Đến Gia Lai xem biểu diễn cồng chiêng mỗi cuối tuần
Biểu diễn cồng chiêng dịp cuối tuần không chỉ thu hút khách du lịch về đêm mà còn là cách để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Nhiều tháng nay, mỗi tối thứ 7 hàng tuần, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình "Cồng chiêng cuối tuần" tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku để phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.
Những ngày này, các đoàn nghệ nhân (khoảng 40 người) Ba Na và J'rai, đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ luân phiên nhau biểu diễn.
Tại đây, các nghệ nhân thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong một không gian tự nhiên thoáng đãng, trên thảm cỏ xanh, dưới những tán cây, trước sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả.
Du khách đến tham dự chương trình "Cồng chiêng cuối tuần" sẽ được thưởng thức các tiết mục trình tấu cồng chiêng kết hợp múa truyền thống, hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng trích đoạn các nghi lễ, lễ hội truyền thống.
Bà Trần Thị Bích Ngọc - công chức văn hóa xã hội xã Kong Lơng Khơng, huyện Kbang - cho biết để biểu diễn tại chương trình "Cồng chiêng cuối tuần", các đoàn nghệ nhân trên địa bàn đều chuẩn bị cồng chiêng, trang phục truyền thống tốt nhất và tham gia tập luyện chăm chỉ.
Bên cạnh đó, lựa chọn những tiết mục đặc sắc, ý nghĩa của dân tộc mình để trình diễn. Thông thường sẽ là các bài chiêng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu mùa hoặc những điệu nhạc sôi động để thu hút khán giả.
"Trong các buổi biểu diễn, nghệ nhân có thể giao lưu với khán giả, mời họ cùng tham gia, tạo không khí gần gũi và tăng sự kết nối giữa văn hóa dân tộc và cộng đồng" - bà Ngọc nói.
Vừa qua, đoàn nghệ nhân xã Tơ Tung, huyện Kbang tham chương trình "Cồng chiêng cuối tuần" đã trình diễn cồng chiêng cùng với các điệu nhảy đặc trưng của dân tộc mình, thu hút hàng ngàn khán giả tới thưởng thức.
Có thể nói, trình diễn cồng chiêng cuối tuần tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã giới thiệu và tôn vinh văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Hoạt động này thu hút người dân địa phương và khách du lịch, góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng - di sản phi vật thể của nhân loại - và phát triển du lịch văn hóa tại Gia Lai.