Đi coi nhà thờ Phát Diệm thay ngói
Mới đây tiếp được cái tin, Tòa Giám mục giáo phận Phát Diệm đang triển khai dự án thay thế toàn bộ phần mái ngói của nhà thờ chính tòa. Tôi mò về Phát Diệm.
Nhớ gần 10 năm trước, tôi cùng nhà báo Phạm Thanh (đã mất) được cụ thân sinh anh Phòng (Giám đốc Điện lực Ninh Bình) vốn là hàng xóm thân gần của nhà thờ Phát Diệm và mấy ông bạn ở Sở Văn hóa Ninh Bình dẫn đi quan chiêm nhà thờ chật cả một buổi.
Những tưởng đã quá quen về công trình kiến trúc Gỗ - Đá độc đáo kỳ vĩ. Nhưng được đi cùng các vị “chủ nhà” mới bừng thức cảm giác mới chỉ là biên biết mang máng trước nay của mình.

Công trường thay ngói ở Nhà thờ Phát Diệm.
May mắn được chiêm quan cùng nghe giới thiệu chi tiết về các quần thể kiến trúc được xây dựng liên tục trong hai thập niên cuối thế kỷ 19. Những nhà thờ Trái tim Đức Mẹ - tức Nhà thờ Đá (1883), Nhà thờ Lớn (1891), Nhà thờ Thánh Rôcô (1896), Nhà thờ Thánh Giuse (1896), Nhà thờ Thánh Phêrô (1896), Nhà thờ Trái tim Chúa (1889), hang đá Lộ Đức, cùng những công trình như vườn cây, hồ nước, các tượng Chúa, tượng Thánh, hệ thống nhà việc và nhà ở...
Cứ như những tấm tắc mãi không thôi của mấy nhà chức việc Sở Văn hóa thì nhà thờ Phát Diệm là một dạng như tráng ca giữa Gỗ và Đá! Một quy hoạch tổng thể nhất quán, hài hòa và chặt chẽ hợp lý đến từng xăng ti mét! Khối kiến trúc thể hiện tầm vóc táo bạo về tư tưởng nghệ thuật, về tài năng và trí tuệ của nhà thiết kế, về tài hoa của người thợ lành nghề, về trình độ quán xuyến bậc thầy, và đặc biệt về tâm hồn Việt Nam của người thủ lĩnh.
Tất nhiên cũng được tường thêm về vị thủ lĩnh, Tổng công trình sư, Đức Thầy Phêrô Trần Lục (còn được gọi là cha Sáu, cụ Sáu), sinh năm 1825 tại làng My Quan, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, được phong linh mục năm 1860, làm Chánh xứ Phát Diệm từ 1875 đến 1899. Cụ Sáu không được đào tạo chuyên ngành kiến trúc, nhưng hậu thế đều coi đó là một KTS lỗi lạc. Cụ chi dùng phần đời của mình xây nên quần thể Nhà thờ Phát Diệm trong suốt một phần tư thế kỷ, từ lúc nhậm chức Chánh xứ cho đến khi trút hơi thở cuối cùng tại đây, ngày 6/7/1899!

Tác giả và những viên ngói cũ - mới.
… Tôi đang nghe thêm một Phát Diệm chả phải là nơi “phi chiến địa”. Biến cố năm 1953, đại bác Pháp từng nã trúng gian cuối phía đông nhà thờ, song toàn bộ công trình chỉ bị hư hại nhẹ. Ngày 15/8/1972, máy bay B52 của Mỹ dội 8 quả bom sát khu vực đầu nhà thờ lớn ra tới cuối nhà thờ. Vậy mà mầu nhiệm thay, Nhà thờ Phát Diệm lại không bị gì mới lạ? Chưa hết, một đợt oanh tạc khác cũng B52. Trận bom khiến nhà thờ Phát Diệm nghiêng về phía tây bắc 15 - 20cm. Thêm một điều kỳ bí nữa, chả sửa sang kê kích gì mà 7 năm sau, ngôi Thánh đường này lại trở về trạng thái cân bằng như cũ!
Về phép mầu này, giới kiến trúc đã khổ công nghiên cứu giải mã nghe có vẻ chấp nhận được như này. Rằng khi xây móng nhà thờ Phát Diệm, để khắc phục gia cố nền đất bùn, Cha Sáu đã cho đóng hàng vạn gốc tre tươi cùng với hệ thống các lớp bè mảng tre, nứa. Lại gia cố thêm hệ thống đá tảng đá hộc xếp nghiêng 45 độ vào tâm. Vậy nên khi bị rung chuyển bởi thời gian và ngoại lực nào đó, thì cấu kiện nhà sẽ tự động trượt vào tâm, không thể sụp đổ.
Biên ra có vẻ dài dòng như trên cũng có cái ý khối cấu kiện khổng lồ cùng đường nét kiến trúc tinh khéo của Ngôi nhà thờ đá kỳ vĩ từng chĩnh chiện ngay ngắn 130 năm nay không hề hấn gì nữa là cái mái?
Nhưng mới đây tiếp được cái tin, Tòa Giám mục giáo phận Phát Diệm đang triển khai dự án thay thế toàn bộ phần mái ngói của nhà thờ chính tòa.
Tôi mò về Phát Diệm. May được gặp một chiên lành. Anh Đạo, người sống ngay gần Nhà thờ đưa đi coi việc thay ngói. Thú vị khi biết thêm, cụ ông thân sinh anh Đạo trước làm ở Điện lực Ninh Bình từ 1976 về hưu năm 2006.
Anh Đạo cho hay, thời gian hạ ngói từ ngày 20 tháng Giêng. Đường phía bên phải nhà thờ đang quây rào chắn chứng tỏ việc thi công đang tiến hành. Nhưng anh Đạo cho hay, trong thời gian sửa chữa, sinh hoạt tôn giáo và tham quan của du khách tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm vẫn diễn ra bình thường. Anh có hẹn thêm, nên đến tầm đầu giờ chiều. Lối 4 giờ, anh mắc một cái lễ. Tiếc là không được gặp và hầu chuyện đức cha coi sóc Nhà thờ Phát Diệm Phêro Kiều Công Tùng. Ngài đương mắc việc bận.
Tôi ngồi với tốp thợ đang thay ngói nhà thờ đá thờ Trái tim Đức mẹ vô nhiệm nguyên tội. Được biết việc chọn thợ làm cái việc thay ngói khá kỹ càng công phu. Kíp thợ được lựa chọn quê mãi ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, do Nguyễn Văn Thủy phụ trách.

Nhà thờ Phát Diệm trong quá trình thay ngói nhìn từ trên cao.
Chỉ tay lên vòi vọi mái nhà Chính tòa, anh Thủy cho hay, mái ngói khoảng 1.500 m2. Anh cho biết việc thay ngói bắt đầu từ phần mái bên cánh phải rồi lợp lại theo kiểu cuốn chiếu từ phía tháp chuông ngược lên gian Cung thánh.
Thú vị khi nghe anh dùng từ “mỏi” chỉ mái ngói dằng dặc những năm tháng phơi mưa nắng che chắn mang lại sự bình yên cho Tòa Phát Diệm cùng chiên lành. Lớp ngói đầu tiên từ thời cụ Sáu cho lợp dằng dặc hơn 130 năm đến nay đã mấy lần mỏi phải thay rồi? Lần thay ngói gần nhất là năm 2000.
Mỏi chứ! Tại sao không? Tôi nâng viên ngói cũ - ngói Hạ Long thay năm 2000 và viên ngói mới. Có cảm giác trọng lượng hai viên này khá chênh? Anh thợ cho hay, viên ngói Hạ Long này nặng trung bình 2,7 kg. Cứ thế mà nhân lên với số mét vuông thì phác ra con số tổng trọng lượng ngói lợp ở nhà thờ chính tòa Phát Diệm lên tới hàng trăm tấn. Với trọng lượng ấy về lâu về dài sẽ gây hiện tượng mỏi mái. Lực tải ấy trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu cho tuổi thọ hệ thống cột kèo, rui mè, tác động xấu đến kết cấu và an toàn của công trình.
Tôi cầm lên viên ngói cũ hiếm hoi nghe nói không biết có chính xác không là có từ thuở Cụ Sáu được thay từ một vị trí mái nhà thờ Phát Diệm cùng với loại ngói mới. Thứ ngói mộc hàng vạn viên cụ cho đốt bằng bổi… Có cảm giác như nằng nặng như nhẹ bỗng và chênh chao trọng lượng của viên ngói của tiền nhân mãi gần 130 năm trước?
Đợt thay mới là năm 2000. Như vậy là 25 năm phải thay ngói? Anh Thủy lại cười rằng không dám chắc. Nhưng ngói lợp năm 2000 ấy nhiều viên bị nứt gãy gây thấm dột.
Thêm nữa, nhiều viên được chế theo công nghệ tuynel nên bề mặt quá nhẵn. Sau từng ấy năm chang chang mưa nắng, chúng không ngả màu rêu phong mà vẫn hây hây đỏ không ăn với vẻ kiến trúc cổ của nhà thờ. Vậy nên phải thay!
Ngồi vân vi chuyện trò thì loáng thoáng biết thêm. Loại ngói mới thay thế cũng là ngói mũi nhưng nấu bằng lò thủ công truyền thống, hình như xuất xứ từ Vĩnh Phúc? Mỗi viên nặng trung bình 1,5 kg, ước tính nhà thờ chính tòa Phát Diệm cần 165.000 viên ngói loại mới.
Nhưng khối lượng đè lên mái cũng chả nhẹ nhõm gì. Mỗi viên ngói mũi như thế, phía dưới lại còn một viên ngói màn (thứ gạch lá nem đơn bằng đất nung, có chức năng chịu lực cho lớp ngói, đồng thời tạo độ phẳng cho mái và chống nóng)
Với ưu điểm nhẹ, bề mặt có độ ma sát lớn hơn vì được cắt bằng tay nên loại ngói mới sẽ nhanh chóng ngả màu rêu phong theo thời gian, phù hợp với kiến trúc cổ,
Tưởng việc hạ giải xôm tụ nhưng ngó quanh quất chỉ non chục người. Hóa ra trong số ấy chỉ có 2 thợ đảm trách phần quan trọng nhất là lợp. Số còn lại phụ cho việc lợp ngói. Đông thợ xúm vào sẽ không đều tay, mái dễ xô lệch. Vậy mà theo phương thức cuốn chiếu và phân công hợp lý mỗi ngày kíp thợ hoàn thiện trên 30 mét vuông ngói mái.
Ngoài thay ngói nhà thờ chính tòa, Tòa giám mục Phát Diệm còn sửa chữa một số hạng mục khác như lắp dựng hàng rào bằng đá lối vào cổng chính, chỉnh trang hang đá Đức Mẹ...
Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm từng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988. Ninh Bình và các cơ quan hữu trách đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới.
***
Lại nhớ, năm 2000 tôi may mắn được tham gia nhóm báo chí tháp tùng TBT Lê Khả Phiêu thăm Italia. Lại được can dự vào một cuộc thăm xã giao Tòa thánh Vaticăng của ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Cuộc thăm gần như chớp nhoáng ấy nhưng cũng đủ cho một ấn tượng lâu bền về cái Nhà Phát Diệm trong lòng Vaticăng!
Nhà Phát Diệm “Foyer Phat Diem” tọa lạc tại số 45 đường Pineta Sacchetti - Rome, đối diện với công viên Pineta Sacchetti, gần Đền thờ Thánh Phêrô, là địa điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách tại Thánh đô Rome. Nhà khách hình như 3 hay 4 tầng được xây dựng theo kiểu dáng hiện đại, hài hòa, ấm cúng, không gian yên tĩnh với khu vườn lớn, bãi đỗ xe rộng rãi.
Nhà Phát Diệm khai trương năm 1950 là "căn cứ" duy nhất của Giáo hội Việt Nam tại Rome, nên nhiều việc liên lạc của các giáo sĩ Việt Nam tại quốc nội cũng như hải ngoại với Rome thường sử dụng địa điểm này.
Nhà Phát Diệm ghi dấu ấn công sức của nhiều chức sắc công giáo… Nơi đây đã trở thành mảnh đất quê hương Việt Nam thu hẹp, nơi anh chị em Liên Tu Sĩ Rome và cộng đoàn giáo dân Việt Nam được sống thân tình, vui vẻ với nhau trong những dịp Tết, lễ mở tay linh mục, hay dịp khấn dòng. Gần thì có Đức cha Nguyễn Năng từng nhiều năm là chủ nhà Phát Diệm, hiện ngài đang đảm nhận vai trò Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Nhớ thêm cuốn Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene. Nhà văn viết thế này.
“… Tôi đã biết rõ về Phát Diệm cứ khoảng 100 thước lại có một kênh đào, một nhà thờ và một cây cầu. Ban đêm thị trấn chỉ được thắp sáng bằng nến hay những ngọn đèn dầu nhỏ... nó từng là thị trấn giàu sức sống…”