ĐHĐCĐ NCB: Tăng vốn vượt ngưỡng 19.000 tỷ đồng

Tâm điểm tại đại hội thường niên của Ngân hàng NCB là tờ trình chào bán 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ, dự kiến nâng vốn điều lệ của ngân hàng từ 11.780 tỷ đồng lên vượt 19.000 tỷ đồng.

Ngân hàng NCB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

Ngân hàng NCB tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – HNX: NVB) được tổ chức ngày 29/3 tại Hội trường Hồ Tây Grand Hall, 58 đường Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Đại hội có sự tham dự của 46 cổ đông tham dự trực tiếp và ủy quyền, đại diện cho 1,128 tỷ cổ phiếu, tương đương 96,0799% vốn điều lệ ngân hàng.

Tâm điểm tại đại hội lần này của Ngân hàng NCB là tờ trình thông qua phương án phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ.

Theo phương án trình đại hội, ban lãnh đạo NCB đề xuất phương án chào bán 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 59,42% vốn điều lệ NCB tại thời điểm chào bán. Sau khi hoàn tất đợt tăng vốn, NCB sẽ nâng vốn điều lệ từ 11.780 tỷ đồng như hiện tại lên 19.280 tỷ đồng.

Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ vượt qua nhiều ngân hàng tầm trung trên thị trường ở thời điểm hiện tại là Eximbank (18.688 tỷ đồng), NamABank (13.726 tỷ đồng).

NCB lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong bối cảnh ngân hàng này vừa hoàn tất phát hành 617,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ vào tháng 11/2024, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên 11.780 tỷ đồng như hiện tại. Với giá chào bán là 10.000 đồng/CP, ngân hàng thu về 6.178 tỷ đồng từ đợt phát hành này.

Thời gian dự kiến phát hành là từ quý 2 – quý 4/2025, sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chấp thuận tăng vốn, và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được hộ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/CP, NCB dự kiến thu về 7.500 tỷ đồng từ đợt chào bán nói trên. Toàn bộ số tiền này sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Theo ban lãnh đạo NCB, vốn điều lệ là một trong những tiêu chí quan trọng quyết định mức độ an toàn trong hoạt động của ngân hàng cũng như khả năng phát triển bền vững của ngân hàng trong tương lai.

Việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống chịu trước rủi ro thị trường, mà còn đóng vai trò then chốt để triển khai thành công và đẩy nhanh tiến trình thực hiện Phương án cơ cấu lại (PACCL) giai đoạn 2023 – 2025, và định hướng đến năm 2030 của NCB.

Tờ trình ĐHĐCĐ của NCB cho biết, ngân hàng đã triển khai việc kiểm tra mức chịu đựng của vốn dựa trên kịch bản căng thẳng trong quá trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP), theo yêu cầu của Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Kết quả đánh giá này nhằm xác định mức Vốn mục tiêu cần duy trì và là cơ sở để lập kế hoạch vốn cho NCB trong giai đoạn trung hạn.

“Theo đó, để đảm bảo an toàn vốn đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, cũng như đáp ứng kế hoạch kinh doanh, duy trì mục tiêu phát triển bền vững của ngân hàng, NCB cần bổ sung vốn điều lệ, gia tăng vốn tự có,” tờ trình của NCB nêu rõ.

Về kế hoạch kinh doanh, NCB lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng tài sản đạt 135.500 tỷ đồng, huy động khách hàng đạt 118.500 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 14,6% và 23,2%; cho vay khách hàng tăng trưởng 30% lên 92.528 tỷ đồng. NCB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước phương án tái cơ cấu đạt 59 tỷ đồng.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dhdcd-ncb-tang-von-vuot-nguong-19000-ty-do-ng-39799.html
Zalo