Đề xuất xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình trong tương trợ tư pháp
Dự thảo luật trình Quốc hội bổ sung quy định về việc xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. (Ảnh: DUY LINH)
Sáng 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Bổ sung quy định xem xét, yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình
Trình bày tờ trình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, dự án luật gồm 4 chương, 39 điều nhằm điều chỉnh các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài; quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình yêu cầu và thực hiện yêu cầu tương trợ; đồng thời bao quát các đối tượng là tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan.
Liên quan đến phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, dự thảo luật bổ sung những điểm mới như: lấy lời khai trực tiếp hoặc trực tuyến; cho phép người tiến hành tố tụng của nước yêu cầu có mặt trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp tại nước được yêu cầu; tổ chức cho người tại nước được yêu cầu đến nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ; áp dụng các biện pháp tố tụng nhằm bảo đảm tịch thu, trao trả, xử lý vật chứng, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội.
Dự thảo luật quy định: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với tư cách là cơ quan Trung ương - chịu trách nhiệm chủ trì đánh giá, quyết định tiếp nhận hay từ chối yêu cầu tương trợ của nước ngoài trên nguyên tắc "có đi có lại". Trong trường hợp cần thiết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan để thống nhất trước khi ra quyết định cuối cùng.
Dự thảo luật bổ sung việc thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới và việc xem xét, yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình.
Đồng thời, quy định việc không phải hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự; quy định về chi phí trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự theo hướng nước được yêu cầu sẽ chịu chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ trên lãnh thổ nước mình, ngoại trừ một số chi phí đặc thù phải do nước yêu cầu chi trả.
Rà soát, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với vai trò “đầu mối” trong tương trợ tư pháp về hình sự
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: DUY LINH)
Về xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình (Điều 13), dự thảo luật bổ sung quy định về việc xem xét yêu cầu liên quan đến hình phạt tử hình so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.
Ủy ban cơ bản tán thành việc bổ sung cơ chế này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thời gian qua. Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản nhất trí việc quy định nội dung này trong dự luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ nội dung này vì có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án đã được quy định trong Hiến pháp.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho hay, Ủy ban tán thành quy định của dự thảo luật về việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự, quy định này tiếp tục kế thừa quy định tại Điều 493 Bộ luật Tố tụng hình sự và phù hợp với các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự hiện nay.
Tuy nhiên, về các nhiệm vụ cụ thể của cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ “đầu mối” trong lĩnh vực này.