ĐHQG TPHCM sẽ bổ nhiệm GS thỉnh giảng, nhận hồ sơ ứng tuyển từ tháng 3/2025

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự thảo chương trình giáo sư thỉnh giảng.

Sáng ngày 7/2, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự thảo chương trình giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ trì buổi tọa đàm có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, buổi tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo các Sở, ban ngành của thành phố, lãnh đạo các trường đại học, đơn vị thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Bổ nhiệm trong thời hạn tối đa 5 năm hoặc tối thiểu 1 năm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các giáo sư thỉnh giảng sẽ được Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm trong thời hạn tối đa 5 năm, hoặc là tối thiểu 1 năm và có thể gia hạn.

“Chúng tôi “mời” chứ không phải tuyển dụng. Khi chúng tôi “mời” thì điều kiện, tiêu chuẩn và chế độ sẽ khác so với tuyển dụng” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân nhấn mạnh.

Giáo sư thỉnh giảng sẽ được hưởng mức thù lao cạnh tranh, hỗ trợ đi lại, lưu trú. Ngoài ra, họ còn được tiếp cận hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phòng thí nghiệm và nguồn tài nguyên nghiên cứu tại các trường thành viên trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm (ảnh: V.D)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm (ảnh: V.D)

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quy định, mỗi giáo sư thỉnh giảng phải dành tối thiểu 10 ngày làm việc trực tiếp trong một năm. Họ phải chủ động lên kế hoạch, tham gia giảng dạy trực tiếp hay trực tuyến, sẵn sàng tổ chức hội thảo khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh và hỗ trợ xây dựng các đề xuất hợp tác quốc tế cũng như hỗ trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, việc bổ nhiệm giáo sư thỉnh giảng không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Các giáo sư thỉnh giảng được kỳ vọng sẽ đóng góp, xây dựng cải tiến chương trình đào tạo tài năng, truyền đạt kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, và các xu hướng công nghệ mới nhất cho sinh viên. Họ cũng sẽ tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ sinh viên và giảng viên phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp mang tính thực tiễn cao.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhận hồ sơ ứng tuyển từ tháng 3/2025, và tổ chức hội đồng xét duyệt dựa trên tiêu chí năng lực, thành tích khoa học. Những ứng viên đạt yêu cầu trải qua vòng phỏng vấn trực tiếp hoặc trực tuyến trước khi được bổ nhiệm.

 Toàn cảnh buổi tọa đàm được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Toàn cảnh buổi tọa đàm được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Với các giáo sư có thành tích đặc biệt, được một nhà khoa học uy tín trong và ngoài Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu, hội đồng xét duyệt sẽ đề xuất giám đốc đại học này xét, quyết định mời và bổ nhiệm mà không cần thực hiện quy trình bổ nhiệm.

Trong 2 năm 2025 và 2026 sẽ mời, bổ nhiệm 50 giáo sư thỉnh giảng

Tiến sĩ Lê Thị Anh Trâm – Trưởng ban tổ chức cán bộ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại buổi tọa đàm cho hay, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư thỉnh giảng.

Họ sẽ làm việc theo cơ chế bán thời gian, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp hay trực tuyến.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ bổ nhiệm được 100 giáo sư thỉnh giảng, trong đó chỉ tính riêng trong 2 năm 2025 và 2026 sẽ mời được 50 giáo sư thỉnh giảng.

Những cá nhân được mời tham gia chương trình sẽ là các giáo sư, phó giáo sư, các chuyên gia, nhà khoa học có thành tích nổi bật đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, hoặc là nghiên cứu nếu chỉ có bằng tiến sĩ.

Các ứng viên được bổ nhiệm phải có thành tích nổi trội trong giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thể hiện qua các công bố quốc tế, bằng sáng chế và các sản phẩm công nghệ.

Chương trình này sẽ ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, y sinh học, chíp-bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu, năng lượng mới, logistics mới, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dhqg-tphcm-se-bo-nhiem-gs-thinh-giang-nhan-ho-so-ung-tuyen-tu-thang-32025-post249013.gd
Zalo