Đi nâu

'Mai đi củi hay nâu?' là câu hỏi gắn với mùa hè tuổi thơ của chúng tôi suốt một thời đất nước còn nghèo khó. Đi củi là đi kiếm củi trên rừng làm chất đốt. Đi nâu là đi đào củ nâu nhuộm áo.

Áo nâu mộc mạc một màu đất đai.

Áo nâu mộc mạc một màu đất đai.

1. Mùa hè đến, những cơn nắng nóng hừng hực đổ xuống, ai cũng cảm thấy bức bối, khó chịu. Cảnh vật, cây cối héo khô. Đàn sẻ ẩn mình không tiếng hót. Hàng cây đứng lặng chẳng lao xao. Buổi trưa xóm thôn vắng chỉ tiếng gà xao xác gáy sau bụi tre già. Mãi tới buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống mới có cơn gió thổi qua. Đó cũng là lúc nhà nhà dừng tay hái lượm, trẻ con dong trâu bò về. Đường quê xôn xao tiếng hỏi: “Mai đi củi hay nâu?” Nhịp sống hè của tôi - miền trung du những năm 60 của thế kỷ 20, thường là vậy. Có ngày đi củi, có ngày đi nâu.

Nhà tôi cách xa rừng Ngọc Mỹ, Kèo Kài, Đạo Trù… hơn chục cây số. Đó là những cánh rừng nguyên sinh dưới chân núi Sáng, có nhiều bà con dân tộc Sán Dìu, làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khoảng 4 giờ, mùa hè gà đã cất tiếng gáy le te, cả xóm í ới gọi nhau ra điểm hẹn. Nếu ai đi củi thì đôi quang cặp, dao dựa. Ai đi nâu thì cầm bị cói và cái thuổng kiêm đòn gánh. Ai cũng có nắm cơm muối vừng hoặc khoai sắn gói bằng mo cau cho bữa sáng, bữa trưa. Sáng vừa đi vừa ăn. Tôi được mẹ mua cho đôi bị cói nhỏ chuyên đi nâu, chỉ nhỉnh hơn cái bị để trầu cau, thuốc lào ăn trầu của bà của mẹ. Đi nâu thường phải cặp đôi, người lớn kèm trẻ con, vì vào rừng sâu rất dễ lạc hoặc bị rắn cắn, lỡ xảy chuyện còn có thể giúp nhau. Tôi hay được anh trai hoặc bác Trong hàng xóm kèm cặp. Đi nâu vất vả hơn đi củi, nhưng tạo nhiều hứng thú. Bởi sau những giờ tìm bới dưới gốc cây, bờ suối, cả buổi sáng may được vài củ, nhất là nâu nếp thì quý như “đào được sâm”. Rừng dưới chân núi Sáng nhiều cây lá to, tán lá lớn, chúng phân thành từng tầng khác nhau. Có những cây hướng sáng, vươn lên thật cao, ánh trời chỉ lọt chút tia yếu ớt. Dây leo chằng chịt qua các thân cây gỗ lớn. Có những bụi dây leo không biết đã sống nhờ như vậy từ bao giờ. Chúng đan vào nhau tới mức khó mà nhận ra đâu là tán lá cây chủ, đâu là cây sống gửi. Những cây nấm rừng chi chít giống một thành phố nấm, mỗi chiếc như một lâu đài kiến trúc. Tôi cứ ngỡ mình là một người tí hon lọt vào vương quốc của ma quỷ. Có hôm cảnh rừng trở nên huyền bí khi cơn mưa bất chợp ập tới - bóng tối bao phủ. Chúng tôi trú dưới tán lá cọ, hửng nắng là tiếp tục tìm.

Tìm dây nâu lẩn khuất ở những gốc cây. Thân dây có mầu tím đậm, nhiều gai, lá mọc cách gốc khoảng hai gang tay, dày và xanh đậm như lá cây sở lấy dầu. Dễ nhận ra nâu nhất khi thấy chùm hoa bông mầu phớt tím. Vạch đám lá, lần xuống gốc sẽ nhìn thấy đầu củ nhô trên thảm thực bì. Dùng thuổng bới quanh là lật được nâu lên. Vỏ nó sần sùi, màu xám trông gần giống củ cọc rào trong vườn nhà. Sướng nhất là kiếm được củ nâu mếp, có mầu đỏ như bã trầu của mẹ.

2. Những ngày nắng hè trung du oi bức làm người nông mệt mỏi, nhưng lại là dịp “được nắng” cho phơi sắn, phơi vải nhuộm nâu. Những củ nâu anh em tôi đào về được bố mẹ gọt vỏ rồi giã nhỏ, lọc lấy nước nhuộm vải. Thời ấy phần lớn người quê chỉ dùng vải diềm bâu, ít khi dùng vải phin trắng, vì hiếm và giá đắt. Vậy mà bố mẹ tằn tiện chi tiêu việc khác để cả nhà có tấm áo manh quần loại vải mềm mỏng, sạch sẽ, tấm chăn êm ấm. Vải diềm bâu là loại vải bố, sợi dày, mầu trắng đục nhuộm màu sồng làm vỏ chăn cho mùa lạnh. Nâu sồng là vải được ngâm qua nước bùn ao rồi nhuộm nâu nhiều lần thành màu nâu đậm và rất cứng. Vải phim may quần áo cho cả nhà. Bố mẹ mua những tấm vải khổ 80 phân, dài khoảng 4, 5 mét, đính 4 đầu quai, nhúng nước giũ cho hết hồ rồi ngâm vào nước nâu khoảng một tiếng mới vớt ra. Anh em tôi làm 4 cọc tre nhỏ, mỗi người một đầu căng tấm vải nơi chân đồi cạnh nhà, rồi đóng cọc móc quai cho gió khỏi tung lên. Có lần nhuộm 4 tấm liền, nửa vải diềm bâu, nửa vải phin. Nước đầu tiên vải còn trắng nhởn, vậy mà vài nước sau được nắng, đã bắt đầu lên mầu. Lo nhất là trời bất chợt đổ mưa, nếu chẳng may bị nước mưa là vải thâm xì, nên chúng tôi cứ hồi hộp canh trời. Và mẹ đun sôi nước nâu bằng chiếc nồi đồng hay luộc bánh chưng nhúng vào, làm cho vải bóng hơn. Đó là công đoạn cuối cùng của mẻ nhuộm. Với mảnh vải nhuộm nâu may váy cho mẹ, chúng tôi đi vớt bùn ở ruộng, pha nước cho loãng để bùn lắng xuống, rồi vốc lên trải đều một lớp lên tấm vải, khi khô từng niểng bong ra như mặt ruộng hạn. Làm như vậy 3 lần là tấm vải nâu sồng thành màu đen. Vải nâu nhuộn bùn bền, chắc như da thuộc.

3. Củ nâu từ sắc màu thị giác tới vị giác-chát xít, nhuộm nên tấm vải mang sắc màu ở tầm mức khác - đỏ đậm với nông sồng, đỏ tươi với nâu non, thơm thơm mùi gạo rang, và đen xỉn khi nhuộn bùn. Tháng 5, tuổi học trò hồ hởi chào đón nghỉ hè vẫn len lỏi vào tôi tới thao thiết. Chạm ánh nâu, vị nâu sữa ấy mà bâng khuâng, xao xuyến, in dấu cả một khoảng trời ký ức đi nâu nhuộn áo. Bố dẫn anh em tôi tới nhà bác Thạch, phó may cắt quần áo. Chị tôi áo nâu non căng tròn bộ ngực, đòn gánh cong quẩy nước từ giếng Chùa về, làm bao anh bộ đội đóng quân trong xóm cứ mãi nhìn. Tôi sột soạt quần áo nâu già, tung tẩy dùi trống ngày sinh hoạt Đội thiếu niên cùng đám trẻ. Mẹ luôn làm bài toán trừ cho bản thân, chẳng muốn làm đẹp, chỉ ăn chắc mặc bền với váy nâu nhuộm bùn, yếm gụ nhạt. Anh em tôi cứ thế mà lớn lên từ những dòng sữa ngọt ngào sau yếm.

Mẹ tự khâu yếm, váy cho mình. Có khi mẹ chong đèn đêm khuya khâu áo rách cho bố, vá váy áo cho mình. Hình ảnh mẹ cần mẫn lặn vào từng mũi kim, sợi chỉ bao nhiêu năm tháng ấy vẫn trong tôi. Khi nhìn những cô gái quan họ, hay hát ghẹo vùng Đức Bác, Tứ Yên, Lập Thạch quê mình với yếm trắng hay hồng, thêm tấm áo dài màu nâu mỏng mặc ngoài, tung bay như rồng phượng, tôi căng hồn lắng nghe cuộc đời thổi vào những cánh áo nâu tuổi thơ. Nguyễn Văn Song, đã cất lời, nói hộ lớp trẻ ngày xưa:

“Áo nâu bạc, áo nâu gầy

Áo như thửa ruộng chở đầy nắng mưa

Lắng nghe sợi vải ngày xưa

Thấy trong mặn chát đã thừa mồ hôi”

Áo nâu tạc nên dáng quê - một màu đất đai, đã làm nổi bật vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và giàu đức hy sinh của bao phụ nữ và người nông dân Việt Nam, mãi mãi còn trong tâm khảm.

Đăng Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/di-nau-10305840.html
Zalo