ĐHĐCĐ Gemadept (GMD): Tiếp tục mở rộng cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 và cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2A
CTCP Gemadept (mã GMD - sàn HOSE) đã thông qua kế hoạch kinh doanh, huy động vốn, đầu tư trong năm 2024 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra sáng ngày 25/6.
Năm 2024, Gemadept lên kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, bằng 102% so với kế hoạch năm 2023 là 3.920 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.686 tỷ đồng, bằng 148% so với kế hoạch năm 2023 là 1.136 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2024, Gemadept cho biết sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tầm nhìn 2030.
Đầu tiên, dự án cảng Nam Đình Vũ - giai đoạn 3 có diện tích 23 ha, tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng, công suất 650.000 TEU/năm, khởi công tháng 07/2024 và dự kiến khai thác quý IV/2025, nâng tổng diện tích dự án Cảng Nam Đình Vũ (giai đoạn 1, 2 và 3) là 65 ha, tổng vốn đầu tư 6.700 tỷ đồng và công suất 2 triệu TEU và 3 triệu tấn hàng rời mỗi năm.
“Khi hoàn thiện cả 3 giai đoạn tại cảng Nam Đình Vũ, đặc biệt với những lợi thế cạnh tranh vượt trội, cụm cảng Nam Đình Vũ phát huy lợi thế cảng sông lớn nhất miền Bắc, đem đến những giá trị vượt trội đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông Đỗ Công Khanh, Phó tổng giám đốc nhấn mạnh.
Thứ hai, dự án cảng nước sâu Gemalink - giai đoạn 2A với diện tích 11 ha, tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, công suất 600.000 TEU/năm, triển khai từ quý IV/2024 đến quý IV/2025, nâng tổng diện tích dự án lên 44 ha, tổng vốn đầu tư gần 450 triệu USD, công suất 2,1 triệu TEU/năm.
“Cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2A sẽ sớm được khởi công, góp phần phát triển hạ tầng cảng biển và kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường khi Gemalink giai đoạn 1 dự kiến đạt trên 90% công suất trong năm nay”, ông Đỗ Công Khanh chia sẻ thêm với Đại hội.
Thứ ba, dự án nâng cấp độ sâu luồng kênh Hà Nam. Trong đó, độ sâu luồng hiện tại là kênh là -7mCD, độ sâu luồng sau khi triển khai dự án là -8,5mCD. Dự án này sẽ hoàn thành trong tuần cuối tháng 6/2024, giúp đón được các con tàu với trọng tải lên tới 48.000 DWT đầy tải.
Ngoài ba dự án trên, trong năm 2024, Gemadept sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án mới, đẩy mạnh hoạt động hợp tác, M&A để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi, không ngừng gia tăng giá trị và làm giàu hệ sinh thái chuỗi Cảng-Logistics đa dạng và rộng khắp cả nước.
Thêm nữa, để tập trung hoạt động kinh doanh cốt lõi, Gemadept cũng tiếp tục lên kế hoạch thoái vốn dự án trồng rừng tại Campuchia với diện tích gần 30.000 ha.
Về cổ tức, Gemadept đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 22%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 2.200 đồng.
Đồng thời, Gemadept thông qua kế hoạch chào bán gần 103,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 33,33%, giá bán dự kiến 29.000 đồng/CP, tương ứng huy động 3.001,4 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2024 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Số tiền huy động, Gemadept sẽ dùng 2.213 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định, giải ngân từ quý IV/2024 đến quý I/2025; 230,6 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng, giải ngân từ quý IV/2024 đến quý I/2025; và còn lại 557,7 tỷ đồng để tăng vốn góp vào Công ty cổ phần Cảng Nam Đình Vũ (Gemadept sở hữu 60%) để triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ vay ngân hàng, giải ngân từ quý IV/2024 đến quý I/2025.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ 3.104,9 tỷ đồng, lên 4.139,8 tỷ đồng.
Phần thảo luận:
Chiến lược phát triển tuyến thủy nội địa?
Ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc: Sau khi có chỉ đạo của Bộ Giao Thông Vận Tải, Gemadept đã triển khai ngay công tác nghiên cứu khả thi tuyến mẫu kết nối Đồng bằng Sông Cửu Long với khu vực cảng Cái Mép khi đi vòng qua biển.
Khi Tuyến vận tải mẫu Cái Mép - Đồng bằng Sông Cửu Long đi vào khai thác, thời gian vận chuyển sẽ giảm từ 36 tiếng xuống còn 14 tiếng, tăng tải trọng thêm 30%, giảm chi phí logistics khoảng 35%.
Ngoài ra, khi Tuyến vận tải mẫu Cái Mép - Đồng bằng Sông Cửu Long đưa vào sử dụng, sản lượng có thể tăng 20% đến 30% cho lượng hàng hóa qua cảng Gemalink của Công ty.
Trong đó, để chuẩn bị khai thác, Gemadept đang kết hợp với đối tác để triển khai nhiều giải pháp để có thể khai thác hiệu quả Tuyến vận tải mẫu Cái Mép - Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian tới.
Được biết, Gemadept đã được Bộ Giao Thông Vận tải giao việc nghiên cứu và cho phép triển khai thí điểm Tuyến vận tải mẫu Cái Mép - Đồng bằng Sông Cửu Long.
Lợi ích việc nạo vét kênh đào Hà Nam khi đưa vào sử dụng?
Ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc Gemadept: Đây là dự án rất đặc biệt và đầu tiên của cả nước khi Bộ Giao thông Vận tải giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Việt Nam có lợi thế cảng biển nhưng do ở khu vực Hải Phòng độ sâu -7mCD - Không đồng bộ với độ sâu tuyến luồng các cụm cảng khác trong khu vực, đồng thời, với xu hướng hãng tàu ngày một lớn hơn, điều này đòi hỏi để thu hút được các tàu có trọng tải đến 48.000 DWT đầy tải, kênh Hà Nam phải có độ sâu hơn để giúp các tàu feeder và nội Á có thể ra vào cảng, tăng lợi thế cạnh tranh cho cụm cảng và hoạt động của tuyến vận tải biển nội địa Bắc - Nam.
Khi đưa vào khai thác kênh đào Hà Nam sau nạo vét, độ sâu luồng sẽ tăng từ -7mCD lên -8,5mCD, điều này giúp khu vực cảng Hải Phòng tăng trọng tải thêm 15 - 20% (khu vực cảng Hải Phòng chiếm 35% tổng lượng hàng cả nước). Trong đó, riêng đối với Công ty, lượng hàng hóa có thể tăng thêm 300.000 TEU. Sau khi hoàn thành nạo vét, theo quy định, Gemadept sẽ bàn giao lại tuyến luồng này ở độ sâu mới -8,5m cho cơ quan Nhà nước để tiếp tục thực hiện quản lý duy tu, bảo trì hàng năm.
Chiến lược phát triển và lộ trình chuyển đổi số?
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc: Thị trường càng ngày càng biến động, tiêu chí Công ty bền bỉ, linh hoạt và sáng tạo, tập trung quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro. Ngoài ra, Công ty cũng tập trung chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực và phát triển liên doanh, liên kết.
Trong đó, chuyển đổi số là quá trình lớn, hiện tại Công ty tự đánh giá vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số. Công ty đang làm bước đầu thay đổi tư duy (mindset), đang ở giữa giai đoạn số hóa và ứng dụng số. Trong thời gian tới, Gemadept xác định chuyển đổi số sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh của Công ty.
Xuất phát của Gemadept là một Công ty cổ phần, không có quá nhiều ưu đãi, định hướng phát triển sâu rộng hệ sinh thái, vì vậy Công ty xác định phải tự phát triển năng lực cạnh tranh, vì vậy chuyển đổi số sẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh của Công ty.
Phát triển liên doanh, liên kết?
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc: Công ty phải tìm đối tác đúng, lĩnh vực tốt để liên doanh, liên kết. Trong thời gian tới, Công ty sẽ phát triển liên doanh, liên kết với hệ sinh thái đối tác, để làm giàu, làm mạnh hệ sinh thái. Trong đó, tinh thần là phát triển dài hạn, cùng thắng và cộng hưởng cùng nâng cao năng lực cạnh tranh của hai bên, đồng thời lựa chọn đối tượng và đa dạng sản phẩm, dịch vụ.
Công ty có kế hoạch tiếp cận dòng vốn xanh không?
Bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính: Chiến lược ESG là chiến lược quan trọng, trọng tâm, Công ty đã và đang phát triển xanh bền vững để đóng góp ngày càng tốt hơn cho sự phát triển của xã hội, cộng đồng, và Công ty cũng xác định đây là một lợi thế cạnh tranh trong quá trình hợp tác, thu hút các hãng tàu, đối tác tới hệ thống cảng - logistics của Công ty.
Ngày 28/5 vừa qua, Gemadept và Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng liên kết bền vững, đây là khoản tín dụng liên kết bền vững đầu tiên mà HSBC thu xếp thành công cho một doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực khai thác Cảng và Logistics.
Trong thời gian tới, Gemadept sẽ tiếp tục kế hoạch tiếp cận thêm nguồn vốn tín dụng xanh.
Tiến độ thoái vốn dự án trồng rừng?
Ông Phạm Quốc Long, Phó tổng giám đốc: Công ty đã và đang làm việc với một số đối tác, có kế hoạch thoái vốn trong năm nay, Công ty dần hoàn thiện hồ sơ pháp lý để sẵn sàng cho việc thoái vốn. Trong đó, lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào thị trường, Công ty đã và đang thương lượng để tiếp tục thực hiện.
Ngoài ra, ông Đỗ Công Khanh, Phó tổng giám đốc chia sẻ thêm: Dự án bất động sản tại Lào và dự án trồng rừng tại Campuchia, Công ty đang làm việc với đối tác, hiện tại chưa chia sẻ được thông tin chi tiết về thương vụ thoái vốn theo các cam kết bảo mật thông tin giữa Công ty và đối tác.
Ước tính kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024?
Sơ bộ 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 53% kế hoạch lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận này chưa bao gồm lãi thoái vốn.
Kết thúc Đại hội, toàn bộ tờ trình được thông qua.