Đền Rừng - Hành trình về nguồn: Dâng 60.000 bộ mã tranh tại chiến trường xưa
Từ ngày 23 đến 25/5, Đền Rừng (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) tổ chức hành trình về nguồn, trong tiết trời nắng như đổ lửa của miền Trung, đi qua các địa danh lịch sử và tâm linh như Đền Chợ Củi (Hà Tĩnh), Thành cổ Quảng Trị, 3 nghĩa trang liệt sĩ và Vũng Chùa (Quảng Bình) - nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với hơn 60.000 bộ mã tranh và lễ vật chay mặn được dâng cúng. Hành trình là lời tri ân sâu sắc tới các anh hùng liệt sĩ, đồng thời lan tỏa thông điệp gìn giữ tín ngưỡng văn minh - gắn kết giữa con người, thiên nhiên và văn hóa tâm linh.
Khởi hành từ Hà Nội, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đền Chợ Củi (Hà Tĩnh), nơi thờ Quan Hoàng Mười trong tín ngưỡng thờ Mẫu, để cầu an và xin phép Phật Thánh trước khi bước vào hành trình.

Trưởng đoàn - Nghệ nhân, thủ nhang Đền Rừng - Hoàng Xuân Mai thành kính bái yết
Sáng 24/5, đoàn có mặt tại Thành cổ Quảng Trị - thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị - nơi từng hứng chịu 81 ngày đêm đỏ lửa năm 1972. Dưới cái nắng như thiêu, đoàn thắp hương tưởng niệm, như một cách cảm nhận phần nào sự khốc liệt và hy sinh của các thế hệ cha anh.



Đoàn dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị
Tiếp theo, đoàn có mặt Nghĩa trang Liệt sĩ Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, lúc mặt trời đứng bóng, nơi yên nghỉ của hơn 2.300 liệt sĩ đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc. Tại đây, đoàn đã trang trọng dâng hương hoa, lễ mặn và 6.400 bộ mã tranh gồm: quân phục, y phục đời thường, tiền vàng… thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc tới những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.


Nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai tỏ lòng thành kính trước các phần mộ, nơi yên nghỉ của anh hùng liệt sĩ, tại Nghĩa trang Khe Sanh

Bảo tháp Khe Sanh - công trình đậm chất nghệ thuật

Đoàn ghi hình lưu niệm tại Nghĩa trang Khe Sanh
Chiều cùng ngày, đoàn có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 - nằm bên tuyến Quốc lộ 9, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Đây là nơi quy tụ gần 11.000 phần mộ liệt sĩ, những người từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và đất bạn Lào trong kháng chiến chống Mỹ, cũng như hy sinh trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Đoàn thành kính dâng 26.800 bộ mã tranh, đăng, trà, quả thực, lễ mặn… đến hương hồn các anh hùng liệt sĩ.

Đoàn tổ chức đàn lễ và dâng mã tranh, trang trọng, thành kính tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9
Bà Đinh Thị Minh Lý - phụ trách nghĩa trang - xúc động chia sẻ: “Trước đây, từng có đơn vị dâng các anh hùng liệt sĩ 10.000 bộ mã làm từ khung tre, việc vận chuyển rất gian nan, phải mất 3 ngày liên tiếp mới hoàn tất việc hóa mã. Chúng tôi vô cùng trân trọng tấm lòng của đoàn. Đặc biệt ấn tượng với việc sử dụng mã tranh - một hình thức dâng lễ đầy nhân văn, và thân thiện với môi trường.”


Nghi thức dâng hương trang nghiêm, thành kính


Nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai thắp nén tâm hương, cho các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9
Sáng 25/5, đoàn tiếp tục hành trình tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nằm bên tuyến Quốc lộ 15. Tại đây, đoàn đã dâng hương, lễ chay mặn và 26.800 bộ mã tranh nhằm tưởng nhớ và tri ân các liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nhìn từ trên cao

Đại diện đoàn, nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai thỉnh những tiếng chuông thành kính, vạn lời tri ân tới các anh hùng liệt sĩ

Đại diện đoàn dâng hương trước đài tưởng niệm
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 chiến sĩ thuộc Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam - những người đã chiến đấu, hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, còn được biết đến với tên gọi đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ.

Đàn lễ uy linh dâng lên các anh hùng liệt sĩ

Nghệ nhân, thanh đồng Hoàng Xuân Mai thắp hương tri ân anh hùng liệt sĩ

Nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai giới thiệu mã tranh dâng các anh hùng liệt sĩ
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 61.000 phần mộ, là minh chứng cho tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trải dài khắp dãy Trường Sơn.
Đoàn kết thúc hành trình trong không gian tĩnh lặng giữa núi non và biển cả tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tọa lạc trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng, thuộc vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng - vị tướng huyền thoại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Từng nén hương dâng lên, từng bước chân lặng lẽ, như một khúc tưởng niệm không lời nhưng sâu lắng và tràn đầy ý nghĩa.

Khung trưng bày mã tranh
Khác với hình nhân giấy truyền thống, mã tranh là hình thức dâng lễ tinh giản, sử dụng giấy in hình quân phục, y phục và mã chúng sinh - vừa giữ được sự trang nghiêm, vừa giảm thiểu khí thải, ô nhiễm môi trường sau nghi lễ.
Việc dâng 60.000 bộ mã tranh thể hiện tinh thần thực hành tín ngưỡng hiện đại: tiết chế, văn minh, bảo vệ môi trường mà vẫn trọn vẹn lòng thành.
Nghệ nhân - Thủ nhang Đền Rừng - Hoàng Xuân Mai, trưởng đoàn, chia sẻ: “Chúng tôi đi lễ không chỉ để dâng hương, mà là dâng trọn tấm lòng thành kính - kết nối quá khứ với hiện tại. Mỗi bước chân là một bài học sống - để biết ơn, để yêu nước, để sống tử tế hơn mỗi ngày.”
“Việc sử dụng mã tranh là một cách làm mới, văn minh nhưng vẫn giữ trọn ý nghĩa thiêng liêng, đó cũng là cách mà tín ngưỡng có thể sống cùng thời đại.”
Hành trình về nguồn của Đền Rừng không đơn thuần là nghi lễ, mà là hoạt động gìn giữ văn hóa sống động, tái kết nối những giá trị truyền thống giữa xã hội hiện đại nhiều biến động.
Giữa thời đại mà tín ngưỡng dễ bị thương mại hóa hoặc hiểu lệch lạc, những hoạt động như thế góp phần giữ gìn hồn cốt dân tộc, đồng thời lan tỏa thông điệp về một đời sống văn hóa tín ngưỡng tử tế, nhân văn, có trách nhiệm với xã hội và thiên nhiên.
Hành trình về nguồn khép lại trong sự lặng thầm đầy suy niệm - nơi văn hóa tâm linh chạm vào ký ức dân tộc, nơi đạo lý “uống nước nhớ nguồn” không chỉ là lời dạy, mà là hành động cụ thể - bền bỉ, thành tâm.
Và khi lòng tri ân còn được gìn giữ, thì dù giữa nắng cháy miền Trung hay giữa bộn bề đời sống hôm nay, hồn dân tộc vẫn còn đó - lặng thầm mà vững chãi như dãy Trường Sơn năm nào.