Dệt may Việt Nam tăng tốc trong ngắn hạn, thận trọng cho chặng đường dài
Sau thời gian dài trầm lắng vì dịch bệnh và suy giảm kinh tế toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam trên đà phục hồi mạnh mẽ với lượng đơn hàng tăng cao. Tuy nhiên, chính sách thuế mới từ phía Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - có thể tạo ra cú hãm bất ngờ, buộc doanh nghiệp phải tính toán lại chiến lược dài hạn.
Đơn hàng tăng, doanh nghiệp "khát" lao động
Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 38% tổng giá trị xuất khẩu tương đương hơn 1,7 tỷ USD.

Tín hiệu vui khi ngành dệt may nhận nhiều đơn hàng
Đà phục hồi mạnh mẽ khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tuyển thêm lao động để đáp ứng tiến độ đơn hàng. Tại Nam Định, Thái Bình, Bình Dương, hàng loạt nhà máy thông báo tuyển hàng trăm công nhân may, thậm chí trả thêm phụ cấp để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, niềm vui này có thể không kéo dài lâu.
Trung tuần tháng 4/2025, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố mức thuế chống bán phá giá lên đến 46% đối với một số mặt hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam, với lý do nghi ngờ nguồn gốc nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc đang là quốc gia bị Mỹ siết chặt chuỗi cung ứng. Mức thuế này cao hơn hẳn so với các nước cùng xuất khẩu dệt may sang Mỹ: Bangladesh (37%), Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%). VITAS nhận định đây là rủi ro nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của hàng dệt may Việt Nam.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS chia sẻ, nếu sau 90 ngày kể từ khi Mỹ công bố thuế mà không có sự điều chỉnh hoặc miễn trừ, nhiều doanh nghiệp Việt sẽ không thể giữ được đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng FOB sang Mỹ.
Hiện tại, phần lớn đơn hàng mà các doanh nghiệp đang thực hiện là đơn hàng ký kết từ trước khi chính sách thuế mới được công bố. Thời hạn 90 ngày được coi là "thời gian vàng" để ngành dệt may chuẩn bị ứng phó, nhưng cũng là áp lực không nhỏ.

Thời hạn 90 ngày được coi là "thời gian vàng" để ngành dệt may chuẩn bị ứng phó với thách thức
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Minh Long (Hưng Yên) chia sẻ, chúng tôi vừa mở thêm xưởng mới, tuyển gần 200 công nhân để đẩy nhanh tiến độ. Nhưng nếu sau ba tháng không có gì thay đổi, chúng tôi buộc phải cắt giảm sản xuất vì không thể chịu nổi mức thuế quá cao như vậy. Vấn đề cốt lõi nằm ở nguyên liệu. Có tới 80% nguyên liệu vải, phụ kiện của chúng tôi hiện vẫn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, chính điều này khiến phía Mỹ nghi ngờ và áp thuế chống lẩn tránh xuất xứ.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) cho biết, ngành dệt may cần “chuyển mình mạnh mẽ” để tránh lệ thuộc vào một thị trường và một nguồn cung nguyên liệu. Dệt may Việt Nam đã đi quá nhanh trên thị trường Mỹ mà chưa có hệ thống kiểm soát xuất xứ nguyên liệu chặt chẽ. Đây là bài học về việc phải đi bằng hai chân, đó là vừa đa dạng thị trường xuất khẩu, vừa nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chúng ta phải tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ, phương án với ngành dệt may là có thể gia tăng sử dụng bông Mỹ để giảm cán cân thương mại, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ.
Chiến lược dài hạn là đổi mới và xanh hóa
Một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), May 10, TNG… đang chủ động chuyển hướng sản xuất theo hướng xanh và minh bạch hơn.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, doanh nghiệp chúng tôi đã bắt đầu đầu tư chuỗi sợi – dệt – nhuộm khép kín, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường phát triển.

Nhiều doanh nghiệp đang chủ động chuyển hướng sản xuất theo hướng xanh và minh bạch hơn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm thêm đơn hàng từ EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là những thị trường Việt Nam đã ký FTA và được hưởng ưu đãi thuế suất 0%.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đây là thời điểm để ngành dệt may tái cấu trúc. Khó khăn từ bên ngoài là phép thử để nội lực phát triển. Nếu vượt qua được cú sốc này bằng đổi mới công nghệ, minh bạch chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường, dệt may Việt Nam sẽ có bước tiến vững chắc trong dài hạn.
Sức bật của ngành dệt may trong ngắn hạn là rất rõ rệt, nhưng phía trước vẫn còn nhiều ẩn số. Chính sách thuế mới của Mỹ có thể làm chậm đà tăng trưởng nếu Việt Nam không kịp thích ứng. Trong bối cảnh đó, sự chủ động từ phía doanh nghiệp, sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước và khả năng đàm phán linh hoạt với các đối tác quốc tế sẽ là chìa khóa để ngành dệt may không chỉ “giữ nhịp” mà còn “chuyển mình” mạnh mẽ.