ĐH Nguyễn Trãi dạy ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp

Nhà trường rất chú trọng phát triển và rèn luyện kỹ năng mềm cho người học cũng như tích cực đầu tư, trang bị các công cụ, phần mềm hỗ trợ học tập hiện đại.

Trước những dấu hiệu tích cực trong mối quan hệ hợp tác, phát triển về kinh tế, xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm gần đây cùng làn sóng văn hóa quốc tế du nhập mạnh mẽ qua âm nhạc, phim ảnh đã khiến Ngôn ngữ Hàn Quốc trở thành một trong những ngành học có sức hút mạnh mẽ.

Nhiều điều kiện phát triển và triển vọng việc làm đa dạng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thành Hiếu - Trưởng phòng tuyển dụng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam (chi nhánh Hải Phòng) cho biết: Nền kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư an toàn và ổn định.

Có thể thấy rằng, vài năm trở lại đây, hàng loạt công ty, nhà máy Hàn Quốc đã đặt trụ sở trực tiếp tại Việt Nam. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho đất nước ta được hội nhập và giao thoa văn hóa, trao đổi và học hỏi những ưu điểm của nước bạn mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm cho thị trường lao động.

Hiện nay và cả trong thời gian sắp tới, nhu cầu nhân sự có trình độ ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ tăng lên mạnh mẽ, đi kèm là nhiều cơ hội phát triển dành và vị trí việc làm triển vọng.

“LG Display (LGD) là một trong những thương hiệu hàng đầu trên thế giới trong ngành sản xuất các sản phẩm màn hình LCD và OLED cho các loại thiết bị điện tử. Bên cạnh những cơ sở hoạt động chế tạo và lắp ráp chính ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ba Lan, và Mexico, chúng tôi còn chú trọng và hướng đến phát triển mạng lưới toàn cầu của các công ty con bán hàng, nhằm phục vụ có hiệu quả các thị trường địa phương.

Tại LG Display Việt Nam (chi nhánh Hải Phòng), chúng tôi tuyển dụng nhân sự có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn Quốc cho nhiều bộ phận, nhu cầu tuyển dụng có thể lên đến vài ngàn chỉ tiêu mỗi năm và sẽ còn tăng lên theo thời gian khi quy mô doanh nghiệp ngày càng mở rộng.

Theo đó, chúng tôi luôn tìm kiếm và ưu tiên sinh viên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc vì khả năng nắm vững kiến thức chuyên môn, có kỹ năng giao tiếp tốt. Bên cạnh đó là những yêu cầu về phẩm chất như cần cù, chăm chỉ, năng động và sáng tạo để phù hợp với môi trường và văn hóa làm việc tại LG Display”, ông Nguyễn Thành Hiếu thông tin.

 Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại LG Display Việt Nam (chi nhánh Hải Phòng) lên đến vài ngàn chỉ tiêu mỗi năm. Nguồn ảnh: BCT

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại LG Display Việt Nam (chi nhánh Hải Phòng) lên đến vài ngàn chỉ tiêu mỗi năm. Nguồn ảnh: BCT

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư Ahn Kyong Hwan - Cố vấn cấp cao khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Nguyễn Trãi cũng cho rằng: Sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tạo ra một cầu nối lớn, kéo theo nhu cầu về nhân lực có khả năng giao tiếp tiếng Hàn Quốc ngày càng cao.

Khi số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam tăng mạnh, thị trường lao động tại Việt Nam liên tục đòi hỏi nguồn nhân lực có có trình độ ngôn ngữ Hàn Quốc để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Mặt khác, xu hướng du học Hàn Quốc cũng ngày càng trở nên phổ biến kéo theo nhu cầu về các dịch vụ liên quan như tư vấn du học, dịch thuật, phiên dịch….

Vậy nên hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc không chỉ có cơ hội việc làm đa dạng mà mức lương, chế độ đãi ngộ vô cùng hấp dẫn, đặc biệt đối với những người có kinh nghiệm và trình độ cao.

Ngoài ra, với sự phát triển không ngừng của quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, cơ hội thăng tiến sự nghiệp của nhân lực trong lĩnh vực này sẽ vô cùng lớn.

Chương trình đào tạo chú trọng các học phần nâng cao nghiệp vụ

Năm 2024, Trường Đại học Nguyễn Trãi quyết định mở thêm ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, thuộc khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc.

Việc nhà trường tuyển sinh và đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc vào năm 2024 là một động thái đáng chú ý và phản ánh sự nhạy bén trước những biến động của thị trường lao động.

“Mở thêm ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc là một quyết định phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Quyết định này không chỉ tạo thêm cơ hội cho những sinh viên có đam mê và sở thích đối với ngôn ngữ Hàn Quốc mà còn tăng cường sức cạnh tranh của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục đại học khác.

Trước khi đi đến quyết định mở ngành, nhà trường đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, trang bị các phòng học thông minh, thư viện, phòng thực hành đầy đủ tiện nghi và tích cực mời các giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm để có thể đảm bảo chất lượng đào tạo.

Với những điều kiện đó, Trường Đại học Nguyễn Trãi kỳ vọng rằng sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để có thể hòa nhập vào thị trường lao động”, Giáo sư Ahn Kyong Hwan thông tin.

 Giáo sư Ahn Kyong Hwan - Cố vấn cấp cao khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: NVCC

Giáo sư Ahn Kyong Hwan - Cố vấn cấp cao khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho biết, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, nhà trường định hướng đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc theo hướng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, phát triển các kỹ năng mềm và tích hợp công nghệ thông tin.

Bên cạnh việc trang bị kiến thức vững chắc về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng cho sinh viên và tạo cơ hội thực hành giao tiếp thông qua các hoạt động đàm thoại, thuyết trình, thảo luận nhóm, nhà trường còn trang bị kiến thức về lịch sử, xã hội, văn hóa Hàn Quốc để người học có cái nhìn toàn diện hơn.

Ngoài ra, trường rất chú trọng phát triển và rèn luyện các kỹ năng mềm cho người học như kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, chủ động sáng tạo. Tích cực đầu tư, trang bị các công cụ, phần mềm hỗ trợ học tập và làm việc như phần mềm học tiếng Hàn trực tuyến, các công cụ dịch thuật, phần mềm biên soạn văn bản và tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu với các doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội tìm hiểu về nhu cầu nhân lực và các cơ hội việc làm.

Cụ thể về chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, thầy Tuấn Anh cho biết, để trang bị khả năng ngoại ngữ phục vụ cho việc học các học phần chuyên ngành, cũng như đảm bảo việc đọc thông viết thạo, nhà trường bố trí các học phần Từ vựng, Ngữ pháp, Nghe - nói, Đọc - viết từ sơ cấp đến cao cấp.

Riêng với các học phần chuyên ngành được xây dựng với những nội dung bám sát thực tế và yêu cầu công việc trong thực tiễn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho người học.

Điểm nổi bật của chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Trường Đại học Nguyễn Trãi so với các cơ sở giáo dục đại học khác chính là thời gian đào tạo chỉ kéo dài trong 3,5 năm với 7 kỳ học.

Sau khi kết thúc năm thứ nhất, sinh viên được lựa chọn 2 chuyên ngành sâu là Biên phiên dịch hoặc Tiếng Hàn thương mại theo sở trường và mong muốn cá nhân.

Đối với chuyên ngành Biên phiên dịch, sinh viên được học kỹ năng nghiệp vụ Biên phiên dịch, Thực hành dịch nói, Thực hành dịch viết, Phân tích đánh giá bản dịch.

Đối với chuyên ngành Tiếng Hàn thương mại, sinh viên được trang bị các kiến thức về kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu thông qua các học phần như Tiếng Hàn thương mại, Tiếng Hàn quản trị kinh doanh, Văn bản hợp đồng thương mại,...

Hàng năm, nhà trường sẽ có những chương trình liên kết với một số trường đại học hàng đầu Hàn Quốc để giúp sinh viên có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, nâng cao trình độ và mở rộng mối quan hệ.

Bên cạnh đó là tổ chức các chuyến đi thực tế hay các sự kiện văn hóa Hàn Quốc để giúp người học có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm trực tiếp nền văn hóa nước bạn.

 Sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Nguyễn Trãi được tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc trong một số học phần. Ảnh: NTCC

Sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Nguyễn Trãi được tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc trong một số học phần. Ảnh: NTCC

Theo chia sẻ từ Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, đối với các học phần thực tập, thực tế, người học sẽ được tạo điều kiện và có cơ hội làm việc tại các công ty Hàn Quốc hoặc các công ty Việt Nam có liên kết với Hàn Quốc. Đây là những cơ hội quý giá để sinh viên có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và tích lũy kinh nghiệm làm việc.

Theo đó, sinh viên có cơ hội thực tập tại các trung tâm ngoại ngữ ở vị trí giảng viên, trợ giảng hay phụ trách các hoạt động biên dịch, phiên dịch tin tức, bài viết, sản xuất truyền hình bằng tiếng Hàn Quốc tại các cơ quan truyền thông.

Đối với những công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc, sinh viên có cơ hội làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, thực hành kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm trong một môi trường thực tế. Làm thực tập viên tại các cơ quan du lịch hoặc tham gia vào các hoạt động quảng bá du lịch, hỗ trợ khách hàng Hàn Quốc…

Hiện nay, tại Trường Đại học Nguyễn Trãi đã có các câu lạc bộ tiếng Hàn, văn hóa Hàn Quốc, đây đều là những môi trường lý tưởng để sinh viên giao lưu, học hỏi và rèn luyện các kỹ năng.

“Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Đại học Nguyễn Trãi được phụ trách bởi đội ngũ giảng viên đều là những người có trình độ và năng lực cao. Nhờ đó, kiến thức được truyền đạt đến sinh viên không chỉ đảm bảo chuyên môn mà còn rất thực tế trong hầu hết mọi công việc, giúp người học trau dồi các kỹ năng cuộc sống, tạo sự linh động và sáng tạo trong cả học tập và quá trình làm việc.

Chương trình đào tạo ngành học được thiết kế linh hoạt, các học phần được lồng ghép khéo léo giữa kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm giúp sinh viên có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, đồng thời phát huy tối đa năng lực sáng tạo và khả năng tư duy của bản thân.

Ngoài ra, trường luôn tạo điều kiện và khuyến khích sinh viên tiếp xúc với công việc thực tế. Do đó luôn tích cực xây dựng và mở rộng mối quan hệ với các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc liên quan đến ngành nghề cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

Hiện, chúng tôi đang là đối tác của các doanh nghiệp, công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai,...sẵn sàng kết nối sinh viên thực tập và tìm kiếm việc làm sau khi ra trường”, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh thông tin.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc cần có tố chất và kỹ năng gì?

Trước những biến động nhanh chóng từ thị trường, thầy Tuấn Anh lưu ý sinh viên cần phải xác định rõ ngành học và công việc tương lai phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân, cũng như tiềm năng của ngành học trong xã hội.

Đối với ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, thầy cho rằng sinh viên cần có tình yêu và sở thích về ngôn ngữ và văn hóa của đất nước này, bởi đam mê và sở thích sẽ tạo động lực và cảm hứng học tập, giúp người học có thêm niềm vui và niềm tin vững chắc để chinh phục và đạt được hiệu quả cao sau quá trình học tập.

Bên cạnh đó, người học cần có khả năng giao tiếp lưu loát cả bằng tiếng Việt và tiếng Hàn Quốc để có thể tương tác hiệu quả với người khác. Có tư duy và khả năng học ngôn ngữ nhanh cũng chính là một lợi thế giúp quá trình học ngành ngôn ngữ Hàn Quốc diễn ra nhẹ nhàng và thuận lợi hơn.

Mặt khác, vì ngôn ngữ và văn hóa sẽ luôn thay đổi và để có thể thích nghi trong mọi môi trường, văn hóa làm việc, người học cần rèn luyện kỹ năng thích nghi cùng sự kiên trì, ham học hỏi.

Theo đó, sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc cần không ngừng học hỏi và nâng cao trình độ. Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như các câu lạc bộ, hội nhóm, các hoạt động tình nguyện để rèn luyện kỹ năng mềm và mở rộng mối quan hệ.

Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, sinh viên phải chăm chỉ, tích cực thực tập tại các công ty, tổ chức có liên quan đến Hàn Quốc để tích lũy kinh nghiệm thực tế. Đây cũng chính là cơ sở và tiền đề để các bạn có thể xây dựng một hồ sơ cá nhân ấn tượng sau khi ra trường.

Bên cạnh việc học tốt ngoại ngữ, cần trang bị thêm các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề...

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà trường và những nỗ lực không ngừng của sinh viên, cử nhân ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc hoàn toàn có thể thành công và tìm được những cơ hội việc làm phù hợp.

 Sự kiện giao lưu văn hóa giữa sinh viên Đại học Songgok (Hàn Quốc) và Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: NTCC

Sự kiện giao lưu văn hóa giữa sinh viên Đại học Songgok (Hàn Quốc) và Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: NTCC

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Hiếu lại cho rằng, để tăng chất lượng đầu ra cũng như tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc cần tăng cường các hoạt động giao lưu tiếng Hàn Quốc như tổ chức các cuộc thi nói tiếng Hàn Quốc, tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc…,

Tăng cường hợp tác doanh nghiệp và đưa sinh viên đi thực tập, thực tế tại các công ty, doanh nghiệp Hàn Quốc để người học có trải nghiệm và đánh giá thực tế môi trường, văn hóa làm việc trong thực tiễn. Qua đó, có sự hình dung và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Đối với sinh viên cần chủ động trau dồi, phát triển bản thân mỗi ngày. Bên cạnh trau dồi vốn từ và kỹ năng giao tiếp, phải trang bị thêm các kỹ năng mềm như sử dụng thiết bị văn phòng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tin học…

Nếu có thể, hãy học thêm một chuyên ngành khác để bổ trợ như ngành Kế toán Tài chính, Quản trị kinh doanh, Xuất nhập khẩu… để tăng cơ hội việc làm và nâng cao mức thu nhập trong thị trường lao động.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-nguyen-trai-day-nganh-ngon-ngu-han-quoc-theo-dinh-huong-ung-dung-nghe-nghiep-post244638.gd
Zalo