Đêm hội cồng chiêng Âm vọng cội nguồn - đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum

Tối 10/10, tại Nhà rông Kon Klor, thành phố Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức đêm hội cồng chiêng, xoang các dân tộc tỉnh Kon Tum với chủ đề 'Đêm hội cồng chiêng Âm vọng cội nguồn - đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum'.

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” của đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ - Triêng huyện Đăk Glei.

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” của đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ - Triêng huyện Đăk Glei.

Đây là hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024.

Tham gia Đêm hội có 170 nghệ nhân của 8 đoàn, trong đó có 7 đoàn đại diện 7 dân tộc tại chỗ của tỉnh gồm: Xơ Đăng, Bahnar, Giẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm và Hrê. Các nghệ nhân đã biểu diễn các tiết mục đặc sắc của dân tộc mình như: Cồng chiêng, xoang “Mừng ngày hội”, dân tộc Bahnar, huyện Đăk Hà; hòa tấu nhạc cụ “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ”, dân tộc Giẻ Triêng, huyện Đăk Glei; hòa tấu Đinh Pú “Giữ rẫy”, dân tộc Brâu, huyện Ngọc Hồi; Mừng hội làng, dân tộc Ba Na, thành phố Kon Tum... Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết của các dân tộc tại Kon Tum nói riêng, tại khu vực Tây Nguyên nói chung.

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” của đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ - Triêng huyện Đăk Glei.

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Nhớ ơn Đảng, Bác Hồ” của đoàn nghệ nhân dân tộc Giẻ - Triêng huyện Đăk Glei.

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum chia sẻ, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng, triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đến nay, đã có 2.500 bộ cồng chiêng được các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị; đặc biệt là sự xuất hiện của cồng chiêng trong nhiều hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh.

“Đêm hội cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số là dịp để các thế hệ nghệ nhân được gặp gỡ, giao lưu và tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng, là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao lòng tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng, xoang nói riêng. Đây là dịp để các nghệ nhân thực hành, tái hiện lại không gian văn hóa cồng chiêng, giúp cho thế hệ hôm nay biết được giá trị độc đáo của cồng chiêng, xoang và có trách nhiệm hơn trong gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa đó”, ông Đinh Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Tiết mục Cồng chiêng, Xoang “Mừng ngày hội” của đoàn nghệ nhân dân tộc Bahnar nhánh Rơ Ngao đến từ huyện Đăk Hà.

Tiết mục Cồng chiêng, Xoang “Mừng ngày hội” của đoàn nghệ nhân dân tộc Bahnar nhánh Rơ Ngao đến từ huyện Đăk Hà.

Nghệ nhân Ri Ang, dân tộc Xơ Đăng, làng Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết, đội cồng chiêng của làng có 16 thành viên tham gia biểu diễn tại Đêm hội cồng chiêng để chào mừng Đại hội các dân tộc thiểu số. Tiết mục của làng mang đến cho mọi người là cồng chiêng, xoang Mừng quê hương đổi mới. Nghệ nhân Ri Ang khẳng định, đây là niềm vinh dự, tự hào khi được giao lưu, biểu diễn, gặp gỡ các dân tộc trong tỉnh Kon Tum.

Nghệ nhân ưu tú A Thút (xã Mường Hoong, huyện Sa Thầy) bày tỏ niềm vui khi được chứng kiến các tiết mục cồng chiêng đặc sắc từ đêm hội. Ông đặc biệt ấn tượng khi trong các đoàn nghệ nhân, có rất nhiều những thanh, thiếu niên, biểu diễn thuần thục các loại nhạc cụ. Điều đó thể hiện sự tiếp nối, học hỏi của thế hệ trẻ đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc bản địa; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Kon Tum.

Tiết mục cồng chiêng mở đầu đêm hội.

Tiết mục cồng chiêng mở đầu đêm hội.

Theo Nghệ sỹ ưu tú Phạm Văn Hân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, các tiết mục tại đêm hội đều là những tiết mục đặc sắc, là vốn quý mà nghệ nhân 7 dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh còn gìn giữ được. “Những tiết mục này là những tiết mục đặc sắc, đại diện cho tinh hoa văn hóa của từng dân tộc như tiết mục hát ru, cồng chiêng - xoang, đón khách hay là những tiết mục mang tính chất lễ hội của từng dân tộc. Đêm hội thể hiện tình đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”, Nghệ sỹ ưu tú Phạm Văn Hân cho biết thêm.

Tin, ảnh: Dư Toán (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/dem-hoi-cong-chieng-am-vong-coi-nguon-doan-ket-cac-dan-toc-tinh-kon-tum-20241010213021460.htm
Zalo