Di Linh chủ động chống hạn cho cây cà phê

Ở thủ phủ cà phê Di Linh, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân đang tranh thủ ngày đêm để chăm sóc, tưới nước cho cây cà phê.

Người dân yên tâm hơn khi dự báo tình hình khô hạn năm nay không kéo dài như năm 2024

Người dân yên tâm hơn khi dự báo tình hình khô hạn năm nay không kéo dài như năm 2024

XUYÊN ĐÊM CANH NƯỚC TƯỚI CÀ PHÊ

Có mặt tại xã Tân Thượng những ngày đầu năm, một khung cảnh nhộn nhịp mua bán diễn ra tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Trên các con đường dẫn vào khu sản xuất, người dân hối hả chở máy bơm, ống nước, phân bón… Dù bây giờ mới là rằm tháng Giêng nhưng đây đã là lần tưới thứ 3 của gia đình anh K’ Bảo (Thôn 4, xã Tân Thượng). Anh K’Bảo cho biết, rút kinh nghiệm từ năm trước, việc tưới nước muộn cùng với tình trạng khô hạn kéo dài khiến năng suất cà phê sụt giảm rất nhiều. Với hơn 1,2 ha cà phê trên đồi dốc, anh phải thuê thêm người để kịp tưới cho toàn bộ diện tích trong thời gian nhanh nhất.

Hồ thôn 4 phục vụ cung cấp nước cho hàng trăm ha cà phê tại thôn 1 và thôn 4, xã Tân Thượng

Hồ thôn 4 phục vụ cung cấp nước cho hàng trăm ha cà phê tại thôn 1 và thôn 4, xã Tân Thượng

“Năm vừa rồi tưới quá ít nên một phần diện tích cà phê không kịp ra bông, cháy lá dẫn đến năng suất chỉ đạt 2,7 tấn/ha. Trong khi đó, các năm trước phải đạt trên 4 tấn/ha. Cũng may năm vừa rồi giá cà phê rất cao nên gia đình có tiền tái đầu tư. Vì thế nên năm nay mới từ mùng 5 gia đình tôi đã đặt máy, kéo ống tưới cả ngày cả đêm”, anh K’Bảo nói.

Cũng như gia đình anh K’Bảo, tại các điểm trũng của dòng suối Đạ Sung có gần 10 máy bơm của các hộ dân thôn 4 đang hoạt động hết công suất. Bởi từ ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, UBND xã Tân Thượng đã có thông báo xả nước từ hồ thôn 4 trong 10 ngày để bà con Nhân dân tiến hành tưới nước, chống hạn cho cây cà phê.

Ông K’Tếp, trưởng thôn 4 cho hay, gần 400 ha cà phê trên địa bàn phụ thuộc vào nguồn nước từ hồ này. Năm ngoái, nắng nóng kéo dài khiến cho lượng nước trong hồ cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như năng suất cây trồng. Chính vì vậy, năm nay, người dân đã chủ động nguồn nước còn lại từ các con suối và ao hồ nhỏ để tưới tiêu.

Anh K'Bảo tranh tập trung chăm sóc vườn cà phê

Anh K'Bảo tranh tập trung chăm sóc vườn cà phê

“Người dân cũng đã xác định vai trò quan trọng của việc tưới tiêu nên đã tích cực chủ động bên cạnh việc tập trung cắt tỉa cành, tạo tán giúp cây nhanh phục hồi để đón mùa hoa mới, chuẩn bị cho vụ năm sau. Trước sự quan tâm của chính quyền địa phương khi đưa ra các cảnh báo về tình hình thời tiết, điều tiết nước tưới thì người dân cũng rất phấn khởi”, ông K’Tếp cho hay.

Theo ông Đăng KLoan Đin - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, cà phê là cây trồng chủ lực tại địa phương. Những năm gần đây, người dân cũng đã chủ động trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mắc ca, hồ tiêu… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, địa hình đặc trưng đồi núi dốc với các rãnh sâu lại dẫn đến khó khăn trong việc tưới tiêu của bà con.

Xác định tầm quan trọng của công tác phòng, chống hạn cho cây cà phê, ngay từ đầu năm, UBND xã đã sớm quan tâm, phối hợp với các đơn vị liên quan để tiến hành xả nước tại các hồ chứa để phục vụ việc tưới tiêu cho diện tích cà phê. Sau khi ăn Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân cũng đã nhanh chóng bắt tay vào công việc, chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng. Đây là đợt tưới thứ 2 trong niên vụ cà phê năm 2025. Sau đợt tưới này, nếu nông dân vẫn còn nhu cầu về nước tưới thì xã sẽ tiếp tục phối hợp để xả nước, tránh để việc thiếu nước ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây cà phê.

SỚM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG HẠN

Hiện, toàn huyện Di Linh có 46.446 ha cà phê. Sau khi thu hoạch niên vụ 2024-2025, bà con nông dân đã bắt tay ngay vào việc tiến hành tỉa cành, tạo tán, tủ gốc và tưới nước chống hạn cho cây cà phê.

Chính quyền địa phương chủ động xả nước từ các hồ chứa để việc tưới tiêu của người dân thuận lợi hơn

Chính quyền địa phương chủ động xả nước từ các hồ chứa để việc tưới tiêu của người dân thuận lợi hơn

Ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh cho biết, dự báo tình hình hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2024 - 2025 sẽ ít khắc nghiệt hơn so với năm trước. Tuy nhiên, nếu tình hình nắng hạn kéo dài và không có mưa, dự kiến trên địa bàn huyện sẽ xảy ra hạn hán, khoảng 2.500 ha cây trồng có thể thiếu nước tưới tập trung chủ yếu tại các xã: Gia Bắc, Sơn Điền, Tân Lâm, Tam Bố, Đinh Trang Hòa…

Do đó, từ cuối năm 2024, UBND huyện đã sớm xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán vụ đông xuân năm 2024 - 2025 và cả năm 2025, đảm bảo đủ nước cung cấp cho cây trồng, vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, góp phần ổn định sản xuất, đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong đó, một số giải pháp chống hạn chủ yếu gồm kiểm tra rà soát đánh giá lại toàn bộ hiện trạng hồ, đập (dung tích, cống xả đáy, thân đập)... Qua đó, có các giải pháp, đảm bảo dung tích nước dự trữ các hồ, đập chứa nước đạt công suất tối ưu. Thực hiện vận hành điều tiết nước một cách chủ động, khoa học, hợp lý, đảm bảo việc cân đối lưu lượng nước tại đầu nguồn và cuối nguồn hợp lý; xử lý kịp thời các điểm tắc nghẽn, đảm bảo dòng chảy liên tục thông suốt đến hạ lưu nguồn nước

Nông dân thôn 4, xã Tân Thượng tranh thủ đợt xả nước từ hồ để tưới cà phê

Nông dân thôn 4, xã Tân Thượng tranh thủ đợt xả nước từ hồ để tưới cà phê

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng ra thông báo cụ thể cho các đối tượng sử dụng nước về lịch trình tưới nước luân phiên giữa các khu vực, các đối tượng cây trồng, đối với từng công trình thủy lợi; thực hiện giám sát chặt chẽ việc sử dụng nước, điều tiết nước để tất cả các đối tượng sử dụng nước đều được cung cấp nước đầy đủ, hợp lý, và tiết kiệm nguồn nước.

Đối với công trình thủy lợi Ka La, Trạm Quản lý Khai thác Thủy lợi Di Linh xây dựng kế hoạch điều tiết, cung cấp nước khoa học, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra hệ thống kênh mương (kênh chính, kênh nội đồng), các điểm bị rò rỉ nước, tắc nghẽn, các trạm bơm, qua đó có phương án sửa chữa khắc phục. Ngoài ra, địa phương tiếp tục rà soát những khu vực, vị trí (sình trũng, khu vực tụ thủy...) để chủ động phát triển loại hình thủy lợi vừa và nhỏ (đào ao, hồ nhỏ) để dự trữ nước, rà soát nạo vét ao hồ, nhỏ; tăng cường các nguồn nước tưới từ giếng khoan, giếng đào...

Song song với đó, huyện Di Linh thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, phát triển hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm; chuyển đổi giống cây trồng sử dụng nhiều nước sang sử dụng ít nước, chuyển cơ cấu cây lúa sang mô hình lúa + ngô, lúa + rau màu, lúa + cây ngắn ngày khác... tăng hệ số sử dụng đất, giảm nguồn nước cung cấp tưới.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thời tiết, sự phát triển, sinh trưởng của cây cà phê trong từng giai đoạn để có phương án tưới nước cho cà phê một cách phù hợp và hiệu quả nhất; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân, hội viên của mình tích cực tham gia chống hạn cho cây trồng, có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong công tác chống hạn, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển hạn chế ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng vào niên vụ tới.

HỒNG THẮM - VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/di-linh-chu-dong-chong-han-cho-cay-ca-phe-ed50581/
Zalo