Dẹp tình trạng 'cài cắm' giấy phép con
Chia sẻ với PV Tiền Phong, PGS,TS. Ðặng Thị Huyền Anh - Phó Trưởng Khoa kinh tế, Học viện Ngân hàng - cho rằng, một trong những nỗi khổ lớn với doanh nghiệp tư nhân là tình trạng cài cắm 'giấy phép con'.
Sự tồn tại của “giấy phép con”
Theo PGS, TS. Huyền Anh, đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến doanh nghiệp tư nhân “chùn bước” và hạn chế sự phát triển. Thực tế cho thấy, “giấy phép con” vẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp tư nhân, gây tốn kém thời gian và chi phí. Theo Báo cáo PCI 2023, trung bình doanh nghiệp tốn 6-12 tháng để hoàn thành các giấy phép cần thiết. Một số ngành như thực phẩm, y tế, xây dựng vẫn gặp tình trạng chồng chéo giấy phép. Sự tồn tại của “giấy phép con” tạo ra rào cản gia nhập thị trường, tăng chi phí tuân thủ và giảm tính cạnh tranh.

PGS, TS. Ðặng Thị Huyền Anh - Phó Trưởng Khoa kinh tế, Học viện Ngân hàng.
Thời gian qua, Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp quan trọng để tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đã có chuyển biến tích cực, từng bước tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, đã cắt giảm, đơn giản hóa 385/1.086 thủ tục hành chính và hơn 2.300 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thủ tục hành chính từng bước được cải thiện và thuận lợi hơn rất nhiều, một lượng lớn thủ tục đã được chuyển sang thực hiện trên môi trường điện tử.
Tuy nhiên, tình trạng “giấy phép con” vẫn còn tồn tại. Nhiều “giấy phép con” được ban hành dưới dạng thông tư, nghị định hoặc văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nắm bắt và tuân thủ các quy định, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kĩ thuật; điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ khá phổ biến... Một số lĩnh vực, ngành nghề như y tế, giáo dục, xây dựng, bất động sản và sản xuất thực phẩm là những lĩnh vực có nhiều “giấy phép con” nhất.
“Ðể tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, cần tiếp tục rà soát và bãi bỏ các “giấy phép con” không hợp lí, giảm thiểu các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”.
PGS.TS Ðặng Thị Huyền Anh
Cần định nghĩa mới cho doanh nghiệp tư nhân
Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn có trụ sở ở Hà Nội khẳng định, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, trước khi có các giải pháp tiếp theo, cần định nghĩa được doanh nghiệp tư nhân là ai? Việc định nghĩa phải căn cứ ít nhất theo các số liệu thống kê chính xác và chi tiết các tiêu chí liên quan đến nhóm doanh nghiệp này. Việc tiếp theo, để xây dựng một nền kinh tế quốc dân (và tự chủ) chỉ phân loại ba nhóm doanh nghiệp (theo chủ sở hữu): Tư nhân trong nước, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài. Nếu khu vực tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn thì đó là lành mạnh và bền vững. Về chính sách, nên phân loại doanh nghiệp tư nhân lớn (sếu đầu đàn) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) để có hai cách ứng xử khác nhau.
Theo đó, các doanh nghiệp tư nhân lớn cần hỗ trợ về công nghệ đột phát và cạnh tranh xuất khẩu. Đây là kinh nghiệm đã được áp dụng thành công từ Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trong giai đoạn đầu phát triển. Còn với phân khúc các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần các chính sách của Nhà nước và các địa phương hỗ trợ để tạo việc làm, tăng sức mua của người dân và phát triển thị trường trong nước.
Khi đó, doanh nghiệp Nhà nước chỉ nên tập trung vào khai thác tài nguyên (như dầu mỏ) và bảo đảm an ninh quốc gia như các nước Trung Đông và Singapore đã áp dụng thành công.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thì chỉ là chất xúc tác và “vãng lai”. Đây là khu vực doanh nghiệp góp nhiều vào phát triển kinh tế của các quốc gia nhưng cũng là khối doanh nghiệp luôn có xu hướng đến rồi đi, không bao giờ là cứu cánh hay chỗ dựa để phát triển kinh tế, phát triển nội lực quốc gia. Những bài học về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đã áp dụng tại Trung Quốc và rất thành công. Việc thay đổi, thúc đẩy này sẽ liên quan rất nhiều đến việc thay đổi chiến lược thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới.