Dẹp nạn 'chặt chém' để giữ khách du lịch đến với Việt Nam
'Chặt chém' du khách là vấn đề nam giải như một bài toán chung của nhiều ngành và cần chung tay giải quyết để giữ khách du lịch đến với Việt Nam.
Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách nhưng tình trạng "chặt chém" giá vẫn còn tiếp diễn. Đây là một trong những điểm trừ lớn khiến khách quốc tế lẫn nội địa “một đi không trở lại”, đặc biệt trong thời đại lan tỏa mạnh của mạng xã hội gây hệ lụy không nhỏ đến hình ảnh điểm đến, du lịch.
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Mới đây, streamer IshowSpeed (sở hữu kênh Youtube gần 30 triệu lượt đăng ký) đến TP.HCM tham dự chuỗi sự kiện về siêu xe. Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, streamer có trải nghiệm xe điện cân bằng và bị "hét giá" 1 triệu đồng cho khoảng vài phút.
Sau đó Công an phường Bến Nghé (quận 1) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh dịch vụ cho thuê xe điện"và "kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ", với tổng số tiền phạt 10 triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay, đây là vụ việc đáng tiếc xảy ra tại trung tâm quận 1 đối với streamer nổi tiếng. Ngành du lịch đã gửi lời xin lỗi và phía chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc xử lý.
Hiện Sở đã và đang làm việc chặt chẽ với chính quyền các quận, huyện, nhất là các quận, huyện có nhiều điểm tham quan, di tích, nhằm kiểm soát việc chấp hành quy định về niêm yết giá, buôn bán trung thực.
Sở Du lịch cũng yêu cầu các đơn vị lữ hành tăng cường tiếp nhận phản ánh của khách du lịch, kịp thời hỗ trợ du khách và báo với chính quyền địa phương; phối hợp tổ chức chốt trực tại hơn 30 tuyến điểm du lịch trọng điểm để phát hiện, xử lý hành vi tiêu cực.
"Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp, đối thoại với các đơn vị lữ hành, du lịch và các kênh truyền thông để cập nhật thông tin phản ánh về tình trạng “chặt chém” ở các điểm mua sắm, chợ phục vụ du lịch để kịp thời xử lý"- ông Hòa nói.
Trước đó vào tháng 3, tại quận Tây Hồ (TP Hà Nội), một du khách nước ngoài bị người bán hàng rong có ý định “hét giá” bán túi táo nhỏ với giá 200.000 đồng. UBND phường Bưởi đã làm việc và xử lý hành chính về hành vi bán hàng rong khi không niêm yết giá.
Tất cả những vụ việc trên đều được đăng tải trên mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, mặc dù cơ quan quản lý đã xử lý nhưng đã để lại ấn tượng không tốt đối với khách du lịch.
Việc "chặt chém" du khách diễn ra từ lâu và khó giải quyết triệt để, đa phần xảy ra đối với khách du lịch tự túc, khách đi lẻ (không qua công ty du lịch), đặc biệt là những tỉnh, thành tập trung nhiều khách du lịch như Hà Nội, TP.HCM, SaPa (Lào Cai), Đà Nẵng…
Có thể xử lý hình sự để làm gương
Đối với ngành du lịch, tình trạng "chặt chém", chèo kéo du khách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý mua hàng của khách.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho rằng Việt Nam cần những giải pháp căn cơ như cơ quan quản lý về du lịch cần tái khởi động hoặc xây dựng mới các đường dây nóng; thiết lập các trạm thông tin du lịch thực tế. Đồng thời, cần đưa ra các biện pháp xử phạt nghiêm, mang tính răn đe, thậm chí có thể xử lý hình sự để làm gương.
Đồng tình, ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch cho rằng bên cạnh phạt nặng, các điểm đến trên cả nước cần công khai số điện thoại nóng cho du khách. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tập trung người bán hàng rong thành một khu vực, hướng dẫn họ buôn bán và qua đó, quản lý một cách tốt hơn. Phương án này có thể áp dụng cho TP.HCM với nhiều người bán hàng rong chủ yếu ở trung tâm quận 1.
PGS - TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhìn nhận vấn đề "chặt chém", chèn ép du khách bắt nguồn từ thực tế đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, họ phải đi bán hàng rong để kiếm kế sinh nhai.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, chúng ta cần sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng liên ngành, quy định cụ thể những khu vực nào bán và không được bán hàng để hạn chế tình trạng "chặt chém" thường xuyên xuất hiện. Chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cũng cần có sự quan tâm, đề xuất đưa ra công việc làm ăn phù hợp hơn cho họ.
Nhiều doanh nghiệp du lịch đồng tình cho rằng đây là thời điểm cơ quan quản lý cần tìm cách giải quyết những tồn tại của ngành du lịch bấy lâu nay, để khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau dịch, điểm đến của Việt Nam có diện mạo mới. Cơ quan chức năng phải mạnh tay trong xử lý vi phạm, đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.
Đối với du khách, để tránh bị "chặt chém" cần tìm hiểu thông tin và hỏi giá cụ thể trước khi tiêu dùng, không ngại mặc cả và đọc kỹ hóa đơn khi thanh toán. Du khách tránh những người môi giới, cò mồi hay quán có sự săn đón nhiệt tình quá mức…
Niêm yết, công khai giá bán
Vào mỗi dịp lễ, để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, Cục Du lịch Quốc gia yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, các đơn vị bán đúng giá niêm yết đối với sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách.
Giá dịch vụ phải được niêm yết tại khu vực lễ tân, nơi dễ nhìn thấy, nơi khách tiếp cận trước khi sử dụng dịch vụ. Các cơ sở không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch.
Các cơ quan ban ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; các hành vi vi phạm pháp luật du lịch và pháp luật liên quan.