Đến cuối năm 2024, TP.HCM quyết giải ngân hết 30.000 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung toàn nguồn lực để giải ngân được số vốn 30.000 tỷ đồng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi tại cuộc họp lần thứ 5 của Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm Thành phố và giao ban đầu tư công.

Theo đó, đối với nhóm các dự án liên quan tới bồi thường, giải phóng mặt bằng và đất đai, ông Mãi yêu cầu trước ngày 18/10, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện đề xuất giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thực hiện để đảm bảo năm 2024 giải ngân được 28.000 - 30.000 tỷ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; tham mưu, đề xuất UBND Thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần chủ động hướng dẫn các quận, huyện, TP. Thủ Đức những thay đổi trong quy định của pháp luật về đất đai; đồng thời, giám sát, theo dõi chặt chẽ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương liên quan đến dự án.

Ông cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung toàn nguồn lực để giải ngân được số vốn 30.000 tỷ đồng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 33 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Chủ tịch UBND Thành Phố Phan Văn Mãi cũng nói Thành phố sẽ tập trung cho giải phóng mặt bằng rạch Xuyên Tâm (Bình Thạnh, Gò Vấp) với 12.976 tỷ đồng, dự án bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) với 5.092 tỷ đồng và 2 đoạn Vành đai 2 (TP. Thủ Đức) với 7.600 tỷ đồng và các dự án khác.

“Sau khi rà soát, chúng ta có thể giải ngân được khoảng 28.000 tỷ đồng đối với nhóm này”, ông nói.

Người dân trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Quận 3) dỡ nhà giao mặt bằng làm Metro số 2. Ảnh: Lê Toàn

Người dân trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Quận 3) dỡ nhà giao mặt bằng làm Metro số 2. Ảnh: Lê Toàn

Về việc theo dõi quá trình thực hiện dự án trên hệ thống phần mềm quản lý đầu tư công, người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc rà soát, lập kế hoạch cụ thể về nhiệm vụ chi tiết trong việc thực hiện dự án và kế hoạch giải ngân theo số vốn Kế hoạch dự kiến giao cả năm 2024.

Cập nhật lại kế hoạch giải ngân tới ngày 31/1/2025 đối với từng dự án trên hệ thống phần mềm quản lý đầu tư công của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

UBND Thành phố giao trưởng các đơn vị ngoài việc tập trung chỉ đạo xử lý các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thủ tục theo chỉ đạo của UBND Thành phố, hàng ngày theo dõi, chỉ đạo xử lý dứt điểm tất cả các nhiệm vụ tồn đọng được ghi nhận trên hệ thống phần mềm và cập nhật kết quả giải quyết trên hệ thống Đối với các dự án đang vướng mắc về quy hoạch.

Văn phòng UBND Thành phố tham mưu, đề xuất xử lý hồ sơ gấp đối với các dự án trọng điểm trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND Thành phố các nội dung cần trình HĐND Thành phố trong các kỳ họp gần nhất đảm bảo bố trí đủ vốn và điều tiết linh hoạt kế hoạch vốn phục vụ nhiệm vụ giải ngân.

Tính đến hết ngày 30/9, tổng vốn số vốn đã giải ngân là 15.987 tỷ đồng, đạt 20,2% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thành phố được giao 249.000 tỷ đồng đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trong đó 49% vốn được giao giữa kỳ.

Thông thường, việc giao vốn phải giao ngay đầu kỳ, tuy nhiên, khi Thành phố thực hiện nghị quyết 98, Thành phố được bổ sung thêm 107.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Những dự án dùng số vốn này phần lớn đang quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn.

Ngoài ra, khi Luật đất đai có hiệu lực cũng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Trong 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của Thành phố, có 33.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Ngay từ đầu năm 2024, Thành phố đã lập các thủ tục để giải ngân công tác giải phóng mặt bằng trong quý III. Nhưng khi Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8, thành phố này phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án do tăng chi phí giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, các vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý; dự án phải dừng để điều chỉnh quy hoạch; quy định mới về đấu thầu... cũng là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM chậm. Một số dự án có liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của chủ đầu tư cũng như quy trình thủ tục để thực hiện, tác động đến tiến độ giải ngân.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/den-cuoi-nam-2024-tphcm-quyet-giai-ngan-het-30000-ty-dong-tien-boi-thuong-giai-phong-mat-bang-d227581.html
Zalo