải Phóng phát hành năm 1967. Bộ postcard này là tổng hợp những tác phẩm của 6 họa sĩ: Cổ Tấn Long Châu, Lê Văn Chương, Huỳnh Phương Đông, Thái Hà, Lê Hồng Hải và Nguyễn Văn Kính.
Bộ ký họa khắc họa sinh động chân dung những người con miền Nam kiên cường, bất khuất, cảnh sinh hoạt và các hình thức chiến đấu của quân ta, phong cảnh đẹp của miền Nam cũng như những bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ. Bộ tranh đã được Bác Hồ chỉ đạo mang đi giới thiệu, triển lãm tại nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu và các nước ủng hộ Việt Nam.
Cũng trong khói lửa chiến cuộc, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã giữ gìn, bảo vệ tranh của mình bằng cách cho vào các thùng đạn và chôn dưới đất để rồi về sau quay lại tìm. Tuy nhiên trong điều kiện chiến tranh thì tranh ông cũng bị thất lạc đi nhiều.

Tác phẩm “Chiến thắng ấp Bắc” của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
Có thể nói, chuỗi triển lãm “Trăm năm Huỳnh Phương Đông” mang đến những câu chuyện thời chiến xúc động, khắc họa hình ảnh nhiều danh tướng, văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng và cả những con người chưa được biết tên trong thời chiến. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: “Họa sĩ Huỳnh Phương Đông có cái mà người Pháp gọi là Coup de crayon (những nét phác để đời). Nét bút của ông có cái gì đó rất vững vàng, mạnh mẽ mà dâng đầy xúc cảm. Dường như khi ông đặt bút xuống, những cảm nhận mỹ quan đi thẳng từ con tim ông qua ngón tay tràn ra giấy, quyết liệt và dứt khoát. Tôi tự hỏi không biết ông có chỉnh sửa gì trên những ký họa đó không, hay một khi đã lan tỏa ra từ tâm trí thì ý tưởng đó hình thành một cách bền vững và hoàn mỹ?”.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông từng nói, mong mỏi lớn nhất của ông là giữ lại tranh cho lịch sử, cho nước nhà và cho thế hệ mai sau. Tâm nguyện ấy của ông đang được gia đình và những người yêu nghệ thuật thực hiện, để di sản của họa sĩ Huỳnh Phương Đông không chỉ một trăm năm…