Di Linh: Nâng cao chất lượng Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn huyện Di Linh trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đồng thời, tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

Phong trào TDĐKXDĐSVH ở huyện Di Linh đã phát hiện, tôn vinh nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến trên các lĩnh vực
Di Linh là địa phương có diện tích rộng, dân số đông, với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên 68.000 người, chiếm 42,5% dân số toàn huyện. Năm 2024, Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) đã xác định rõ các nhiệm vụ, nội dung, giải pháp trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện kịp thời. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể lồng ghép việc tổ chức, thực hiện các nội dung, chỉ tiêu Phong trào TDĐKXDĐSVH trong thực hiện công tác chuyên môn ngành phụ trách.
Gắn liền với Phong trào “TDĐKXDĐSVH” là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện, đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn huyện tích cực vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ thoát nghèo; hiến hơn 20.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, hội trường thôn... Mặt trận phối hợp với chính quyền và đoàn thể các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức ra quân “Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới”; xây dựng nhiều mô hình thiết thực như “5 không 3 sạch”, “Ngôi nhà xanh”, “Thu gom phế liệu tặng Bảo hiểm y tế”,... Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm cho người nghèo; các hoạt động từ thiện nhân đạo... trên địa bàn huyện được tích cực triển khai. Từ đó, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Đề án số 04-ĐA/HU, ngày 18/01/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Xây dựng huyện Di Linh đạt huyện nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, tiến tới đạt huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2025 - 2030”.
Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, xuất sắc trong xây dựng môi trường văn hóa cũng như trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cộng đồng tôn vinh và được các ngành, đoàn thể, địa phương ghi nhận, khen thưởng kịp thời, góp phần xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh. Trong đó, có thể kể đến như cô Đoàn Cẩm Hà - giáo viên Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở (THCS) Lê Lợi; em Nguyễn Thanh Hải - học sinh Trường THCS Lê Lợi đạt thành tích trong thi đua rèn luyện và học tập; ông Nguyễn Danh Cẩn, ở Thôn 1, xã Gia Hiệp là nông dân tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; chị Ka Sôi - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đinh Trang Hòa đã phát huy vai trò xung kích của Bí thư Đoàn cơ sở trong thời đại mới; ông K’Byie ở thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré đã phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS...
Phát huy hiệu quả giá trị truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng, Ban Chỉ đạo huyện Di Linh đã triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến các hộ gia đình trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn, với 73 mô hình đang được duy trì và nhân rộng. Năm 2024, huyện Di Linh có tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 96%; tỷ lệ thôn, tổ dân phổ văn hóa đạt 99%; 98% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Đặc biệt, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng thực hiện, triển khai đồng bộ và đã đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới. Phong trào gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa thành các chương trình, mục tiêu riêng, gắn với công tác cải cách hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng tinh thần làm việc khoa học, văn minh cho cán bộ, viên chức, người lao động; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Năm 2024, toàn huyện có 126/126 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện đăng ký xây dựng danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, Phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn huyện Di Linh đã được các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, mang lại những hiệu quả thiết thực. Từ đó, nhận thức của toàn dân về phong trào ngày càng chuyển biến rõ nét; chất lượng phong trào từng bước được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện đáng kể. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, truyền thống văn hóa tốt đẹp tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Phong trào đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động phong trào trên địa bàn huyện, trong năm 2025, Ban Chỉ đạo huyện Di Linh xác định tiếp tục duy trì các kết quả đạt được của năm 2024; đồng thời, phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể như 96% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 99% số thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; thị trấn Di Linh giữ vững đô thị văn minh; 98% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.