Di sản của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương - cuộc đối thoại liên văn hóa, xuyên thời đại

Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương là hai tượng đài văn học vĩ đại của Việt Nam. Di sản văn học của họ không chỉ phản ánh tình hình xã hội, văn hóa và tâm lý con người thời đại mà còn vượt thời gian để giao lưu và đối thoại với các thế hệ sau.

Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đều là những danh nhân kiệt xuất có đóng góp xuất sắc cho văn hóa, văn học dân tộc và sự tiến bộ của loài người. Quan điểm này được khẳng định tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản” ngày 15.12.

Qua di sản hai danh nhân để lại, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều nhận định Nguyễn Du đã đi được đến tận cùng nỗi đau, thân phận đoạn trường của con người, nói lên nỗi đau nhân loại; còn Hồ Xuân Hương cũng đã đi đến được tận cùng màu sắc cá nhân độc bản, không giống ai.

 Hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản” ngày 15.12

Hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương - Danh nhân, thi hào và giá trị di sản” ngày 15.12

Bởi vậy, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du và thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã trở thành hiện tượng “parody” trong đời sống tinh thần người Việt. PGS.TS Biện Minh Điền, Trường Đại học Vinh phân tích, parody trong sáng tạo văn học, nghệ thuật là hiện tượng mà các tác phẩm mẫu gốc được người sau dựa vào một số yếu tố hoặc ngôn ngữ, thể loại, hoặc là cốt truyện, nhân vật… để tạo nên một phiên bản, một sản phẩm mới mang ý nghĩa mới. Nói cách khác, đây là hình thức nhại lại, phỏng theo, tái chế, biến tấu từ tác phẩm mẫu gốc.

"Truyện Kiều" của Nguyễn Du và thơ Nôm Hồ Xuân Hương ngay sau khi ra đời đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho parody. Cả hai đều là sáng tác của những người cùng thời, đều có những tương đồng về cảm hứng nhân văn, nhất là sự thấu cảm đối với con người, trước hết là người phụ nữ trong xã hội phong kiến... Đặc biệt, cả hai đều là đỉnh cao của văn học Nôm - tiếng Việt.

Sức sống mãnh liệt của "Truyện Kiều" và thơ Nôm Hồ Xuân Hương trong lòng người Việt đã tạo điều kiện cho nghệ thuật parody tác phẩm kinh điển mẫu gốc phát triển liên tục, vượt mọi giới hạn không gian và thời gian.

Đến nay, trong đời sống xã hội hiện đại, hiện tượng lẩy Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều… vẫn tồn tại như một mặt cho thấy giá trị và tầm ảnh hưởng rộng lớn của "Truyện Kiều", mặt khác cũng là một cách, một con đường tạo kênh giao lưu văn hóa và giới thiệu "Truyện Kiều" - Việt Nam với bạn bè thế giới. Tương tự với trường hợp thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng liên tục xuất hiện trong các tác phẩm phái sinh, nhại theo, nói lái mang tính châm biếm, hài hước…

 Đến nay, di sản của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương vẫn là niềm tự hào, mối quan tâm lớn của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc...

Đến nay, di sản của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương vẫn là niềm tự hào, mối quan tâm lớn của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc...

“Cả hai loại parody Truyện Kiều và parody thơ Nôm Hồ Xuân Hương đều khơi dậy tình yêu đối với di sản văn hóa, văn học dân tộc, không chỉ làm sống dậy giá trị của quá khứ mà còn phản ánh sự gắn bó tinh thần sáng tạo của người Việt trong tiếp biến văn hóa truyền thống, đưa giá trị của văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại”, PGS. TS. Biện Minh Điền nhận định.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, Viện Văn học, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thực tế nghiên cứu toàn cảnh cuộc đời và tác phẩm hai bậc thầy thi ca Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương cho thấy ý nghĩa vượt thời gian và không gian của những di sản.

Trong khoảng 10 năm gần đây, bên cạnh các phương diện giá trị nội dung xã hội, các lý thuyết thi pháp, so sánh văn học từng được vận dụng hiệu quả vào giới nghiên cứu sáng tác Nguyễn Du đã được tiếp sức, phát triển với lý thuyết giới, tiếp nhận và văn hóa học. Cái mới trong nghiên cứu Hồ Xuân Hương (với số lượng thơ không nhiều nhưng cực kỳ phức tạp về văn bản) có khám phá mới về nội dung, tầm nhìn xã hội mới mẻ, vượt lên nhận thức ở những giai đoạn trước với lối phê bình xã hội học đơn giản…

“Đặt trong tương quan chung, hai tác gia Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đều có khả năng tỏa sáng, đồng hành cùng lịch sử dân tộc và mọi con người trên thế gian. Bởi vậy, giờ đây, định hướng nghiên cứu, tiếp nhận, phát huy giá trị sáng tác của hai tác giả không chỉ đặt ra thách thức lớn trong việc biên soạn, hệ thống hóa lịch sử vấn đề; đồng thời còn là nhiệm vụ triển khai, vận dụng nguồn lý thuyết mới, góp vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy các tác gia Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và mở rộng giới thiệu hai danh nhân thi sĩ trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn nói.

Làm nổi bật những di sản của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương chính là tiếp sức cho cuộc đối thoại liên văn hóa, xuyên thời đại, từ đó nổi bật những tinh thần nhân văn, những giá trị vô giá của dân tộc Việt Nam.

Nói như GS. TS. Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Truyện Kiều của Nguyễn Du là đối thoại giữa các giá trị truyền thống lớn, phản ánh những chiều cạnh của đời sống và các giá trị văn hóa của các nhóm thượng lưu, tinh hoa. Những gì cất lên tiếng nói trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương là những đối thoại cả theo chiều dọc và chiều ngang, xuyên qua những định kiến và sự phân biệt đẳng cấp, giới tính. Nhờ thế mới hay, rằng khi đã đạt đến cảnh giới tự mình đối thoại với chính mình thì cái tôi khai phóng, cái tôi nhân đạo - nhân văn sẽ quán chiếu được trọn vẹn nhân tình, vượt không gian và xuyên thời gian”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/di-san-cua-nguyen-du-ho-xuan-huong-cuoc-doi-thoai-lien-van-hoa-xuyen-thoi-dai-post399348.html
Zalo