Đề xuất tiếp tục thực hiện giới hạn nồng độ cồn bằng 0

Thông tin từ các cơ quan báo chí cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội vừa có buổi làm việc cùng các bên liên quan về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ (sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới).

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa vào ban đêm. Ảnh minh họa: Đ.Tùng

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa vào ban đêm. Ảnh minh họa: Đ.Tùng

Theo đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ là tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Tại khoản 1, Điều 8 Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo) quy định, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nội dung này có điểm tương đồng như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, xác định giới hạn nồng độ cồn bằng 0.

Việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có tác động rất lớn đến toàn bộ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt là từ khi các cơ quan chức năng thực hiện xử phạt nghiêm các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn với phương châm: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã có tác động tích cực đến việc chấp hành quy định không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; thay đổi thói quen lạm dụng rượu, bia; hạn chế tác hại của việc lạm dụng rượu, bia như: dễ xảy ra tai nạn giao thông, ẩu đả, bạo lực gia đình…

Thời gian qua, có một số ý kiến đề xuất cần nâng ngưỡng nồng độ cồn vi phạm lên một chút để tạo điều kiện cho người dân. Tuy nhiên, nếu đưa ra mức khung để xử phạt vi phạm nồng độ cồn sẽ rất khó khi xử phạt đối với các vi phạm, không đủ sức răn đe, sẽ khó tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.

Trước tình trạng lạm dụng rượu, bia của nhiều người, việc xử phạt nghiêm các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi lái xe sẽ giúp hạn chế tình trạng điều khiển phương tiện giao thông khi say rượu, bia; tránh được việc ép uống rượu, bia; thay đổi hẳn thói quen lạm dụng rượu, bia trong ngày lễ, Tết…

Việc Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ tiếp tục kế thừa quy định hiện hành về việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn cho thấy sự quyết tâm của ngành chức năng trong việc chấn chỉnh tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; hạn chế tác hại khôn lường do lạm dụng rượu, bia gây ra.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202403/de-xuat-tiep-tuc-thuc-hien-gioi-han-nong-do-con-bang-0-f0f6643/
Zalo