Đề xuất trang bị máy bay, phương tiện hiện đại để phòng cháy, chữa cháy
Đại biểu Quốc hội nêu thực tế có những địa bàn chữa cháy khó khăn, xe chữa cháy không vào được, trụ nước không kéo tới nơi cháy thì cần trang bị máy bay, phương tiện hiện đại để khắc phục sự cố.
Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nhiều đại biểu quan tâm thảo luận xoay quanh các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) với nhà ở riêng lẻ.
Các vụ cháy nhà dân kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%
Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) cho biết, trong 5 năm gần đây Viện Khoa học hình sự giám định 1.009 vụ để xác định nguyên nhân cháy. Qua đó cho thấy số vụ việc năm sau cao hơn năm trước; trong đó, cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%; cháy chung cư chiếm 4,4%; cháy tại các doanh nghiệp chiếm 19,2%; cháy khác (chợ, tàu, xe, rừng...) chiếm 26,9%.
Theo ông Nam, nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do chập mạch điện, dây dẫn điện trong các thiết bị sử dụng điện; do bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, sửa chữa nhà cửa, thiết bị, phương tiện...
Từ đó, ông Nam đề nghị cơ quan chủ trì công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ quan tâm thỏa đáng đến công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về PCCC ở tất cả các khâu, các lĩnh vực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) băn khoăn về tính khả thi của quy định nhà ở kết hợp kinh doanh phải có giải pháp ngăn cháy.
Ông cho rằng, quy định như vậy thì nhiều nhà mặt phố sẽ vi phạm. Ví dụ, nhà 30m2 mà bảo phải có giải pháp ngăn khói thì không bao giờ làm được.
Đại biểu cũng nêu đặc trưng nhà dân ở các thành phố lớn hiện nay, nhất là Hà Nội và TP.HCM, là nhà dạng ống, tầng dưới dùng kinh doanh, tầng trên để ở. Bởi thế, yêu cầu có giải pháp ngăn khói là rất khó thực hiện.
Để đảm bảo PCCC, bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân, ông Giang cho rằng, việc này cũng không thể không làm, không xử lý. Ông đề nghị dự thảo Luật cần có điều khoản chuyển tiếp để các công trình không đáp ứng điều kiện về PCCC theo quy định tại luật mới có thời gian để xử lý, không thể cứng nhắc thực hiện ngay khi luật có hiệu lực.
Cần chương riêng quy định về thoát nạn
Đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) nhấn mạnh việc đề cao tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật trong PCCC. Với những yêu cầu mới có hiệu lực thì bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải tuân thủ. Với công trình hiện hữu không đảm bảo PCCC thì phải có lộ trình để thực hiện, không thể để tồn tại tình trạng vi phạm PCCC mãi được.
"Chẳng hạn như đối với nhà ở riêng lẻ của người dân, nếu đã xây "chuồng cọp" rồi thì có thể yêu cầu tháo dỡ để tạo lối thoát hiểm khi cần.
Với những trường hợp kinh doanh nhà ở, công trình tập trung đông người ở trong hẻm sâu, ngõ nhỏ, không có điều kiện PCCC thì nên chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phù hợp", đại biểu tỉnh Bình Định nêu ý kiến.
Về lực lượng PCCC chuyên trách, ông Toàn đề nghị có chính sách tiến thẳng lên hiện đại. “Có những địa bàn chữa cháy khó khăn, xe chữa cháy không vào được, trụ nước không kéo tới nơi cháy... thì phải có máy bay, có phương tiện hiện đại khắc phục sự cố”, đại biểu đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, nhiều vụ cháy gây chết người liên quan đến vấn đề thoát nạn.
"Tuy nhiên dự thảo Luật chỉ nêu một vài quy định nhỏ về thoát nạn. Điều đó cho thấy dự luật vẫn còn xem nhẹ vấn đề thoát nạn trong khi đây là một vấn đề rất quan trọng trong PCCC”, đại biểu phân tích.
Từ đó, ông đề nghị sửa tên luật thành Luật PCCC thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ; trong đó có chương riêng quy định về thoát nạn gồm nhiều điều liên quan đến việc nhà trường dạy trẻ em thoát nạn, hướng dẫn người dân ở khu chung cư, tòa nhà thoát nạn…