ĐH FPT: GV chuyên môn giáo dục mầm non, dược học tính chỉ tiêu tuyển ngành CNTT
Từ năm 2019 đến năm 2023, chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học FPT tăng rất nhanh, từ 4000 lên 11.208 sinh viên.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 được đăng tải trên website của Trường Đại học FPT, năm 2024 nhà trường dự kiến tuyển sinh 14.339 chỉ tiêu với 7 ngành đào tạo bao gồm: Ngôn ngữ Anh (354 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Nhật (97 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Hàn Quốc (115 chỉ tiêu), Ngôn ngữ Trung Quốc (100 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (3.668 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin (9.327 chỉ tiêu), Công nghệ truyền thông (678 chỉ tiêu). Trong đó, riêng ngành Công nghệ thông tin chiếm tới 65% tổng chỉ tiêu toàn trường.
Nhiều thí sinh và phụ huynh cũng mong muốn tìm hiểu về ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học FPT. Để các thí sinh có cái nhìn tổng quan về ngành học này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tiến hành khảo sát chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên trúng tuyển nhập học cũng như tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tại trường trong vòng 5 năm gần đây.
Tăng hơn 7000 chỉ tiêu trong 5 năm
Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học FPT từ năm 2021 đến năm 2024, ngành Công nghệ thông tin luôn là ngành có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất, chiếm hơn 50% tổng chỉ tiêu của trường.
Cụ thể, năm 2019, chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học FPT là 4.000 (chiếm 75,5% tổng chỉ tiêu toàn trường). Năm 2019, ngành này có 3.968 sinh viên trúng tuyển nhập học (đạt 99,2% chỉ tiêu).
Năm 2020, chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin của trường là 5.000 sinh viên (tăng 25% so với năm 2019). Chỉ tiêu của ngành này năm 2020 chiếm tới 64,1% tổng chỉ tiêu toàn trường. Năm 2020, ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học FPT có 5.416 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn 416 sinh viên so với chỉ tiêu, tương đương 8,32%).
Năm 2021, chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin của trường tăng lên 6.250 sinh viên (tăng 25% so với năm 2020, chiếm 63,1% tổng chỉ tiêu toàn trường). Năm 2021, ngành Công nghệ thông tin của trường có 6.547 sinh viên trúng tuyển nhập học (cao hơn 297 sinh viên so với chỉ tiêu, tương đương 4,8%).
Năm 2022, chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin của trường tăng lên 9.523 sinh viên (tăng 52,4% so với năm 2021, chiếm 56,4% tổng chỉ tiêu toàn trường). Năm 2022, ngành Công nghệ thông tin của trường có 9.048 sinh viên trúng tuyển nhập học (đạt 95% chỉ tiêu).
Đến năm 2023, chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin của trường tăng lên 11.208 sinh viên (tăng 17,7% so với năm 2022, chiếm 62,1% tổng chỉ tiêu toàn trường). Năm 2022, ngành Công nghệ thông tin của trường có 9.717 sinh viên trúng tuyển nhập học (đạt 86,7% chỉ tiêu).
Năm 2024: chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin là 9.327 (chiếm 65% tổng chỉ tiêu toàn trường).
Bắt đầu đào tạo từ 2019 nhưng đến 2023 chỉ có 3 sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin
Theo thống kê danh mục các ngành được phép đào tạo của Đề án tuyển sinh năm 2024, ngành Công nghệ thông tin được nhà trường bắt đầu đào tạo từ năm 2019.
Ở nội dung giới thiệu chương trình đào tạo trên website nhà trường nêu rõ chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin được phân chia làm 4 giai đoạn với 9 học kỳ (tương đương 4 năm): giai đoạn chuẩn bị (học kỳ định hướng và thời gian học tiếng Anh dự bị phụ thuộc trình độ tiếng Anh đầu vào của sinh viên), giai đoạn căn bản (5 học kỳ), giai đoạn học tập thực tế tại doanh nghiệp (1 học kỳ) và giai đoạn hoàn thành tốt nghiệp (3 học kỳ cuối).
Như vậy, nếu đào tạo theo đúng lộ trình này thì năm 2023 Trường Đại học FPT sẽ có khóa sinh viên đầu tiên ngành Công nghệ thông tin tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong Đề án tuyển sinh năm 2024 cho thấy số sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin năm 2023 của trường rất thấp.
Cụ thể, năm 2024 nhà trường tiến hành khảo sát kết quả sinh viên có việc làm trình độ đào tạo đại học trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo của năm 2023 cho thấy, năm 2023, Trường Đại học FPT chỉ có 3 sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin. Trong khi đó năm 2019 nhà trường có tới 3.968 sinh viên trúng tuyển nhập học. Như vậy số sinh viên tốt nghiệp năm 2023 chỉ chiếm 0,08% so với số sinh viên nhập học năm 2019.
Đội ngũ giảng viên ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học FPT như thế nào?
Căn cứ theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng tại Đề án tuyển sinh năm 2019, nhà trường có tất cả 669 giảng viên cơ hữu (4 phó giáo sư, 91 tiến sĩ, 492 thạc sĩ và 82 cử nhân). Nhà trường không thống kê số giảng viên theo từng ngành.
Theo Báo cáo 3 công khai năm học 2020-2021, nhà trường có tất cả 701 giảng viên cơ hữu (5 phó giáo sư, 68 tiến sĩ, 463 thạc sĩ, 165 cử nhân). Trong đó, ngành Công nghệ thông tin có tất cả 172 giảng viên (2 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, 95 thạc sĩ và 63 cử nhân). Năm học này số sinh viên nhập học ngành Công nghệ thông tin của trường là 5.416.
Căn cứ theo báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022, đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường có tất cả 1089 giảng viên (16 phó giáo sư, 158 tiến sĩ, 730 thạc sĩ, 185 cử nhân). Trong đó ngành Công nghệ thông tin có 264 giảng viên cơ hữu (3 phó giáo sư, 38 tiến sĩ, 164 thạc sĩ và 59 cử nhân). Năm 2021, nhà trường có 6.547 sinh viên trúng tuyển nhập học.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học FPT, nhà trường có 1.084 giảng viên toàn thời gian, 641 giảng viên thỉnh giảng.
Căn cứ theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng tại Đề án tuyển sinh năm 2023, về đội ngũ giảng viên toàn thời gian của trường là 1.568 giảng viên và 672 giảng viên thỉnh giảng.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 ở nội dung các điều kiện đảm bảo chất lượng nhà trường có tất cả 1.746 giảng viên toàn thời gian; 801 giảng viên thỉnh giảng.
Đặc biệt, trong phần kê khai danh sách giảng viên toàn thời gian cho thấy, có giảng viên chuyên môn đào tạo là Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Huấn luyện thể thao, Giáo dục mầm non,... được thống kê chủ trì giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh đối với ngành Công nghệ thông tin trong Đề án tuyển sinh năm 2024.
Mức học phí năm 2024 của Trường Đại học FPT căn cứ vào từng cơ sở đào tạo. Cụ thể:
Cơ sở đào tạo chính tại Hà Nội, phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Định:
Học phí kỳ định hướng: 11,900,000 đồng (có 01 kỳ định hướng, chỉ áp dụng cho sinh viên mới nhập học).
Học phí tiếng Anh chuẩn bị: 11,900,000 đồng/mức (có 6 mức tiếng Anh, xếp lớp tùy trình độ).
Học phí chuyên ngành gồm 9 kỳ học chuyên ngành: Từ học kỳ 1 đến học kỳ 3: 28,700,000 đồng/kỳ; Từ học kỳ 4 đến học kỳ 6: 30,500,000 đồng/kỳ; Từ học kỳ 7 đến học kỳ 9: 32,500,000 đồng/kỳ
Tại phân hiệu ở Thành phố Cần Thơ:
Học phí kỳ định hướng: 8,330,000 đồng (có 01 kỳ định hướng, chỉ áp dụng cho sinh viên mới nhập học).
Học phí tiếng Anh chuẩn bị: 8,330,000 VNĐ/mức (có 6 mức tiếng Anh, xếp lớp tùy trình độ).
Học phí chuyên ngành gồm 9 kỳ học chuyên ngành: Từ học kỳ 1 đến học kỳ 3: 20,090,000 đồng/kỳ; Từ học kỳ 4 đến học kỳ 6: 21,350,000 đồng/kỳ; Từ học kỳ 7 đến học kỳ 9: 22,750,000 đồng/kỳ.