Đêm nay, Việt Nam đón đỉnh mưa sao băng từ 'cây đàn của á thần'

Lyrids là trận mưa sao băng lâu đời nhất được nhân loại ghi chép, xuất hiện trong cổ văn Trung Quốc từ 2.500 năm trước.

Theo trang theo dõi thiên văn Time and Date, Việt Nam sẽ đón đêm cực đại mưa sao băng Lyrids vào đêm 22, rạng sáng 23-4 theo giờ địa phương.

Ước tính sẽ có 18 ngôi sao băng xuất hiện mỗi giờ trong giai đoạn đỉnh cao này.

Một ngôi sao băng từ mưa sao băng Lyrids lao xuống Trái Đất, theo góc nhìn từ Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) - Ảnh: NASA

Một ngôi sao băng từ mưa sao băng Lyrids lao xuống Trái Đất, theo góc nhìn từ Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) - Ảnh: NASA

Lyrids được đặt theo "Lyra", là tên Latin của chòm sao Thiên Cầm, mang hình một chiếc đàn lia (đàn lyre).

Theo thần thoại Hy Lạp, đó là cây đàn của á thần Orpheus, con trai của vua Oeagrus xứ Thrace và nữ thần thi ca Calliope. Tiếng đàn của Orpheus được mô tả là thần diệu đến nỗi làm mê hoặc cả những vật vô tri như đá.

Lý do mưa sao băng Lyrids được đặt tên như vậy là do các ngôi sao băng sẽ như tuôn ra từ vị trí gần chòm sao này.

Vì vậy để tìm kiếm các ngôi sao băng, bạn hãy hướng mắt về phía chòm Thiên Cầm. Điểm sao băng xuất phát sẽ nằm giữa hai chòm sao Thiên Cầm và Vũ Tiên (Hercules).

Bạn cũng có thể tìm kiếm ngôi sao Vega với độ sáng nổi bật. Sao băng sẽ hiện ra gần ngôi sao này.

Bản đồ bầu trời với vị trí các ngôi sao băng Lyrids bắt đầu được đánh dấu bằng dấu cộng màu vàng - Ảnh: SKY & TELESCOPE

Bản đồ bầu trời với vị trí các ngôi sao băng Lyrids bắt đầu được đánh dấu bằng dấu cộng màu vàng - Ảnh: SKY & TELESCOPE

Mặc dù vậy, thiên thể mẹ của mưa sao băng Lyrids là sao chổi Thatcher.

Sao chổi này mất khoảng 415 năm để quay quanh Mặt Trời, nhưng chiếc đuôi đá bụi của nó rất khủng khiếp và tồn tại lâu dài.

Quỹ đạo của Trái Đất cắt ngang chiếc đuôi đá bụi của sao chổi, khiến các mảnh vỡ lao vào bầu khí quyển và bốc cháy.

Mưa sao băng Lyrids có thể quan sát từ cả 2 bán cầu, là trận mưa sao băng đầu tiên được nhân loại quan sát và ghi chép chi tiết. Sự kiện đã được người Trung Quốc mô tả từ 2.500 năm trước.

Để quan sát được các ngôi sao băng rõ ràng nhất, bạn nên tạm rời xa ánh đèn và các loại màn hình, để mắt làm quen với bóng tối 15-20 phút trước khi bắt đầu ngắm nhìn bầu trời đêm.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dem-nay-viet-nam-don-dinh-mua-sao-bang-tu-cay-dan-cua-a-than-196250421171657664.htm
Zalo