Đề xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phổ biến, giáo dục pháp luật

Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thử nghiệm trợ lý ảo để rà soát văn bản, phát hiện mâu thuẫn về văn bản...

Ngày 11-9, tại TP.HCM diễn ra hội thảo góp ý dự thảo đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn năm 2025-2030”.

Hội thảo do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức, cùng với sự tham dự của các chuyên gia về công nghệ, đại diện Sở Tư pháp các tỉnh thành: TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và đại diện Phòng Tư pháp, Phòng VH-TT các quận huyện trên địa bàn TP.HCM.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TRẦN LINH

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Trưởng ban soạn thảo đề án, ông Lê Vệ Quốc cho biết: Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp triển khai xây dựng dự thảo đề án về chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giai đoạn 2025-2030.

Đề án này bao hàm nội dung về chính sách pháp luật, nghiệp vụ liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và cả những vấn đề liên quan công nghệ thông tin, công nghệ số. Đến nay, Bộ Tư pháp cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành, các chuyên gia.

Ông Quốc mong muốn các đại biểu đưa ra những ý kiến, góp ý thẳng thắn về mục tiêu của đề án, quy trình, cách thức thực hiện, đề ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn còn tồn đọng của đề án…

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về ứng dụng công nghệ số, đề ra các giải pháp về xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá về hiệu quả của việc chuyển đổi số, thu thập dữ liệu, phản hồi từ người dân để điều chỉnh chính sách và giải pháp công nghệ cho phù hợp với thực tiễn,…

Đáng chú ý, tại hội thảo, nhiều sự quan tâm dành cho việc áp dụng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào PBGDPL.

 Đại diện Công ty CPTT Quốc tế Incom - LuatVietnam.vn - ông Trần Văn Trí giới thiệu về AI trong phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: TRẦN LINH

Đại diện Công ty CPTT Quốc tế Incom - LuatVietnam.vn - ông Trần Văn Trí giới thiệu về AI trong phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: TRẦN LINH

Đại diện Công ty CPTT Quốc tế Incom - LuatVietnam.vn giới thiệu, đề xuất một số giải pháp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ tạo ra các nội dung giáo dục pháp luật mang tính tương tác; chẳng hạn như các trò chơi giáo dục, bài kiểm tra, hay các tình huống mô phỏng thực tế (simulation). Sử dụng AI để tự động tạo ra các bài giảng, bài thuyết trình và tài liệu giáo dục pháp luật dựa trên nội dung đầu vào.

Thông qua việc tham gia vào các hoạt động này, người dân không chỉ được cung cấp thông tin một cách thụ động mà còn được thực hành, áp dụng kiến thức pháp luật vào các tình huống thực tiễn, từ đó nâng cao khả năng ghi nhớ và áp dụng pháp luật trong cuộc sống hàng ngày.

Cạnh đó, một số ý kiến của các đại biểu về việc ứng dụng Ai còn tồn tại những khó khăn nhất định về chi phí và cơ sở dữ liệu và chất lượng dữ liệu.

Giải pháp này phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật chất lượng cao, đầy đủ, chính xác, cập nhật liên tục đảm bảo dữ liệu lúc nào cũng mới nhất để đào tạo mô hình AI. Dữ liệu bị lỗi thời nếu dữ liệu không được cập nhật và đào tạo.

Bộ Tư pháp quan tâm đến việc ứng dụng CNTT trong hoạt động PBGDPL. Mục tiêu cuối cùng là công tác PBGDPL tốt hơn, hiệu quả hơn.

Về cách thức, Bộ Tư pháp mong muốn ứng dụng công nghệ mới, khi đặt vấn đề phổ cập toàn quốc toàn dân thì không thể làm cách truyền thống; giải pháp tính đến là nền tảng đào tạo trực tuyến đại trà, ứng dụng AI, xây dựng trợ lý ảo,...

Hiện nay, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để thử nghiệm trợ lý ảo cho việc rà soát văn bản, phát hiện mâu thuẫn về văn bản,...

Ông PHẠM QUANG HIẾU, Quyền Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Tư pháp

TRẦN LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-xuat-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-de-pho-bien-giao-duc-phap-luat-post809723.html
Zalo