Đi bộ qua đường không có tín hiệu tay coi chừng bị phạt tiền

Nghị định 168 quy định mức phạt đến 250.000 đồng nếu người đi bộ sang đường không có tín hiệu giơ tay xin đường. Tuy nhiên, quy định này cần phải được hiểu một cách chính xác.

 Ảnh: Linh Thùy.

Ảnh: Linh Thùy.

Không chỉ tăng nặng mức phạt đối với hành vi điều khiển ôtô, môtô vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 168 có hiệu lực từ 1/1 cũng quy định rõ mức phạt đối với người đi bộ khi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Người đi bộ vi phạm cũng bị phạt tiền

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 168 cho biết người đi bộ sẽ bị phạt 150.000-250.000 đồng nếu không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách hoặc đi qua đường không đúng nơi quy định. Nội dung tại khoản này cũng nêu rõ người đi bộ sẽ bị phạt khi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định.

Mức phạt nói trên cũng áp dụng trong trường hợp người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.

 Người đi bộ không chấp hành đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường cũng sẽ bị phạt. Ảnh minh họa: Nhật Sinh.

Người đi bộ không chấp hành đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường cũng sẽ bị phạt. Ảnh minh họa: Nhật Sinh.

Với hành vi mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông hay đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy, người đi bộ sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi đi bộ vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Cứ qua đường không có tín hiệu tay sẽ bị xử phạt?

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn trước quy định tại Nghị định 168, cho rằng mức phạt tối đa 250.000 đồng với người đi bộ cho hành vi đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định là khá nặng.

"Giả sử tôi đang mang vác nhiều đồ bằng cả 2 tay khi đi bộ, buộc phải băng qua đường để rồi bị xử phạt khi không có tín hiệu tay thì có phần nặng quá", tài khoản Hung Bui chia sẻ.

Tuy nhiên, việc người đi bộ "qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định" sẽ bị xử phạt như nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 168 nói trên cần phải được hiểu chính xác hơn.

 Không phải cứ qua đường không giơ tay xin đường là sẽ bị xử phạt. Ảnh minh họa: Anh Tú.

Không phải cứ qua đường không giơ tay xin đường là sẽ bị xử phạt. Ảnh minh họa: Anh Tú.

Tại Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ đầu năm nay, khoản 1 Điều 30 có nêu rõ những quy định mà người đi bộ cần phải tuân theo.

Trong đó, nội dung điểm b của khoản 1 Điều 30 ghi rõ người đi bộ "Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ".

Cũng tại điểm này, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có ghi "Trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay".

 Đi bộ sang đường ở nơi có vạch kẻ đường sẽ không yêu cầu phải có tín hiệu tay. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đi bộ sang đường ở nơi có vạch kẻ đường sẽ không yêu cầu phải có tín hiệu tay. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Như vậy theo nội dung Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người đi bộ chỉ bắt buộc có tín hiệu bằng tay nếu phải sang đường ở nơi không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ.

Điều này đồng nghĩa nếu người đi bộ sang đường tại nơi có bố trí đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành riêng cho người đi bộ sẽ không cần có tín hiệu tay.

Cảnh sát giao thông cũng sẽ không xử phạt người đi bộ trong trường hợp qua đường tại các vị trí này mà không giơ tay xin đường.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/di-bo-qua-duong-khong-co-tin-hieu-tay-coi-chung-bi-phat-tien-post1522521.html
Zalo