Đề xuất xây dựng Luật Phòng bệnh: Quản lý toàn diện sức khỏe cộng đồng

Sau 18 năm thực thi, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội. Bộ Y tế đã đề xuất xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh mới, nhằm khắc phục những thiếu sót này và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho một hệ thống y tế toàn diện, hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân.

Mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Khoảng trống trong quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn dân

Tại báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã chỉ ra nhiều bất cập như phân loại bệnh truyền nhiễm, báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm…

Cùng với đó là sự xuất hiện của rất nhiều bệnh truyền nhiễm mới như SARS, cúm A/H1N1, MERS-CoV, bệnh do virus Zika, Covid-19, đậu mùa khỉ…

Việc Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 18 năm chưa được sửa đổi kể từ khi ban hành năm 2007 đã và đang làm gia tăng trở ngại và khó khăn trong việc quản lý các bệnh truyền nhiễm, làm giảm khả năng ứng phó khi có dịch bệnh mới xảy ra.

Không chỉ vậy, nhận thức của người dân tại một số nơi về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý; một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.

Hơn nữa, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm mới quan tâm đến các hành vi có hại cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá, hoàn toàn chưa có quy định về điều chỉnh các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng với sức khỏe, sức khỏe tâm thần, quản lý bệnh không lây nhiễm… là những vấn đề đang rất nhức nhối hiện nay.

Những kết quả đạt được trong chăm sóc sức khỏe của Việt Nam là đáng tự hào. Như tăng tuổi thọ trung bình lên 73,7 tuổi; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống còn 18,9% năm 2022, chương trình tiêm chủng mở rộng là một thành công của mạng lưới y tế cơ sở…

Trung bình một người Việt trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trung bình một người Việt trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nói trên, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân còn nhiều khoảng trống. Chất lượng sống của người dân còn nhiều hạn chế. Minh chứng ở việc tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tương đối cao so với các nước có cùng mức sống, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại ít, sống với bệnh tật lại nhiều.

Trung bình một người Việt trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Ngoài bệnh tật, người cao tuổi Việt Nam còn có sức khỏe yếu kém phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người chăm sóc, dụng cụ hỗ trợ trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì cũng gia tăng ở mức báo động. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị, 5,3% ở nông thôn) và 19% ở trẻ em lứa tuổi học sinh. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân béo phì là 19% vào năm 2020.

Xây dựng Luật Phòng bệnh: khắc phục được tồn tại liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá và phân tích tình hình thực tiễn, Bộ Y tế đã có đề xuất lên Chính phủ về việc xây dựng Luật Phòng bệnh nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về dự phòng và nâng cao sức khỏe đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương XII với mục tiêu tổng quát là “Nâng cao sức khỏe cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng sống của người Việt Nam”

Theo đó, Bộ Y tế đã đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh với 5 chính sách sau: Chính sách thứ nhất: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch; Chính sách thứ hai: Dinh dưỡng với sức khỏe; Chính sách thứ ba: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; Chính sách thứ tư: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Chính sách thứ năm: Quản lý sức khỏe đối với người dân.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực, nâng cao công tác phân tích, dự báo để tham mưu phù hợp và chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng, phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai.

Tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại trạm y tế xã Tân trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tại trạm y tế xã Tân trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện lộ trình tăng số lượng vaccine và thực hiện hiệu quả Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tăng cường quản lý các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, môi trường y tế, sức khỏe học đường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, an toàn thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và nâng cao sức khỏe người dân.

Luật Phòng bệnh được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực, kịp thời trong công tác quản lý và nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc chậm trễ việc xây dựng và ban hành Luật Phòng bệnh sẽ làm giảm cơ hội và những điều kiện thuận lợi để người dân được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện hơn.

PHẠM TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-xuat-xay-dung-luat-phong-benh-quan-ly-toan-dien-suc-khoe-cong-dong-post855728.html
Zalo