Đi ăn được giữ xe miễn phí, mất trộm xe ai đền?

Khi có việc mất trộm xảy ra tại cửa hàng thì cần xem xét mối quan hệ gửi giữ giữa khách hàng và cửa hàng để xác định trách nhiệm bồi thường.

Gửi tới chuyên mục "Chat với chuyên gia" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, một bạn đọc đặt câu hỏi:

Tôi đi ăn ở một quán ăn tại TP.HCM. Trước khi vào thì bảo vệ nói cứ để đó. Mọi lần đều như vậy và khi về tôi không cần trả tiền gửi xe. Nhưng hôm trước khi ra thì tôi bị mất trộm xe. Hiện tôi đã trình báo nhưng vẫn chưa tìm được xe. Vậy thì ai có trách nhiệm phải đền xe cho tôi?

 Ảnh minh họa. Ảnh: NGỌC LÀI

Ảnh minh họa. Ảnh: NGỌC LÀI

Giải đáp vấn đề này, ThS Nguyễn Tấn Hoàng Hải - Giảng viên Khoa Luật Dân sự - Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết:

Hiện nay, các quán ăn, nhà hàng, quán cafe (gọi tắt là cửa hàng) thông thường đều có nhân viên trông, giữ xe cho khách hàng. Đây có thể chính là nhân viên của cửa hàng đó hoặc có thể được thuê từ một công ty dịch vụ bảo vệ để trông, giữ xe cho khách hàng.

Trong trường hợp cửa hàng có bố trí nhân viên giữ xe (dù là nhân viên của quán hay nhân viên của công ty dịch vụ, công ty bảo vệ) thì về mặt pháp luật, giữa cửa hàng và khách hàng cũng đang tồn tại một hợp đồng gửi giữ tài sản.

Theo đó, căn cứ Điều 554 BLDS năm 2015 quy định: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”.

Với quy định này, trên cơ sở hợp đồng gửi giữ tài sản, bên gửi chuyển giao tài sản, đồng thời chuyển quyền chiếm hữu, quản lý tài sản cho bên nhận gửi giữ tài sản. Bên nhận gửi giữ tiếp nhận tài sản và có nghĩa vụ bảo quản, trông giữ trong thời hạn do các bên thỏa thuận.

Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể đối với hình thức của hợp đồng gửi giữ tài sản, nên hình thức của hợp đồng gửi giữ cũng rất đa dạng. Theo khoản 1 Điều 119 BLDS năm 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, hành vi hoặc bằng văn bản.

Như vậy, trong trường hợp khách hàng đến các cửa hàng mà có vé gửi xe hoặc có nhân viên, chủ cửa hàng, nhân viên bảo vệ trông giữ xe cho khách thì đều có thể xem là giao kết hợp đồng gửi giữ dưới hình thức là giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể.

Khi cửa hàng có người trông giữ xe cho khách hàng, khách hàng được cung cấp vé gửi xe (hoặc các căn cứ khác chứng minh tồn tại quan hệ gửi giữ) thì hợp đồng gửi giữ tài sản đã được xác lập. Hoặc mở rộng hơn, trường hợp cửa hàng có nhân viên giữ xe nhưng không có vé giữ xe, trường hợp này vẫn có tồn tại quan hệ pháp luật dân sự giữa các bên, thể hiện thông qua những hành vi cụ thể của người trông xe như hướng dẫn khách hàng nơi đậu xe, hoặc dắt xe, xếp xe dùm khách hàng. Chính vì thế mà việc quản lý tài sản gửi giữ phải được đảm bảo an toàn đối với tài sản gửi giữ.

Khi đó, căn cứ khoản 2 Điều 556 BLDS năm 2015, khi bên gửi xe - khách hàng bị mất xe có quyền: Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Đồng thời, bên phía cửa hàng - người giữ xe của khách hàng cũng phải có nghĩa vụ nêu tại khoản 4 Điều 557 BLDS năm 2015 quy định: “Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.

Như vậy, việc gửi xe của khách hàng và chủ nhà hàng, quán cà phê về bản chất được xem là một giao dịch dân sự, cụ thể là “Hợp đồng gửi giữ tài sản” giữa cửa hàng và khách hàng.

Việc xác lập giao dịch gửi xe có thể được thực hiện thông qua hành động hoặc lời nói cụ thể. Khi nhân viên hướng dẫn đậu đỗ xe, ghi vé xe đưa cho khách hàng được xem là hành vi giao kết hợp đồng gửi giữ xe giữa khách hàng và cửa hàng và cũng lưu ý vé xe được dùng để chứng minh tồn tại quan hệ gửi giữ giữa các bên mà không phải là hợp đồng gửi giữ tài sản.

Do đó, khi có việc mất trộm xảy ra thì phía cửa hàng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải mọi cửa hàng đều có người trông giữ xe. Đồng thời, cũng không có quy định nào bắt buộc cửa hàng phải trông giữ xe cho khách hàng. Do đó, trông giữ xe không phải nghĩa vụ bắt buộc mà mỗi cửa hàng phải thực hiện. Chính vì vậy, khi để xe tại những cửa hàng chúng ta cần chú ý cẩn thận để đảm bảo tài sản của mình được an toàn.

QUỲNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/di-an-duoc-giu-xe-mien-phi-mat-trom-xe-ai-den-post811865.html
Zalo