Đêm nay sẽ có 6 hành tinh xếp thành hàng trên bầu trời, khu vực nào có thể quan sát?

Đêm 21/1 sẽ có 6 hành tinh cùng xuất hiện, gồm sao Hỏa, sao Mộc, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, sao Kim, sao Thổ. Người yêu thiên văn ở Bắc bán cầu vẫn sẽ thấy được 6 hành tinh này khoảng 4 tuần sau đó.

Theo Hội thiên văn Hà Nội, khi hoàng hôn dần buông xuống, nhìn về phía trên đường chân trời hướng Tây Nam. Ở đó, Sao Kim và Sao Thổ xuất hiện gần nhau. Sao Kim, chấm sáng nổi bật hơn sẽ là điểm đến hấp dẫn mà bất kỳ ai cũng không thể bỏ qua.

Nằm cao ở vùng trời hướng Đông, người quan sát sẽ thấy Sao Mộc, hành tinh sáng thứ 2 trên bầu trời đêm sau Sao Kim. Sao Mộc đã đạt vị trí trực đối vào tháng 12 vừa qua, do đó đây vẫn là một trong những điểm đến tốt nhất trong năm để quan sát. Người xem sẽ dễ dàng phát hiện ra hành tinh khí khổng lồ này trực tiếp bằng mắt thường mà không cần sự hỗ trợ của các dụng cụ quang học hỗ trợ.

6 hành tinh gồm sao Hỏa, sao Mộc, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, sao Kim, sao Thổ sẽ cùng xuất hiện trên bầu trời đêm 21/1. (Ảnh: Star Walk)

6 hành tinh gồm sao Hỏa, sao Mộc, sao Thiên Vương, sao Hải Vương, sao Kim, sao Thổ sẽ cùng xuất hiện trên bầu trời đêm 21/1. (Ảnh: Star Walk)

Gần đường chân trời hướng Đông sẽ là Sao Hỏa với sắc đỏ cam đặc trưng tạo nên cảnh tượng quyến rũ. Tháng Một là thời điểm tốt nhất trong năm nay để quan sát hành tinh nay khi nó cũng tiến đến gần Trái Đất nhất trong 2 năm qua. Đồng thời, Sao Hỏa đã ở vị trí trực đối vào ngày 16/1, điều này có nghĩa là hành tinh này đang nằm gần như đối diện với Mặt Trời và tỏa sáng rực rỡ trong suốt đêm.

Sao Thiên Vương nằm gần Sao Mộc, Sao Hải Vương thì nằm gần Sao Kim và Sao Thổ. Người quan sát sẽ cần sự hỗ trợ của kính thiên văn để nhìn thấy cả 2 hành tinh băng giá khổng lồ mờ nhạt này vì độ sáng của chúng nằm ngoài giới hạn mắt thường có thể quan sát được.

Trong những ngày cuối tháng Hai, Sao Thủy sẽ xuất hiện và gia nhập vào màn trình diễn bùng nổ này. Tuy nhiên, đây cũng là lúc Sao Thổ đang khuất dần vào ánh sáng chói chang của Mặt Trời. Bạn sẽ có khoảng thời gian ngắn đến đầu tháng Ba để quan sát sự hiện diện của cả bảy hành tinh trên bầu trời chiều trước khi Sao Thổ rời khỏi màn trình diễn.

Theo Hội thiên văn Hà Nội - HAS

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/dem-nay-se-co-6-hanh-tinh-xep-thanh-hang-tren-bau-troi-khu-vuc-nao-co-the-quan-sat-post1711304.tpo
Zalo