Đến siêu thị UAE, tìm mỏi mắt không thấy thực phẩm Halal từ Việt Nam

Theo đại diện Bộ Công Thương, nhiều sản phẩm Thái Lan đã chiếm lĩnh tại các thị trường Halal, trong khi đó sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn, ít hiện diện

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết thông tin này tại Hội thảo Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông diễn ra chiều 12-7.

Nước mắm của Việt Nam nổi tiếng nhưng chưa thể thâm nhập tốt thị trường Halal (Ảnh minh họa)

Nước mắm của Việt Nam nổi tiếng nhưng chưa thể thâm nhập tốt thị trường Halal (Ảnh minh họa)

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, người theo Hồi giáo chiếm 1/4 số dân thế giới. Trung bình cứ 4 người thì có 1 người tiêu dùng các sản phẩm Halal.

Hiện, có khoảng 2 tỉ tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Ước tính đến năm 2030, số người theo đạo Hồi trên thế giới sẽ vượt ngưỡng 2 tỉ người, hứa hẹn một thị trường rộng mở cho các sản phẩm Halal.

Kim ngạch nhập khẩu của các nước Hồi giáo một năm vào khoảng 2.300 tỉ USD, gồm các mặt hàng như thực phẩm, du lịch, dược phẩm, truyền thông, mỹ phẩm, giải trí, thời trang….

Với các mặt hàng thực phẩm, bà Phương cho hay doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm của Ấn Độ, Thái Lan.

"Tới các siêu thị ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), tôi toàn thấy hàng made in Thái Lan. Tôi tưởng sản phẩm nước mắm của Việt Nam nổi tiếng nhưng lại thấy ở đây toàn hàng của Thái Lan" - bà P nói.

Với thị trường Halal, bà Phương cho biết doanh nghiệp đừng chỉ nghĩ chỉ có mặt hàng thực phẩm mà còn có các mặt hàng khác như dược phẩm; mỹ phẩm và dụng cụ vệ sinh cá nhân, chất phụ gia thực phẩm, sản phẩm thuộc da. "Chúng ta đừng nghĩ phụ nữ Hồi giáo không làm tóc, không làm đẹp mà chị em còn chi mạnh cho các mặt hàng này. Theo đó, các sản phẩm như collagen, mỹ phẩm… được ưa chuộng" - bà Phương cho biết.

Theo bà Phương, tiềm năng của thị trường Halal rất lớn, vì vậy phải làm sao chinh phục được. Với các doanh nghiệp chưa bao giờ xuất khẩu vào thị trường này nên chọn một mặt hàng mục tiêu, thị trường lợi thế để giảm chi phí xin giấy chứng nhận Halal.

Trong khi đó, ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Saudi, cho biết một số nhà nhập khẩu của quốc gia này phải mua gạo của Việt Nam qua đối tác trung gian là Thái Lan, do vậy họ mong muốn mua được trực tiếp từ Việt Nam.

Cùng với đó, ở Ả Rập Saudi tiêu thụ nhiều rau củ quả tươi nhưng sản phẩm chính ở thị trường này lại đến từ Trung Quốc, Nam Phi. Trái cây Việt chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ như chanh leo, thanh long, bưởi.

Theo đó, ông Kim lưu ý doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, bên cạnh in mẫu mã, bao bì đóng gói theo yêu cầu nhà nhập khẩu.

Trước thực tế trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá ngành Halal và sản phẩm Việt Nam trên thị trường Halal toàn cầu.

Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường nghiên cứu thông tin về chủ trương, chính sách thương mại của nước sở tại.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/den-sieu-thi-uae-tim-moi-mat-khong-thay-thuc-pham-halal-tu-viet-nam-196240712162430611.htm
Zalo