Đến để yêu và gắn bó với Đà Lạt

'Tôi đã có một hành trình rất dài để tìm thấy nơi mình thuộc về…' - Đó là những lời bộc bạch của một người đàn ông ngoại quốc đã bôn ba rất nhiều nơi trên thế giới. Để rồi, bằng những sự sắp đặt lạ lùng của số phận, ông đã đến, đã yêu và đã chọn và quyết dành hết phần còn lại cuộc đời của mình gắn bó với mảnh đất Đà Lạt - nơi mà ông đã gọi là 'nhà'.

Tác giả cùng ông Maurizio Salabert

Tác giả cùng ông Maurizio Salabert

Maurizio Salabert, hay thường được mọi người thân mật gọi là chú Mau hay Maumau là một người bạn vong niên thân thiết mà tôi may mắn hữu duyên trong quá trình sinh sống và làm việc tại TP Đà Lạt. Chú Mau và em trai sinh ra và lớn lên tại nước Úc, trong một gia đình có cha mẹ là người nhập cư gốc Argentina. Phần lớn cuộc đời chú Mau đều gắn liền với thành phố Sydney (Úc), nơi đã tạo nên một “Angry Mau” (Mau nóng nảy) - biệt danh mà Mau tự đặt gọi mình khi nhắc về thời điểm ấy. Không phải khu vực trung tâm sầm uất, gia đình Mau định cư tại khu vực ngoại ô thành phố, nơi có nhiều thành phần dân cư phức tạp. Với tinh thần lạc quan sẵn có, chú Mau không chỉ sớm nhận ra được những sự phức tạp trong cuộc sống mà còn sớm đúc kết được quan điểm sống của chính mình: “Tôi sẽ luôn như vậy! Tôi sẽ luôn luôn là một con người tươi trẻ, luôn luôn muốn cống hiến”. Tuy nhiên, một con người non trẻ khó lòng có thể tránh khỏi tất cả cạm bẫy của cuộc đời. Tự lập từ sớm, cuộc sống của chú Mau hết sức vất vả. Đến khi những áp lực từ cuộc sống mưu sinh pha trộn với những nỗi đau tinh thần, chú Mau đã sa chân vào rượu và các chất kích thích từ năm 20 tuổi. Hệ quả là chú Mau đã đánh mất công việc đầu bếp mà chú yêu thích, không còn những mối quan hệ thân thiết. Đỉnh điểm của cơn khủng hoảng là lúc chú Mau mất tất cả và trở thành một người vô gia cư...

Bằng những nỗ lực phi thường, chú Mau đã vẫy vùng cứu lấy chính mình và gia nhập quân đội. Về quyết định ấy, chú Mau kể: “Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường ra công viên chơi cờ vua với những người lớn tuổi. Phần lớn những người ấy là các cựu chiến binh. Những cuộc trò chuyện với họ đã phần nào thuyết phục cho quyết định gia nhập quân đội sau này của tôi. Với những suy nghĩ của một người trẻ, tôi đã rất mong muốn có thể cống hiến sức mình cho đất nước, cho những con người tôi yêu...”. Nhớ lại về bước ngoặt ấy, chú Mau chia sẻ: “Tôi luôn tự nhủ với chính mình: Mau à, bạn có thể làm được những điều ý nghĩa. Sứ mệnh của bạn là tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống này!” Cuộc sống của chú Mau dường như đã hạnh phúc trở lại, thì lần này, những biến cố mới lại đến. Trong quá trình phục vụ tại quân ngũ, chú cùng những người đồng đội đã không ít lần dùng cơ thể mình cho công tác nghiên cứu y tế. Những liều vaccine thử nghiệm đã vô tình trở thành những liều thuốc độc âm thầm hủy hoại cơ thể chú. Đến khi sức chịu đựng đã đạt giới hạn, chú Mau bắt đầu phát bệnh với chứng hoại tử nghiêm trọng. “Nước Úc đã không thể cứu tôi...”. Chú Mau nghẹn ngào. Quá trình chữa trị tại Úc đã không diễn ra suôn sẻ. Vì vậy, chú bắt đầu tìm kiếm những sự trợ giúp từ các quốc gia khác. Theo lời chú Mau, một bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh đã thành công trong việc cứu mạng chú, tuy nhiên, không phải cứu được tất cả...

Giờ đây, Maurizio Salabert đã là một người đàn ông tàn tật, khuyết đi cái chân trái. Một cựu quân nhân trẻ tuổi vì “cơ thể không còn lành lặn”. Mất đi công việc, mất đi một phần cơ thể, người vợ đã từng cùng chú xây dựng tổ ấm nhỏ cũng đã rời đi, để lại người con trai mà hai người đã hứa cùng nhau nuôi dạy nên người. Lại gần như mất đi tất cả một lần nữa, nhưng, đây không còn là “Mau nóng nảy” của quá khứ nữa mà là một Maurizio mạnh mẽ đã bước qua rất nhiều sóng gió. Chú Mau đã đứng lên đấu tranh với lãnh đạo quân đội và Chính phủ Úc để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của chính mình trong suốt bốn năm ròng rã. Chú nói với tôi, bốn năm ấy tưởng chừng như kéo dài vô tận. Trong khoảng thời gian ấy, chú Mau đã dành thời gian đi rất nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm điều mà chú nói là “sự yên bình trong tim”. Hành trình ấy đã đưa chú Mau đặt chân đến những vùng đất mới, những nền văn hóa mới. Từ Bali đến Tây Tạng, từ Malaysia đến Ấn Độ. “Tôi thực sự muốn biết từ sâu thẳm trong tim, tôi là ai? Mục đích của cuộc đời này là gì? Chính vì vậy, tôi đã bắt đầu cho hành trình tâm linh này (spiritual journey)”. Cũng tại chính hành trình ấy, chú Mau đã gặp được tình yêu của đời mình: Đà Lạt…

“Một người bạn bảo tôi nên thử đến Đà Lạt”. Chú Mau kể lại. “Đà Lạt? Tại sao lại là Đà Lạt? Đà Lạt có gì?...”. Gạt hết những suy nghĩ sang một bên, chú Mau lại lên đường. Đến với Đà Lạt, dạo bước trên đường phố Đà Lạt, ăn đồ ăn Đà Lạt, gặp gỡ con người Đà Lạt. Chuyến đi đầu tiên của chú Mau đến Đà Lạt kéo dài hai tuần. Một thoáng trải nghiệm không quá ngắn cũng không quá dài nhưng dường như đã để lại trong trái tim chú Mau một “hạt giống” chực chờ đến lúc ra hoa. “Tôi đã trở về nước Úc nhưng dường như tâm hồn tôi không còn thuộc về nơi đây nữa. Tâm trí tôi chỉ còn dành những thoáng tập trung duy nhất cho Đà Lạt. Tôi nhớ cảnh quan, nhớ bầu không khí Đà Lạt, nhớ những con người dễ mến mà tôi đã gặp. Tôi muốn trở lại Đà Lạt”. Không để nguội lòng, chú Mau đã trở lại Đà Lạt. Một lần, hai lần rồi ba... Cứ như thế, giữa chú và Đà Lạt đã hình thành một sợi dây liên kết đậm sâu để đến khi “nước mắt dâng trào từ trái tim”, chú Mau nhận ra mình đã yêu TP Đà Lạt từ lúc nào không hay. Để chắc chắn cho quyết định lớn của cuộc đời, chú Mau đã cùng con và em trai đến với Đà Lạt một lần nữa. “Ở đây có gia đình. Đó là tôi, em trai tôi, con tôi và tất cả những người Việt Nam quanh tôi. Họ quan tâm chúng tôi theo cách chúng tôi chưa từng được trải nghiệm. Tại Úc, con người không gần gũi như vậy. Những giá trị nhân văn mà tôi tìm kiếm là ở Việt Nam, ở Đà Lạt. Tình cảm con người được thể hiện theo phương thức thuần khiết nhất: sự chia sẻ. Rất may mắn, con và em tôi đã hòa nhập rất nhanh và sẵn sàng cùng tôi tìm kiếm cuộc sống mới tại đất nước này, tại thành phố này...”. Chú Mau tâm sự cùng tôi trong trạng thái thực sự xúc động. Ngay sau khi những đấu tranh của chú Mau đạt thành quả, quân đội và chính quyền Úc đã chi trả cho những cống hiến và cả những thiệt thòi của chú Mau, ba người đàn ông đã đặt chân đến với Đà Lạt. Lần này, không còn là những chuyến du lịch, không còn là những lần xa để nhớ nữa. “Cuộc sống mới của tôi và những người thân của mình thực sự bắt đầu”, chú Mau nói...

Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc chú Mau tự hào chia sẻ với tôi, hiện nay chú đã đầu tư một vài cơ sở kinh doanh tại Đà Lạt và đã thu lại thành quả. Hiện, chú cùng gia đình cũng đã hoàn tất thủ tục đăng ký cư trú tại Việt Nam và đang cố gắng học tiếng Việt. Người đàn ông nở nụ cười mãn nguyện: “Đà Lạt, nơi đây chính là nhà...”.

TƯỜNG SAN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/den-de-yeu-va-gan-bo-voi-da-lat-2fd7e42/
Zalo