Đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ

Ngày 15-1, tại trụ sở UBND TP.HCM đã diễn ra hội nghị giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ và tỉnh Long An. Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có có lãnh đạo UBND, các sở, ngành vùng Đông Nam bộ, UBND tỉnh Long An.

Về phía tỉnh Bình Dương có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh.

Ông Võ Văn Minh phát biểu tại hội nghị

Ông Võ Văn Minh đề xuất phát triển trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và Bệnh viện tuyến cuối của vùng đặt tại Bình Dương

Báo cáo của UBND TP.HCM cho biết, kết quả triển khai thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam Bộ, tổng cộng có 10 nội dung phối hợp cấp vùng.

Đến hết năm 2023 đã hoàn thành 6/10 nội dung phối hợp cấp vùng, còn lại 3/10 nội dung hoàn thành một phần và 1/10 nội dung đang thực hiện.

Công tác phối hợp triển khai các dự án thành phần của đường Vành đai 3, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã cơ bản đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải TP.HCM báo cáo kết quả phối hợp với các địa phương các dự án, công trình trọng điểm

Về hợp tác giữa TP.HCM - tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2024 có 11 nội dung phối hợp song phương. Trong đó, đã hoàn thành 5/11 nội dung, còn lại 6/11 nội dung hoàn thành một phần và đang tiếp tục thực hiện.

Cụ thể, một số nội dung phối hợp trọng tâm đang triển khai giữa hai địa phương là phối hợp triển khai các dự án thành phần của đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Bình Dương, đồng thời điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và Dự án nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 trên sông Sài Gòn...

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu tại hội nghị

Hội nghị đã phân tích “các điểm nghẽn” trong phát triển hạ tầng của vùng và đề xuất các phương án thành lập “Quỹ phát triển hạ tầng vùng” để tạo động lực phát triển cho toàn vùng trong thời gian tới.

Trong đó, phương án thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng dưới hình thức một ngân hàng đầu tư có ưu điểm thiết lập mô hình mới, khắc phục được những bất cập của mô hình quỹ đầu tư phát triển địa phương. Mô hình này được dựa trên nền tảng hệ thống pháp luật hiện hành khá vững chắc, đó là luật các tổ chức tín dụng và quy định hướng dẫn thi hành…

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Minh đã báo cáo một số kết quả Bình Dương đã thực hiện trong công tác phối hợp với các địa phương về phát triển hạ tầng. Đồng thời, kiến nghị liên quan một số dự án giao thông kết nối với TP.HCM. Trong đó, tuyến đường sắt đô thị nghiên cứu phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; điều chỉnh quy hoạch ga đầu mối An Bình kết nối giao thông giữa 2 địa phương, thống nhất kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét điều chỉnh quy hoạch chức năng các ga đầu mối (Bình Triệu và An Bình) phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Đối với dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh kiến nghị TP.HCM đầu tư mở rộng cầu Vĩnh Bình trong dự án để phù hợp với bề rộng nền đường Quốc lộ 13 theo quy mô quy hoạch 64m, hiện hữu 8 làn xe ô tô.

Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư. Hiện tỉnh Bình Dương đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến khởi công xây dựng trong thời gian tới.

Ngoài ra, đoạn từ nút giao độc lập đến ranh thành phố Thủ Đức chiều dài khoảng 350m đang được Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Đối với Dự án đường Vành đai 4 - TP.HCM đang được các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, trong đó đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đầu tư dự án xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trên cơ sở thống nhất, tỉnh Bình Dương tiếp tục điều chỉnh chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, điều chỉnh đoạn 12km đường đô thị thành đường cao tốc để đồng bộ về quy mô, tiêu chuẩn trên toàn tuyến Vành đai 4 TP.HCM...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, vùng Đông Nam bộ còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng, muốn tháo gỡ các điểm nghẽn các địa phương cần quyết liệt, tập trung cùng nhau giải quyết, nhất là bàn bạc xây dựng một cơ chế chính sách đặc thù cho vùng để trình Quốc hội xem xét thông qua, từ đó tháo gỡ điểm nghẽn cho toàn vùng.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dựa trên cơ chế từ Nghị quyết 98 , thành phố sẽ để xuất trình Trung ương xem xét thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển cho vùng trong thời gian tới.

Minh Duy

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/de-xuat-thanh-lap-quy-phat-trien-ha-tang-vung-dong-nam-bo-a339896.html
Zalo