Đề xuất triển khai dự án cao tốc Vinh – Thanh Thủy theo hình thức PPP

Bộ Xây dựng vừa báo cáo về việc đầu tư tuyến cao tốc Vinh - Thanh Thủy. Dự án dự kiến dài 65km với tổng mức đầu tư sơ bộ 19.591 tỉ đồng, được đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư công (PPP) và phấn đấu khởi công vào dịp 2-9.

Bộ Xây dựng đề xuất triển khai dự án cao tốc Vinh - Thanh Thủy theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 19.591 tỉ đồng. Ảnh: VGP

Bộ Xây dựng đề xuất triển khai dự án cao tốc Vinh - Thanh Thủy theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 19.591 tỉ đồng. Ảnh: VGP

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Chính phủ về việc đầu tư đường bộ cao tốc nối thành phố Vinh đến cửa khẩu Thanh Thủy, baochinhphu.vn đưa tin.

Cơ quan này cho biết việc đầu tư tuyến cao tốc Vinh - Thanh Thủy nhằm tăng cường quan hệ Việt Nam - Lào, hoàn thiện mạng lưới giao thông và thúc đẩy kinh tế Nghệ An.

Dự án sẽ rút ngắn quãng đường từ cửa khẩu Thanh Thủy đến các đô thị và cảng biển của tỉnh. Bộ Xây dựng đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến cao tốc Hà Nội - Vientiane, được hai Chính phủ cơ bản thống nhất hướng tuyến từ năm 2016 và phía Lào xác nhận vào năm 2018.

Cao tốc Vinh - Thanh Thủy dài khoảng 65km, điểm đầu tại nút giao Hưng Tây (giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt) ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On, biên giới Việt Nam - Lào.

Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ có 6 làn xe. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn hoàn chỉnh, các cầu lớn xây dựng quy mô 6 làn, tốc độ thiết kế 100-120km/h, đoạn khó khăn 60-80km/h. Dự báo đến năm 2030, lưu lượng đạt 21.828 PCU/ngày đêm (4 làn xe) và đến năm 2045 đạt 57.717 PCU/ngày đêm (6 làn xe).

Bộ Xây dựng đề xuất trước mắt đầu tư giai đoạn 1 với 4 làn xe, các cầu lớn xây dựng 6 làn và giải phóng mặt bằng cho 6 làn theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 19.591 tỉ đồng.

Bộ Xây dựng cho biết UBND tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu phương án đầu tư PPP nhưng không khả thi, nên kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công.

Nếu có nhà đầu tư quan tâm, đơn vị chủ quản sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Nguồn vốn chuẩn bị đầu tư lấy từ tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 còn vốn thực hiện dự án từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 và ngân sách địa phương.

UBND tỉnh Nghệ An cho rằng việc khởi công dự án vào ngày 2-9-2025 là không khả thi và đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật quy định và thực tiễn để đề xuất cơ chế đặc thù, trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chấp thuận triển khai dự án theo hình thức đầu tư công (sử dụng một phần ngân sách địa phương), giao UBND tỉnh Nghệ An làm cơ quan chủ quản. Dự án sẽ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 để chuẩn bị đầu tư và vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 để thực hiện.

Bộ Xây dựng đề xuất UBND tỉnh Nghệ An nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án; đồng thời kiến nghị Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan làm việc với phía Lào để huy động nguồn lực đầu tư đoạn Thanh Thủy - Vientiane, kết nối đồng bộ với đoạn Vinh - Thanh Thủy.

Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Nghệ An phải trình Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư dự án trước ngày 18-4. Nếu cần cơ chế đặc thù phải chủ động báo cáo Chính phủ.

Dự án phấn đấu khởi công vào dịp 2-9 và hoàn thành thi công trong 2 năm. Bộ Tài chính sẽ bố trí vốn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2025.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-trien-khai-du-an-cao-toc-vinh-thanh-thuy-theo-hinh-thuc-ppp/
Zalo