Đi du lịch biển, cần chú ý 6 loại hải sản dễ gây dị ứng nhất

Hải sản là một trong những nhóm thực phẩm phổ biến gây dị ứng. Nếu đi du lịch biển trong dịp nghỉ lễ, chúng ta nên lưu ý một số loại hải sản dễ gây dị ứng để chủ động phòng tránh và xử trí kịp thời.

Nội dung

1. Một số loại hải sản dễ gây dị ứng nhất

2. Nguyên nhân gây dị ứng hải sản

3. Cách xử trí khi có dấu hiệu dị ứng hải sản

1. Một số loại hải sản dễ gây dị ứng nhất

Nhìn chung, bất kỳ loại hải sản nào cũng có thể gây dị ứng nhưng có một số loại phổ biến hơn như các loài động vật có vỏ.

Động vật có vỏ bao gồm 2 loài động vật giáp xác (tôm, cua…) và động vật thân mềm (ngao, trai, sò, sò điệp, mực, bạch tuộc…).

Tôm: Đây là một trong những hải sản hàng đầu gây dị ứng hải sản.

Cua: Tương tự như tôm, cua chứa nhiều protein có khả năng gây phản ứng dị ứng.

Ghẹ: Cùng họ với cua, ghẹ cũng là một tác nhân dị ứng thường gặp.

Sò, ngao, ốc… (nhuyễn thể hai mảnh vỏ): Các loại động vật thân mềm này cũng có thể gây dị ứng.

Mực, bạch tuộc (động vật thân mềm chân đầu): Loại hải sản này cũng nằm trong nhóm có khả năng gây dị ứng.

Cá: Một số loại cá có vây, cá thu, cá ngừ, cá hồi cũng có thể gây dị ứng nhưng tỷ lệ thường thấp hơn so với động vật có vỏ.

Hải sản là một trong những nhóm thực phẩm phổ biến gây dị ứng.

Hải sản là một trong những nhóm thực phẩm phổ biến gây dị ứng.

2. Nguyên nhân gây dị ứng hải sản

Các chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Các protein này thường bền vững với nhiệt độ, mặc dù được nấu chín ở nhiệt độ cao nhưng chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người.

Dị ứng hải sản xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các protein có trong những động vật này.

Có một số người bị dị ứng với một loại động vật có vỏ nhưng một số người khác bị dị ứng với cả hai. Các triệu chứng của dị ứng động vật có vỏ thường xảy ra nhanh chóng.

Tuy nhiên, đôi khi có thể khó phân biệt với phản ứng bất lợi với chất gây ô nhiễm của hải sản, ví dụ như vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Điều này là do các triệu chứng có thể giống nhau vì cả hai đều có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như: nôn mửa, tiêu chảy và đau dạ dày.

Dị ứng động vật có vỏ không có xu hướng tự khỏi theo thời gian, vì vậy hầu hết những người có tiền sử dị ứng cần lưu ý loại bỏ các thực phẩm này trong chế độ ăn uống để phòng ngừa dị ứng.

3. Cách xử trí khi có dấu hiệu dị ứng hải sản

Các triệu chứng dị ứng hải sản có thể xuất hiện nhanh chóng, thường trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn phải hải sản gây dị ứng. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người, từ nhẹ đến nặng, nguy hiểm nhất là những trường hợp đã từng có dị ứng trước đó.

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất có thể xảy ra đột ngột và tiến triển rất nhanh. Các triệu chứng bao gồm khó thở dữ dội, sưng họng gây khó nuốt, tụt huyết áp nghiêm trọng, mất ý thức... Đây là tình huống cấp cứu cần được xử trí ngay lập tức vì nạn nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Dị ứng hải sản có thể xuất hiện nhanh chóng, từ nhẹ đến rất nặng.

Dị ứng hải sản có thể xuất hiện nhanh chóng, từ nhẹ đến rất nặng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, dị ứng hải sản có thể gây ra các các triệu chứng đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, mẩn đỏ ngứa toàn thân.

Người dị ứng ứng lần thứ 2 trở đi phản ứng quá mẫn trở nên rất nặng, có thể gây tình trạng sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt, ban đỏ tím, ngừng tuần hoàn. Người nhẹ có các triệu chứng đau bụng, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng, bụng trướng căng, mẩn đỏ trên da lâu mất hơn so với lần 1. Thường lần thứ 2 trở đi triệu chứng rất dồn dập, thậm chí phản ứng quá mẫn có thể ngoài ngừng tuần hoàn còn gây những cơn co thắt phế quản gây triệu chứng giống hen, khó thở nhiều gây tím tái. Khi xuất hiện các triệu chứng quá mẫn nặng như thế cần phải vào viện nhanh nhất có thể.

Tóm lại, dị ứng hải sản rất phổ biến và nghiêm trọng đối với người có tiền sử dị ứng, thậm chí xảy ra ngay khi chúng ta ăn thực phẩm với một lượng nhỏ. Vì vậy, việc chủ động thực hiện dự phòng khi ăn uống là rất quan trọng. Cách tốt nhất để phòng ngừa là tránh hoàn toàn việc tiêu thụ các loại hải sản đối với người từng bị dị ứng. Đối với người bình thường cũng nên thận trọng. Mọi người cần có kiến thức về các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, nhận biết các triệu chứng sớm của phản ứng dị ứng để có biện pháp xử trí kịp thời.

Đức Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/di-du-lich-bien-can-chu-y-6-loai-hai-san-de-gay-di-ung-nhat-169250429151614031.htm
Zalo