ĐH Xây dựng Hà Nội: Đề án nhầm lẫn cột chức danh và trình độ của GV thỉnh giảng

Tại Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chưa kê khai cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng như yêu cầu của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) - tiền thân là Khoa Xây dựng của Đại học Bách khoa Hà Nội (1956-1966). Trải qua hơn 65 năm đào tạo, 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trở thành một trường đại học đa ngành, một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo các ngành, các bậc học từ đại học đến tiến sĩ trong lĩnh vực xây dựng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tùng. Chủ tịch Hội đồng trường là Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi.

 Khuôn viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh website nhà trường

Khuôn viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh website nhà trường

Căn cứ Điều 11, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2022), Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cơ sở đào tạo xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 đã được Trường Đại học Xây dựng Hà Nội công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường (kèm theo Quyết định số 614/QĐ-ĐHXDHN ngày 19/4/2024 về việc phê duyệt Đề án tuyển sinh đại học năm 2024).

Đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08, nhìn chung Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 được Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện khá đầy đủ và chi tiết, các thông tin công khai rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, Đề án vẫn còn một số nội dung thực hiện chưa đúng so với yêu cầu kê khai tại Thông tư 08.

Cụ thể, về thông tin giảng viên thỉnh giảng, Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội không có thông tin về cơ quan công tác của giảng viên (Đề án tuyển sinh năm 2023 của nhà trường cũng không có thông tin này). Bên cạnh đó, bản kê khai tại Đề án tuyển sinh năm 2024 đang có sự nhầm lẫn giữa thông tin về “trình độ chuyên môn” và “chức danh khoa học”.

 Mẫu kê khai thông tin về giảng viên thỉnh giảng được quy định tại Thông tư 08. Ảnh chụp màn hình

Mẫu kê khai thông tin về giảng viên thỉnh giảng được quy định tại Thông tư 08. Ảnh chụp màn hình

 Danh sách giảng viên thỉnh giảng được Trường Đại học Xây dựng Hà Nội kê khai tại Đề án tuyển sinh năm 2024 còn thiếu thông tin về cơ quan công tác, và có sự nhầm lẫn giữa cột kê "chức danh khoa học" và "trình độ đào tạo". Ảnh chụp màn hình

Danh sách giảng viên thỉnh giảng được Trường Đại học Xây dựng Hà Nội kê khai tại Đề án tuyển sinh năm 2024 còn thiếu thông tin về cơ quan công tác, và có sự nhầm lẫn giữa cột kê "chức danh khoa học" và "trình độ đào tạo". Ảnh chụp màn hình

Tương tự, phần phụ lục kê khai về điều kiện đảm bảo chất lượng cũng đang có sự nhầm lẫn về thời gian. Theo đó, bảng phụ lục kê khai các điều kiện đảm bảo chất lượng được ký ngày 19/4/2024, nhưng thông tin thống kê về quy mô đào tạo hình thức chính quy trong bảng phụ lục này lại được tính đến ngày 31/12/2024. Theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì số liệu ở mục này được thống kê tính đến cuối năm trước liền kề với năm tuyển sinh (tức 31/12/2023-PV).

 Thông tin về quy mô đào tạo được thống kê đến ngày 31/12/2024, trong khi thời gian lập Đề án là 19/4/2024. Ảnh chụp màn hình

Thông tin về quy mô đào tạo được thống kê đến ngày 31/12/2024, trong khi thời gian lập Đề án là 19/4/2024. Ảnh chụp màn hình

Theo Đề án, hiện nay, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có 635 giảng viên toàn thời gian và 95 giảng viên thỉnh giảng. So với năm 2023, số lượng giảng viên có sự giảm nhẹ (năm 2023, toàn trường có 640 giảng viên toàn thời gian và 111 giảng viên thỉnh giảng - số liệu dựa theo Đề án tuyển sinh năm 2023).

Năm 2024, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến tuyển sinh 4200 sinh viên, 37 ngành, chương trình đào tạo (hệ đại học chính quy). Trong đó, có 2 ngành mới do trường tự chủ mở ngành (năm 2024) là Mỹ thuật đô thị (mã ngành 7210110) và Quản lý dự án (mã ngành 7340409).

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tuyển sinh với 5 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển học bạ chiếm 30% chỉ tiêu. Còn lại, nhà trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, xét tuyển kết hợp và tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển.

Ngày 19/6 vừa qua, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã có thông báo về kết quả xét tuyển sớm vào đại học hệ chính quy năm 2024 theo phương thức xét tuyển học bạ. Theo đó, điểm chuẩn dao động từ 22,5 - 27,5 điểm.

Đáng chú ý, theo dõi điểm chuẩn các ngành đào tạo của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội những năm gần đây cho thấy, nhóm các ngành “hot” như Công nghệ thông tin, Công nghệ đa phương tiện, Khoa học máy tính, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng,... luôn thuộc top các ngành học có điểm chuẩn cao nhất tại trường.

Cũng theo Đề án, tổng nguồn thu hợp pháp năm 2023 của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là 433,25 tỷ đồng, trong đó khoảng 74% nguồn thu đến từ học phí. Nhà trường thông báo học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy nhập học năm 2024 là 16,4 triệu đồng/năm học/sinh viên.

Minh Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-xay-dung-ha-noi-de-an-nham-lan-cot-chuc-danh-va-trinh-do-cua-gv-thinh-giang-post243746.gd
Zalo