Đi cùng những người tái tạo chân dung ký ức

Tháng 8/2024, tôi có mặt ở Thái Nguyên để dự một buổi lễ Khánh thành Khu di tích trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Miền Bắc đang vào cao điểm nắng nóng của mùa hè, nhiệt độ ngoài trời trên dưới 40 độ.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ tranh “Bác Hồ đọc báo Nhân Dân" tặng phòng trưng bày khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ tranh “Bác Hồ đọc báo Nhân Dân" tặng phòng trưng bày khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Chuyến xe của Bảo tàng báo chí đưa đoàn khách lên Thái Nguyên dự lễ Khánh thành có tới bốn nhà báo đều là nguyên Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam. Đó là các nhà báo Hà Minh Huệ, Lê Quốc Trung, Phạm Quốc Toàn, Hồ Quang Lợi.

Cả bốn nhà báo đều cao tuổi, tóc đã bạc, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, song các anh đều tinh tường, cần mẫn cùng đoàn đi thăm các điểm di tích ở Hồ núi Cốc Thái Nguyên.

Sáng 9/8, buổi lễ Khánh thành di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng bắt đầu. Đây thật sự là một ngày hội của tỉnh Thái Nguyên, của các nhà báo, của những người quan tâm đến lịch sử báo chí nước nhà. Tôi tham dự với tư cách là một nhà báo, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Thái Nguyên.

Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Thái Nguyên.

Ngôi trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Bác Hồ sáng lập cách đây đã 75 năm. Địa điểm chính của trường nay nằm bên hồ núi Cốc, một công trình thủy lợi tuyệt đẹp và đắc dụng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Trường được phục dựng theo trí nhớ và lời kể của các giáo viên và học viên của trường.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hồi đó chỉ tổ chức được một khóa học duy nhất, với 30 cán bộ lãnh đạo nòng cốt và giữ nhiều trọng trách, cùng 42 học viên cũng là những cán bộ, chiến sĩ, có trình độ cao trong công tác lý luận, tuyên truyền, viết báo của cả nước.

Chỉ riêng việc tìm kiếm, trùng tu, phục dựng di tích này là cả một chuyện phi thường. Sau một thời gian dài im ắng, di tích đã được các cán bộ bảo tàng, các nhà báo, các nhà nghiên cứu, những người có tâm huyết với lịch sử báo chí Việt Nam thực hiện được công trình đầy ý nghĩa này.

Đi tìm kiếm xác định chính xác dấu vết địa điểm, tìm soạn danh sách người dạy và người học cũng như sưu tầm các hình ảnh hoạt động của Trường cũng rất tốn nhiều công sức, vì thời gian đã trôi qua quá lâu. Rồi lập dự án, làm các thủ tục hồ sơ, chuẩn bị địa điểm đặt di tích tái tạo phục dựng ở vị trí mới… tất cả đều là một công trình của nhiệt huyết và tình yêu thương, tôn kính đối với Bác Hồ, với các thế hệ nhà báo đi trước.

Những cán bộ bảo tàng Báo chí tham gia công trình này tuổi đời trung bình chỉ bằng nửa tuổi đời của trường. Họ đã làm việc say sưa, nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Nhiều người bám trụ ở công trình. Một số người bận công việc khác hoặc có việc gia đình thì phải đi đi về về giữa Hà Nội Thái Nguyên.

Giữa cái nắng nóng gay gắt của mùa hè 2024, họ đen sạm và gầy rộc đi trong những bộ quần áo dã chiến. Họ bám hiện trường với giọng nói khản đặc và những giọt mồ hôi lã chã dưới những tán cây rừng trung du. Nhưng đây đó vẫn vang lên tiếng cười giòn giã của các cô gái trẻ trung yêu đời, những câu chuyện tiếu lâm của mấy anh chàng nghịch ngợm, vẫn vang lên tiếng hát của cô cán bộ bảo tàng được coi là một ca sĩ của Hội Nhà báo.

Mấy chàng mấy nàng bên Cổng thông tin điện tử của Hội nhà báo Việt Nam khoác máy ảnh ôm máy tính đi theo công trình quên giờ giấc. Mấy anh lái xe của Hội nhà báo Việt Nam thuộc đường Đại Từ - Thái Nguyên như thuộc đường Lý Thái Tổ, Dương Đình Nghệ - Hà Nội…

Nhà báo nhà thơ Trần Kim Hoa phụ trách Bảo tàng báo chí, là đơn vị chủ đầu tư của công trình. Chỉ hai chức danh "Phụ trách Bảo tàng" và "Chủ đầu tư dự án" cũng cho thấy chị bận rộn thế nào trong những ngày này.

Thật khó lòng mà nhận ra nữ nhà thơ Trần Kim Hoa đang tay năm tay mười giữa hiện trường xây dựng. Lúc thì gào khản cổ với ai đó trong điện thoại. Lúc thì bươn bả theo chủ thầu kiểm tra các hạng mục xây dựng. Lúc thì cắm đầu rà soát lại kịch bản chương trình. Hôm sau khánh thành mà chiều tối còn lo túi bụi âm thanh ánh sáng, từng bài viết, từng hình ảnh cung cấp cho các cơ quan báo, đài…

Nhà báo Trần Kim Hoa và các cán bộ Bảo tàng Báo chí đều làm việc với tâm nguyện cháy bỏng: Không ai và không điều gì có thể bị lãng quên.

Có một nhà báo mà không ai có thể quên được khi nhắc đến di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên ủy viên thường vụ Hội nhà báo Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội nhà báo Thái Nguyên.

Anh chính là người có công lớn trong việc tìm kiếm địa chỉ đỏ này, rồi anh dành nhiều năm kiên trì tham gia sưu tầm, lập dự án, kêu gọi phục dựng di tích, đôn đốc thực hiện, chạy đôn đáo xin xét duyệt hồ sơ, rồi tham gia mọi việc của chương trình từ A đến Z. Để rồi hôm nay, khi "nhà có cỗ" anh lại thay mặt đơn vị chủ nhà mừng vui tiếp khách với cái lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Có thể nói anh là một trong những nhà báo tâm huyết với việc xây dựng di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhất.

Trong buổi sáng khánh thành, nhiều đoàn khách các cấp, các ngành, các hội nhà báo… từ khắp nơi đổ về Đại Từ Thái Nguyên. Có một lãnh đạo Thái Nguyên thốt lên: Có lẽ Thái Nguyên chưa bao giờ có đông nhà báo đến thăm như vậy. Vì bên cạnh câu chuyện của lịch sử báo chí, còn là tấm lòng tôn kính với vị Cha già mến yêu của dân tộc, là sự biết ơn sự quan tâm của Bác Hồ đối với sự nghiệp đào tạo báo chí nước nhà, là sự quyến rũ xinh đẹp của vùng đất trung du bên hồ núi Cốc huyền thoại…

Tôi đã đến nơi đây từ khi khu di tích trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng mới cắm bảng, cỏ cây um tùm không thấy lối đi. Hôm nay trở lại tôi thật sự bất ngờ và ngạc nhiên không nhận ra mảnh đất um tùm ngày trước nữa. Tất cả đều đã được khoác lên một dáng vẻ hiện đại bên nếp nhà xưa. Một mảng tư liệu truyền thống bên tầm vóc đổi mới. Một chân dung của ký ức sắp tạo thành một chân dung lớn lao của thời đại.

Thái Nguyên bây giờ đã có hai di tích lớn của Báo chí Việt Nam, đó là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và nơi đặt di tích trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng 75 năm trước.

Tôi đã được đến cả hai di tích này. Hôm nay tôi được dự lễ Khánh thành và không sao giấu được sự tự hào, yêu thương khi thấy hình ảnh các đoàn nhà báo cả nước tụ họp về bên cái nôi của báo chí cách mạng hôm nay.

Xin cảm ơn tỉnh Thái Nguyên, xin cảm ơn Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Cảm ơn nhà báo Phan Hữu Minh, Trần Kim Hoa, cùng nhiều nhà báo chủ lực khác đã gìn giữ và xây dựng di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cho các thế hệ làm báo mai sau.

Huỳnh Dũng Nhân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/di-cung-nhung-nguoi-tai-tao-chan-dung-ky-uc-179240811141754016.htm
Zalo