ĐH Phương Đông: Từng bị Thanh tra Bộ phạt, sau đó vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Năm 2021 nhà trường bị Thanh tra Bộ GD&ĐT ra quyết định xử phạt 100 triệu đồng vì vi phạm tuyển sinh nhưng các năm sau đó tình trạng này vẫn tái diễn.

Trường Đại học dân lập Phương Đông (gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông) được thành lập theo Quyết định số 350/TTg ngày 8/7/1994 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động theo quyết định số 2282/GD-ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/8/1994.

Hiệu trưởng nhà trường đương nhiệm là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thiện Dụ.

Hiện trường có cơ sở chính tại phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận cầu Giấy và cơ sở 2 tại phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong đề án tuyển sinh các năm gần đây của Trường Đại học Phương Đông có thể thấy, một số lĩnh vực đào tạo có tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu đến hơn 300% nhưng cũng có lĩnh vực, ngành đào tạo tuyển sinh khá "èo uột".

Lĩnh vực Nhân văn nhiều năm liên tục tuyển vượt chỉ tiêu

Cụ thể, tại Đề án tuyển sinh năm 2024 phóng viên cũng ghi nhận một số lĩnh vực đào tạo của Trường Đại học Phương Đông có tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu tại một số lĩnh vực đào tạo ở các năm trước đó đối với hai phương thức tuyển sinh mà nhà trường đang thực hiện là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp và xét học bạ.

Cụ thể, thống kê của phóng viên về tổng số lượng trúng tuyển của cả hai phương thức trong năm 2023 đối với lĩnh vực Nhân văn là 825/ 700 chỉ tiêu (vượt chỉ tiêu 17,8%).

Trong năm 2022, tổng số lượng sinh viên trúng tuyển của cả hai phương thức tuyển sinh đối với lĩnh vực Nhân văn được ghi nhận là 785/ 320 chỉ tiêu (vượt chỉ tiêu 145%).

Bên cạnh đó, số lượng sinh viên trúng tuyển ở lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin ở cả hai phương thức là 183/ 100 chỉ tiêu (vượt chỉ tiêu 183%).

 Ảnh chụp màn hình một phần Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Phương Đông có thể thấy số lượng trúng tuyển của các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn trong năm 2022, 2023 đối với phương thức xét học bạ là khá nhiều.

Ảnh chụp màn hình một phần Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Phương Đông có thể thấy số lượng trúng tuyển của các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn trong năm 2022, 2023 đối với phương thức xét học bạ là khá nhiều.

Tiếp tục tìm hiểu trong Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Phương Đông phóng viên ghi nhận thêm tình hình tuyển sinh của năm 2021 đối với hai phương thức tuyển sinh của nhà trường là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp và xét học bạ, có một số lĩnh vực tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Trong đó, lĩnh vực Nhân văn có số lượng trúng tuyển của cả hai phương thức là 1.134/ 320 chỉ tiêu (vượt chỉ tiêu 254%).

Ngoài ra, với lĩnh vực Kinh doanh và quản lý phóng viên cũng ghi nhận tình trạng vượt chỉ tiêu khi tổng số sinh viên trúng tuyển của cả hai phương thức tuyển sinh là 940/ 790 chỉ tiêu (vượt chỉ tiêu 18,9%).

Bên cạnh đó, lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin số lượng trúng tuyển của cả hai phương thức là 263/ 100 chỉ tiêu (vượt chỉ tiêu 163%).

 Ảnh chụp màn hình một phần Đề án tuyển sinh năm 2023 cho thấy, các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn trong năm 2021 có lượng sinh viên trúng tuyển ở phương thức xét học bạ khá lớn.

Ảnh chụp màn hình một phần Đề án tuyển sinh năm 2023 cho thấy, các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn trong năm 2021 có lượng sinh viên trúng tuyển ở phương thức xét học bạ khá lớn.

Ghi nhận tại Đề án tuyển sinh năm 2022 cho thấy, số lượng sinh viên trúng tuyển của lĩnh vực Nhân văn trong năm 2020 ở cả hai phương thức tuyển sinh được Trường Đại học Phương Đông áp dụng là khá lớn. Cụ thể, có 1.022 sinh viên/ 240 chỉ tiêu (vượt chỉ tiêu 325,8%).

 Ảnh chụp màn hình một phần Đề án tuyển sinh năm 2022 cho thấy, trong năm 2020 có một số ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn có lượng trúng tuyển ở phương thức xét học bạ cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu.

Ảnh chụp màn hình một phần Đề án tuyển sinh năm 2022 cho thấy, trong năm 2020 có một số ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn có lượng trúng tuyển ở phương thức xét học bạ cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu.

Lĩnh vực Nhân văn, tình trạng sinh viên bỏ học sau năm học đầu tiên là khá nhiều?

Thông tin về việc này, thầy Đinh Quang Trường - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông (được ủy quyền của Hiệu trưởng Trường Đại học Phương Đông trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) thừa nhận có việc nhà trường tuyển vượt chỉ tiêu đối với một số lĩnh vực đào tạo.

Vị lãnh đạo Phòng Tuyển sinh và Truyền thông cũng cho hay, nhà trường đã bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng mức phạt là 100 triệu đồng đối với việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm 2021. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trừ hơn 700 chỉ tiêu tuyển sinh đối với khối ngành VII vào năm tiếp theo.

Cũng theo Trường, năm 2021, Khối ngành VII (khối ngành có các ngành đạo tạo thuộc lĩnh vực Nhân văn) được Thanh tra Bộ chỉ ra là vượt tối đa theo năng lực khối ngành với tỷ lệ là 133,7% chứ không đến mức gần 300% như phóng viên đề cập.

Lý giải về điều này, vị lãnh đạo Phòng Tuyển sinh và Truyền thông cho rằng, trước năm 2022 khi Khối ngành VII chưa chia tách nên trong khối ngành này sẽ bao gồm cả phần chỉ tiêu của cả lĩnh vực Nhân văn và chỉ tiêu của lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và Dịch vụ cá nhân. Vì thế, khi tính tỷ lệ vượt, Thanh tra Bộ sẽ tính trên tổng chỉ tiêu của cả hai lĩnh vực này chứ không tính riêng thành lĩnh vực Nhân văn.

Phóng viên thắc mắc về một số lĩnh vực đào tạo tuyển vượt chỉ tiêu trong năm 2022, 2023 như phản ánh thì nhà trường có tiếp tục bị xử lý hay không? Về việc này, đại diện Trường Đại học Phương Đông cho biết: "Một số khối ngành/ lĩnh vực đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu của các năm gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã biết và hiện đang trong quá trình xem xét xử lý.

Hiện tại, với năm 2022, Bộ cũng chưa có ý kiến nào về việc tuyển vượt chỉ tiêu của nhà trường. Còn năm 2023 nhà trường cũng đang làm việc với Thanh tra Bộ liên quan đến việc giải trình về kết quả tuyển sinh của năm vừa rồi.

Việc chịu các yếu tố tác động khách quan và chủ quan đến công tác tuyển sinh khiến nhà trường tuyển vượt chỉ tiêu là điều không mong muốn. Vì thế nhà trường hoàn toàn chấp nhận các quyết định xử lý của Bộ.

Bên cạnh đó, việc Thanh tra Bộ ra quyết định xử phạt vi phạm tuyển sinh của năm 2021 vào tháng 9 năm 2022, khi đó nhà trường đã hoàn thành việc tuyển sinh của năm 2022 rồi. Vì thế, năm vừa rồi Bộ lại tiếp tục có công văn nữa về việc đình chỉ quyền tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với khối ngành VII trong 5 năm".

Nêu thêm lý do một số năm nhà trường tuyển vượt chỉ tiêu, đặc biệt là số lượng vượt chỉ tiêu cao với năm 2021 thầy Trường nhấn mạnh: "Năm đó không riêng gì Trường Đại học Phương Đông mà nhiều trường đại học khác cũng có tình trạng tương tự.

Thời điểm đó bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và là năm đầu tiên nhà trường thực hiện việc tuyển sinh hoàn toàn bằng hình thức online, kể cả sinh viên làm thủ tục nhập học cũng thông qua hình thức trực tuyến.

Vì thế, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xác định số lượng sinh viên nhập học. Ngoài ra, một số ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn lại có tỷ lệ bỏ học sau năm thứ nhất rất cao nên buộc nhà trường phải gọi thêm một số lượng sinh viên nhất định để bù vào số lượng sinh viên bỏ học đó.

Điều này Bộ cũng cho phép các trường được chốt số lượng sinh viên trúng tuyển nhập học cuối cùng sau khi trừ đi số lượng sinh viên bỏ học. Với các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn tại Trường Đại học Phương Đông thì tình trạng sinh viên bỏ học sau năm học đầu tiên là khá nhiều.

Bên cạnh đó, dự báo của nhà trường về tỷ lệ thí sinh dự tuyển trong một số thời điểm cũng không thật sự chính xác. Điều này khiến tỷ lệ nhập học tăng đột biến và dẫn đến tình trạng như vậy.

 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì tuyển vượt chỉ tiêu trong năm 2021 đối với Trường Đại học dân lập Phương Đông. Ảnh: Trung Dũng

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì tuyển vượt chỉ tiêu trong năm 2021 đối với Trường Đại học dân lập Phương Đông. Ảnh: Trung Dũng

Ngoài ra, khi xác định chỉ tiêu đối với một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Nhân văn chúng tôi cũng bị ảnh hưởng theo từng giai đoạn. Trước đây với lĩnh vực này, một số ngành tuyển sinh được rất ít, chẳng hạn như ngành ngôn ngữ Trung Quốc.

Bên cạnh đó quy mô lớp học đối với các ngành ngôn ngữ tại trường từ trước cũng không nhiều, chỉ có khoảng 30 đến 35 sinh viên/ lớp. Vì thế, nhà trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành này vào khoảng trên dưới 100 chỉ tiêu dù năng lực đảm bảo yêu cầu đào tạo có thể đáp ứng với yêu cầu cao hơn thế.

Tuy nhiên mấy năm trở lại đây tỷ lệ thí sinh đăng ký các ngành này tăng lên đột biến, việc nhà trường xác định chỉ tiêu thấp trong khi lượng đăng ký vào nhiều và việc nhà trường tuyển bù một lượng lớn sinh viên thế vào chỗ các sinh viên bỏ học đã khiến cho số lượng trúng tuyển nhập học của một số lĩnh vực trong một vài năm tăng vọt lên như vậy".

Thầy Trường cũng chia sẻ thêm, việc Trường Đại học Phương Đông tuyển vượt chỉ tiêu được cơ quan quản lý xác định là vượt so với năng lực cho phép nên sau đó trường đại học này đã bổ sung đội ngũ giảng viên cơ hữu để đảm bảo đủ để dạy được số lượng tuyển vượt đó.

"Nhà trường đã tuyển thêm 14 giảng viên cơ hữu, bao gồm cả giảng viên là Giáo sư, Phó Giáo sư và Tiến sĩ. Khi quy đổi ra thì tương đương với 35 Thạc sĩ. Số lượng này có thể đảm bảo giảng dạy cho gần 1.000 sinh viên.

Như vậy, toàn bộ số giảng viên đã được nhà trường bổ sung hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy với lượng sinh viên đã tuyển vượt. Trên cơ sở được tính toán đối với lĩnh vực Nhân văn, thì việc tuyển vượt chỉ tiêu trong năm 2023 đều nằm trong ngưỡng năng lực của nhà trường", thầy Trường cho biết thêm.

Cho Trường THPT Văn Hiến thuê mặt bằng tại cơ sở 2, đại diện nhà trường nói gì?

Theo tìm hiểu của phóng viên tại báo cáo công khai thông tin về cơ sở vật chất của nhà trường, tại cơ sở 2 của Trường Đại học Phương Đông ở phố Minh Khai, phường Minh, quận Hai Bà Trưng có một phần diện tích đất phải đi thuê.

Cụ thể, trong báo cáo công khai thể hiện, tổng diện tích đất cơ sở đào tạo quản lý sử dụng là 13.213 m2 . Trong đó, diện tích đất sở hữu tại cơ sở chính là 6.394 m2 và diện tích đất đi thuê tại cơ sở 2 là 6.819 m2.

 Cơ sở 2 của Trường Đại học Phương Đông tại phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Phòng tuyển sinh của Trường THPT Văn Hiến (ô khoanh vàng) nằm ngay lối cổng vào. Ảnh: Trung Dũng

Cơ sở 2 của Trường Đại học Phương Đông tại phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Phòng tuyển sinh của Trường THPT Văn Hiến (ô khoanh vàng) nằm ngay lối cổng vào. Ảnh: Trung Dũng

 Cận cảnh phòng tuyển sinh, cạnh đó là một lớp học mà Trường THPT Văn Hiến thuê lại trong khuôn viên cơ sở 2 Trường Đại học Phương Đông. Ảnh: Trung Dũng

Cận cảnh phòng tuyển sinh, cạnh đó là một lớp học mà Trường THPT Văn Hiến thuê lại trong khuôn viên cơ sở 2 Trường Đại học Phương Đông. Ảnh: Trung Dũng

Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên, trong khuôn viên của cơ sở 2, nhiều phòng chức năng đang trong tình trạng xuống cấp, cửa luôn khóa. Bên cạnh đó, ngay lối cổng vào có đặt văn phòng tuyển sinh và một số lớp học của Trường Trung học phổ thông Văn Hiến.

Về vấn đề này, có mặt tại buổi làm việc giữa phóng viên và đại diện nhà trường, thầy Hoàng Đức Vinh - Phó trưởng Phòng Tổng hợp Trường Đại học Phương Đông khẳng định, đến nay vẫn chưa có ảnh hưởng gì đến giảng dạy và học tập.

 Khu giảng đường chính của Trường Đại học Phương Đông ở cơ sở 2, lãnh đạo Phòng Tổng hợp khẳng định dù có Trường THPT Văn Hiến cùng hoạt động trong khuôn viên nhà trường nhưng đến nay vẫn chưa có ảnh hưởng gì đến giảng dạy và học tập. Ảnh: Trung Dũng

Khu giảng đường chính của Trường Đại học Phương Đông ở cơ sở 2, lãnh đạo Phòng Tổng hợp khẳng định dù có Trường THPT Văn Hiến cùng hoạt động trong khuôn viên nhà trường nhưng đến nay vẫn chưa có ảnh hưởng gì đến giảng dạy và học tập. Ảnh: Trung Dũng

 Khu vực thí nghiệm khóa cửa. Ảnh: Trung Dũng

Khu vực thí nghiệm khóa cửa. Ảnh: Trung Dũng

Vị này cho biết thêm: "Tại cơ sở 2 chủ yếu đào tạo các ngành kỹ thuật của các khoa gồm: Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Kiến trúc công trình, Khoa Điện - Cơ điện tử.

Những năm gần đây việc tuyển sinh cho các ngành thuộc lĩnh vực này tương đối khó khăn nên ở đó có nhiều không gian trống. Bên cạnh đó, vị trí cho Trường Trung học phổ thông Văn Hiến thuê là một dãy nhà nhỏ riêng biệt cách xa khu giảng đường chính, hệ thống nhà vệ sinh, lối đi lại đều riêng biệt. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi chưa nghe bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc mất an ninh trật tự tại khu vực này.

Ngoài ra, lịch học của sinh viên cũng được nhà trường bố trí khá linh hoạt, các em cũng không phải học ca tối nên hạn chế được các rủi ro không đáng có".

Lãnh đạo Phòng Tổng hợp cũng thừa nhận rằng, trước cổng vào của cơ sở 2 Trường Đại học Phương Đông có một số khu nhà lụp xụp, xuống cấp. Hiện nhà trường không bố trí cho sinh viên học tại đây vì không đủ tiêu chuẩn.

"Tại cơ sở 2 chúng tôi chủ yếu cho các sinh viên theo học khối ngành kỹ thuật, tuy nhiên số lượng sinh viên đăng ký học các ngành này mấy năm trở lại đây cũng tương đối ít. Để không nó cũng lãng phí nên nhà trường mới cho thuê, đơn vị thuê cũng liên quan đến giáo dục.

Theo kế hoạch của nhà trường, trong thời gian tới nếu số lượng sinh viên đăng ký tăng lên thì chờ hết hạn hợp đồng với Trường Trung học phổ thông Văn Hiến chúng tôi sẽ thu hồi lại", thầy Vinh cho biết thêm.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-phuong-dong-tung-bi-thanh-tra-bo-phat-sau-do-van-tuyen-sinh-vuot-chi-tieu-post243485.gd
Zalo