Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Trong bối cảnh mới, ngành hàng lúa gạo cần chiến lược tổng thể để giải quyết thách thức về thị trường, tranh chấp thương mại... Đây là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với Bộ Công Thương đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại ngành lúa gạo. Ảnh ST

Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại ngành lúa gạo. Ảnh ST

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, dù ngành lúa gạo của Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, song trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm, nhất là tài nguyên nước.

Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đang phối hợp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, và nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa.

“Đây là cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ hiện nay, tạo sự thay đổi đột phá cho ngành lúa gạo” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Theo dự thảo do Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương xây dựng, Hội đồng Lúa gạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo; nghiên cứu đề xuất các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường ngành lúa gạo...

Khi được thành lập, cùng với việc khắc phục các hạn chế của ngành hàng lúa gạo, Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại ngành lúa gạo. Cụ thể như vấn đề Thái Lan, Ấn Độ… có các chính sách mới, đột xuất về xuất khẩu gạo; vấn đề thương hiệu gạo bị giả mạo (cụ thể là gạo ST 25).

Sau khi thành lập, hội đồng sẽ họp 1 năm 1 lần nhưng khi có sự vụ đột xuất thì sẽ họp ngay lập tức. Hội đồng sẽ hỗ trợ các hiệp hội hoạt động hiệu quả hơn, giải quyết các vấn đề nội tại nhanh chóng hơn.

Bộ Công Thương kỳ vọng, Hội đồng này được lập ra thì sẽ phải tư vấn cho Chính phủ có những chính sách hùng mạnh và khả thi để gạo Việt Nam có giá trị, thương hiệu trên thị trường thế giới.

Ngành hàng lúa gạo cần bài toán chiến lược cho người trồng lúa, địa phương trồng lúa. Ảnh: N.Lộc

Ngành hàng lúa gạo cần bài toán chiến lược cho người trồng lúa, địa phương trồng lúa. Ảnh: N.Lộc

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng, trong bối cảnh mới, ngành hàng lúa gạo cần bài toán chiến lược cho người trồng lúa, địa phương trồng lúa; cần các chiến lược tổng thể, cần tư vấn tầm chiến lược xử lý các vấn đề như: Biến động thị trường chính sách các quốc gia, biến đổi khí hậu, biến đổi người tiêu dùng; tranh chấp thương mại, bảo hộ bản quyền; xu hướng mới trong phát triển…

Do đó, cần thiết có một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm để tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành. Trong thiết chế này, nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động, các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hóa.

Hội đồng lúa gạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo...

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/de-xuat-thanh-lap-hoi-dong-lua-gao-quoc-gia-33605.html
Zalo