Đền Bảo Hà - điểm nhấn du lịch tâm linh vùng Tây Bắc

Đền Bảo Hà, nơi thờ phụng Thần vệ quốc - danh tướng Nguyễn Hoàng Bẩy, người có công dẹp giặc vùng biên ải, từ lâu là điểm nhấn tâm linh du lịch vùng Tây Bắc, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch của địa phương, phát huy hiệu quả phương châm 'biến di sản thành tài sản'.

Đền Bảo Hà có giá trị về lịch sử, văn hóa và góp phần phát triển du lịch của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Đền Bảo Hà có giá trị về lịch sử, văn hóa và góp phần phát triển du lịch của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Giá trị văn hóa tâm linh

Đền Bảo Hà tọa lạc dưới chân núi Cấm, bên dòng sông Hồng thuộc địa phận xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Hằng năm, lễ hội chính đền Bảo Hà diễn ra từ ngày 15-17/7 âm lịch, vào dịp giỗ danh tướng Nguyễn Hoàng Bẩy, vị nhân thần được thờ chính trong ngôi đền. Đền Bảo Hà được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia tháng 11/1997. Năm 2016, Lễ hội đền Bảo Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo lịch sử ghi chép, đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng, thờ danh tướng Nguyễn Hoàng Bẩy. Trong một trận chiến không cân sức với quân giặc, ông đã anh dũng hy sinh. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ. Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần vệ quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao... thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày thìn tháng Giêng... Trong tín ngưỡng thờ tam phủ, ông Hoàng Bẩy được liệt vào hàng Tứ phủ Quan hoàng và được thờ phụng ở nhiều đền, phủ ở khắp mọi miền đất nước.

Cho đến nay, kiến trúc nguyên thủy của đền Bảo Hà vẫn được giữ lại gần như toàn bộ, thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm nhưng không quá cầu kỳ, gồm: Cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung công đồng, ban thờ Bà thủ đền, ngũ hổ, tứ phủ ông Hoàng. Cổng đền được xây dựng kiểu tam quan, phía trên cùng là hình lưỡng long chầu nguyệt, phía dưới là 4 chữ đại tự lớn “Bảo Hà linh từ” bằng chữ Hán cổ.

Đền Bảo Hà có giá trị nhiều mặt. Trước hết là giá trị lịch sử, ngôi đền và danh tướng Nguyễn Hoàng Bẩy là biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đặc biệt là quá trình đấu tranh bảo vệ bờ cõi của đất nước. Ngôi đền biểu tượng cho tinh thần đoàn kết một lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Bảo Hà, Bảo Yên. Vì thế, ngôi đền có vai trò giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ. Đền Bảo Hà hội tụ tinh hoa nghệ thuật về kiến trúc đền chùa, là không gian linh thiêng gắn với tín ngưỡng thờ đạo Mẫu của người Việt, nơi thăng hoa cho nghệ thuật hát văn và tín ngưỡng hầu đồng. Các nghi lễ như rước kiệu, tế lễ, đọc chúc văn, hội chọi trâu, các trò chơi dân gian đã đi vào tiềm thức, trở thành những nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng Bảo Hà.

Phát triển du lịch tâm linh

Đề án số 05-ĐA/HU ngày 9/12/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên về phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Yên, giai đoạn 2020-2025 đã khẳng định vị trí, tầm quan trọng của di tích lịch sử đền Bảo Hà trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Đồng thời, với phương châm “biến di sản thành tài sản”, khai thác thế mạnh về du lịch tâm linh, trong những năm qua, huyện Bảo Yên đã triển khai các kế hoạch về tôn tạo, tu bổ di tích, xây dựng các công trình phụ trợ trong quần thể ngôi đền để đáp ứng nhu cầu ngày cao về du lịch tâm linh của du khách mọi miền.

Hiện nay, khu vực cổng vào và sân lễ hội đã được xây dựng khang trang, rộng mở thông thoáng. Cảnh quan trong khuôn viên ngôi đền được bài trí hài hòa, đậm màu sắc tâm linh, giữ được nét cổ kính vốn có của di tích, đáp ứng tốt nhu cầu thẩm mỹ tâm linh của du khách khi đến chiêm bái. Đồng thời, các yếu tố như an ninh trật tự, khu vực để xe và các bộ phận phục vụ, hỗ trợ du khách được Ban quản lý di tích đền Bảo Hà tổ chức hiệu quả.

Theo lãnh đạo Ban quản lý di tích đền Bảo Hà, để phát huy tối đa giá trị tâm linh đền Bảo Hà, huyện Bảo Yên đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá giá trị của ngôi đền qua nhiều hình thức khác nhau như giới thiệu trên báo, đài phát thanh, truyền hình, trên các trang fapage... Huyện Bảo Yên đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thần vệ quốc Hoàng Bẩy - Bảo Hà” - Công tác quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử để nghiên cứu chuyên sâu và khẳng định hơn nữa giá trị to lớn của di tích đền Bảo Hà.

Giá trị du lịch tâm linh đền Bảo Hà và các sản phẩm du lịch huyện Bảo Yên đã và đang kết hợp một cách hiệu quả với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong tổng thể du lịch của tỉnh Lào Cai và vùng Tây Bắc để tạo sự liên kết và quảng bá rộng rãi, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lễ hội đền Bảo Hà năm 2024 được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 20/8 với nhiều hoạt động độc đáo mang đậm bản sắc như hầu khai hội, giải bóng đá, bóng chuyền, cuộc thi làm ngựa mã, hội chợ thương mại và quảng bá sản phẩm nông, lâm nghiệp của địa phương, lễ cầu an và thả đèn hoa đăng trên sông Hồng, lễ cúng khao quân, chương trình nghệ thuật đặc biệt, lễ rước kiệu, lễ chính, lễ dâng hương, các trò chơi dân gian...

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/den-bao-ha-diem-nhan-du-lich-tam-linh-vung-tay-bac-post480694.html
Zalo