Dệt may Việt Nam vẫn rộng đường sang Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh, cổ phiếu nào hưởng lợi nhất?

Các công ty sợi và may mặc Việt Nam sẽ hoạt động tốt khi các đơn hàng chuyển ra khỏi Trung Quốc và khách hàng cố gắng khai thác thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chứng khoán Mirae Asset vừa đưa ra quan điểm về triển vọng cổ phiếu ngành dệt may trong đó kỳ vọng các công ty sợi và may mặc Việt Nam sẽ hoạt động tốt khi các đơn hàng chuyển ra khỏi Trung Quốc và khách hàng cố gắng khai thác thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày.

DỆT MAY VIỆT NAM VẪN RỘNG ĐƯỜNG SANG MỸ

Tổng quan ngành dệt may trong những tháng đầu năm cho thấy, hai mảng chính của dệt may Việt Nam có diễn biến trái chiều.

Sản phẩm dệt may có tốc độ tăng trưởng đáng kể về giá trị xuất khẩu, ở mức 12,8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, vào tháng 4 khi Chính phủ Hoa Kỳ công bố mức thuế mới đối với các đối tác thương mại, sản phẩm dệt may đã có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình từ đầu năm, ở mức 17,7%.

Về khía cạnh thị phần, tính đến cuối tháng 4, thị phần hàng may mặc của Việt Nam tại các thị trường chính tiếp tục duy trì ổn định: Hoa Kỳ (18,8%; 2024: 18,9%), Nhật Bản (18,7%; 2024: 17,9%), Hàn Quốc (30,4%; 2024: 29,2%).

Nhìn chung, tại các thị trường chính, sản phẩm dệt may của Trung Quốc tiếp tục mất thị phần vào tay các đối thủ như Việt Nam và xu hướng này tăng tốc trong 4 tháng năm 2025 khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ leo thang.

Hơn nữa, việc giảm thị phần của các sản phẩm Trung Quốc tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể là kết quả của việc tăng cường kiểm soát đối với các hoạt động lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác thương mại.

Cùng với tăng trưởng xuất khẩu, sản xuất hàng may mặc trong nước duy trì mạnh mẽ khi IIP và chỉ số lao động duy trì tăng trưởng liên tục mà không có tháng nào thu hẹp từ đầu năm nay. Thông thường sản xuất dệt may thường có một hoặc hai tháng thu hẹp trong quý 1 do mùa thấp điểm và các kỳ nghỉ.

Ngoài ra, nhập khẩu vải đầu vào duy trì mức tăng trưởng lành mạnh 8,5% so với cùng kỳ tương quan với tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu và sản xuất trong 4 tháng đầu năm.

Trong khi đó, xuất khẩu sợi giảm nhẹ 1,2% trong 4 tháng qua. Giá trị xuất khẩu sợi sang Trung Quốc ước tính đạt 0,63 tỷ USD giảm 7,3% so với cùng kỳ trong 4 tháng năm 2025 và chiếm 45,3% (2024: 47,7%) tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, xuất khẩu sợi sang Hàn Quốc cũng giảm 18,7%, đạt 0,13 tỷ USD. Sự yếu đi trong xuất khẩu đã được bù đắp phần nào khi mảng dệt trong nước tiếp tục tăng trưởng với chỉ số IIP mảng dệt và chỉ số lao động tăng 10,5% và 6,9%, cho thấy nhu cầu sợi trong nước tăng đang trưởng.

ĐIỂM DANH NHỮNG CỔ PHIẾU HƯỞNG LỢI LỚN

Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực đàm phán với mục tiêu giảm thuế quan và Việt Nam là một trong sáu đối tác thương mại ưu tiên đàm phán. Đoàn đại biểu của hai nước Việt Nam - Mỹ đã có cuộc họp "hiệu quả" vào ngày 7 tháng 5.

MAS kỳ vọng mức thuế quan tối đa sẽ cao hơn nhiều so với 10% và có thể có một số miễn trừ. Cũng sẽ có một số yêu cầu về nguồn gốc hàng hóa để hạn chế các hoạt động lẩn tránh thuế. Mặc dù mức thuế dự kiến của Hoa Kỳ có thể cao, sự hỗ trợ chính cho ngành dệt may Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ hiện nằm ở lợi thế so sánh so với các đối thủ.

Trung Quốc, nước xuất khẩu dệt may lớn nhất sang Hoa Kỳ, đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ mà mỗi nước đều áp đặt mức thuế rất cao đối với nước kia. Ngay cả khi tạm dừng trong 90 ngày với mức giảm thuế đáng kể từ cả hai bên, thì khả năng các sản phẩm của Trung Quốc giành lại thị phần là rất thấp và xu hướng giảm sẽ tiếp tục, điều này có lợi cho ngành dệt may Việt Nam.

Hơn nữa, niềm tin của nhà đầu tư giảm sau khi thuế quan tăng và làn sóng di cư khỏi Trung Quốc sẽ tăng tốc khi nhu cầu đa dạng hóa tăng lên.

Dệt may Bangladesh gần đây đã chứng kiến sự cải thiện tại thị trường Hoa Kỳ, thị phần đạt 7,4% trong Q1/2025 (2024: 7,0%). Tuy nhiên, có vẻ như căng thẳng chính trị của đất nước vẫn còn. Ngoài ra, xung đột nội bộ đang diễn ra ở Myanmar có thể ảnh hưởng đến sự ổn định biên giới của Bangladesh. Những bất ổn này gây ra rủi ro cho ngành sản xuất dệt may của quốc gia này.

Ấn Độ và Pakistan, hai trong số 10 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu, hiện đang căng thẳng. Mặc dù cả hai bên đã xác nhận lệnh ngừng bắn sau khi Hoa Kỳ can thiệp, nhưng căng thẳng vẫn còn ở mức cao. Lòng tin của khách hàng sẽ giảm sút và các đơn hàng có khả năng chuyển ra khỏi các quốc gia này.

Khi khó khăn phát sinh ở thị trường Hoa Kỳ do thuế quan, sự cạnh tranh ở các thị trường trọng điểm khác chắc chắn sẽ tăng lên. Việt Nam đã ký kết nhiều FTA cho phép xuất khẩu hàng dệt may với mức thuế nhập khẩu thấp và do đó mang lại một số lợi thế so sánh. Cụ thể, trong số các đối thủ châu Á, Bangladesh và Pakistan vẫn chưa ký FTA với Nhật Bản và Hàn Quốc và hàng dệt may xuất khẩu của họ phải chịu thuế quan. Đối với thị trường EU, từ năm nay, thuế hải quan đối với các sản phẩm dệt may có xuất xứ từ Việt Nam nằm trong danh mục "B5" sẽ được xóa bỏ theo EVFTA.

Trong Q2/2025, MAS kỳ vọng các công ty sợi và may mặc Việt Nam sẽ hoạt động tốt khi các đơn hàng chuyển ra khỏi Trung Quốc và khách hàng cố gắng khai thác thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày. Các công ty may mặc sẽ được hưởng lợi đầu tiên và có khả năng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ các đơn hàng may mặc đang cấp bách.

Trong khi đó, nhu cầu sợi trong nước sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định tương ứng với sự tăng trưởng của mảng dệt, phần nào bù đắp cho nhu cầu suy yếu tại thị trường Trung Quốc.

Trong năm 2025 trở đi, MAS tin rằng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự đa dạng hóa nguồn cung và mức thuế quan cao của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may Trung Quốc.

MAS khuyến nghị cổ phiếu MSH của Công ty CP May Sông Hồng và TNG của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) tại thời điểm này. MSH xác nhận đơn hàng đến cuối năm 2025 trong khi TNG sẽ hoạt động hết công suất cho đến tháng 8. Tỷ lệ doanh thu cao tại Hoa Kỳ có thể không còn là bất lợi đối với MSH, trong khi danh mục khách hàng đa dạng của TNG sẽ mang lại sự linh hoạt.

Với các công ty sợi, MAS lựa chọn STK và PPH, với kỳ vọng STK sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng đột biến trong năm nay nhờ nhà máy Unitex chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đó, ngoài sự tăng trưởng ổn định của mảng sợi chỉ may (thông qua hợp tác với Coats Group) và mảng khăn, kỳ vọng PPH sẽ hoàn tất giải quyết tranh chấp trong dự án bất động sản hợp tác với Sagri.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/det-may-viet-nam-van-rong-duong-sang-my-so-voi-cac-doi-thu-canh-tranh-co-phieu-nao-huong-loi-nhat.htm
Zalo