Đèn tín hiệu bị hư, 'dính' vượt đèn đỏ bị phạt đến 20 triệu đồng thì phải làm sao?

Từ ngày 1-1-2025, lái ô tô vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... sẽ bị xử phạt 18 - 20 triệu đồng, đồng thời bị trừ điểm giấy phép lái xe

Clip ghi lại một trụ đèn tín hiệu hoạt động "lỗi".

Từ ngày 1-1-2025, người điều khiển ô tô không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, hay đi ngược chiều, sẽ bị xử phạt 18 - 20 triệu đồng; với xe máy sẽ bị phạt 4 - 6 triệu.

Từ ngày 1-1-2025, vượt đèn đỏ có thể bị phạt đến 20 triệu.

Từ ngày 1-1-2025, vượt đèn đỏ có thể bị phạt đến 20 triệu.

Thông tin được nêu trong Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Theo đó, người điều khiển ô tô hoặc các loại xe tương tự sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi: không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông hoặc hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển, kiểm soát giao thông; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều". Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe.

Mức phạt này cao gấp hơn 3 lần so với quy định hiện hành. Hiện nay, người điều khiển ôtô vượt đèn đỏ hoặc các hành vi trên sẽ bị phạt 4 - 6 triệu đồng. Tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Song thực tế, nhiều bạn đọc phản ánh còn nhiều đèn tín hiệu giao thông bị hư hỏng, hoặc do đường sá đông đúc mà lực lượng chức năng điều chỉnh đèn tín hiệu đột ngột, tài xế di chuyển không chú ý bị phạt nguội thì phải làm sao? Bởi mức phạt sắp tới đây là rất cao.

Liên quan nội dung trên, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho biết chẳng may đèn tín hiệu ở khu vực bạn bị phạt đang trong tình trạng hư hỏng, không hoạt động hoặc tín hiệu không rõ ràng, bạn có thể ghi lại bằng chứng, chẳng hạn như chụp ảnh hoặc quay video để chứng minh đèn giao thông không hoạt động đúng quy định vào thời điểm xảy ra sự việc.

Người tham gia giao thông cũng có thể kiểm tra lỗi phạt nguội thông qua website Cục Cảnh sát giao thông, website Sở Giao thông vận tải, website Cục Đăng kiểm Việt Nam, app điện thoại…

Nếu có bị phạt nguội, người tham gia giao thông có thể chủ động gửi đơn trình bày hoặc ghi ý kiến của mình vào biên bản vi phạm hành chính khi làm việc với cơ quan Cảnh sát giao thông kèm theo các hình ảnh, video thể hiện lỗi của đèn giao thông để được giải quyết đúng quy định.

Trường hợp không có hình ảnh, video ghi lại lỗi của đèn giao thông thì khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.

Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định, ví dụ trưng cầu giám định đối với đèn giao thông (theo điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Như vậy khi xử phạt hành vi nào đó, cơ quan chức năng sẽ xem lại hình ảnh trên camera phạt nguội. Nếu thời điểm đó, trên màn hình hiển thị đèn giao thông bị lỗi, người dân sẽ không bị phạt.

Trong trường hợp đèn giao thông bị lỗi, người tham gia giao thông có thể cung cấp bằng chứng và thực hiện các quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định để đảm bảo quyền lợi của mình được giải quyết đúng pháp luật.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/den-tin-hieu-bi-hu-dinh-vuot-den-do-bi-phat-den-20-trieu-thi-phai-lam-sao-196241230215353889.htm
Zalo