Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm lĩnh vực đường sắt
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh; đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia vào vận hành khai thác.
![Ảnh minh họa: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_595_51491043/3031c2a1eeef07b15efe.jpg)
Ảnh minh họa: VGP.
Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa ký Tờ trình số 15/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Theo đề nghị của Bộ GTVT, Ban Chỉ đạo sẽ do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban; Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ trưởng Bộ GTVT. Thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt gồm: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Móng Cái - Hạ Long (Quảng Ninh) và các dự án đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM.
Ban Chỉ đạo cũng có nhiệm vụ đề xuất với Thủ tướng giải pháp, cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện các dự án; giúp Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ để giải quyết những vấn đề liên ngành trong quá trình xây dựng các dự án…
Cũng theo nội dung tờ trình, thời gian qua, để giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo triển khai các đề án, công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Thủ tướng đã quyết định thành lập: Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia; Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM; Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào.
Tuy nhiên, các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn mới, phát triển công nghiệp đường sắt, cần triển khai nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt để có đủ cơ sở, hành lang pháp lý thực hiện.
Do đó, Bộ GTVT kiến nghị cần rà lại các tổ chức trên để thành lập một Ban chỉ đạo của Chính phủ để chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt cho lĩnh vực đường sắt, thay thế các Ban chỉ đạo, Tổ công tác về lĩnh vực đường sắt đã thành lập nêu trên.
Ưu tiên đặt hàng doanh nghiệp trong nước gắn với cam kết thị phần
Liên quan đến các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia, chiều 15/2, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa cấp bách vừa chiến lược, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn để sớm khởi công và hoàn thành đưa vào khai thác.
Tham gia góp ý tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá, dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có triển vọng mang lại hiệu quả cao bởi đây là tuyến đường sắt kết nối tuyến hành lang từ Lào Cai qua Hà Nội đến Hải Phòng, là tuyến hành lang quan trọng thứ 2 chỉ sau hành lang kinh tế Bắc – Nam, với khối lượng vận chuyển hàng hóa rất lớn.
![Bản đồ hướng tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Nguồn: VGP.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_595_51491043/f1601df031bed8e081af.jpg)
Bản đồ hướng tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Nguồn: VGP.
"Tuyến này được kết hợp vận chuyển 2 phương thức cả vận tải hàng và hành khách nên tính hữu dụng cao. Hơn thế nữa, sau khi hoàn thành xong, tuyến sẽ kết nối được với đường sắt Trung Quốc qua đó giúp liên thông liên tục về hàng hóa và hành khách trong nước với quốc tế.
Bên cạnh đó, dự án có tính chất chuyển giao công nghệ rất cao, trước hết là có khả năng chuyển giao công nghệ cho một loạt khâu sản xuất đường sắt trong nước, đặc biệt là tương thích với sản xuất đường sắt đô thị. Nhờ đó có thể phát triển công nghệ đường sắt đô thị bằng công nghệ trong nước," ông Cường nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, trong dự án này cần nhấn mạnh hơn vào ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp trong nước về làm chủ xây dựng đường, cầu, hầm; sản xuất đường ray; đóng toa xe. Và trong cuộc hội nghị với Thủ tướng mới đây, các doanh nghiệp đều khẳng định có thể thực hiện được nếu Chính phủ đặt hàng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_595_51491043/9e0f739f5fd1b68fefc0.jpg)
"Một khi Chính phủ đặt hàng doanh nghiệp, chúng ta chấp nhận ban đầu giá thành có thể cao hơn so với việc đi mua từ quốc tế. Nhưng khi đó, toàn bộ số tiền đầu tư đó sẽ trở thành tăng trưởng kinh tế trong nước và giúp tăng trưởng GDP. Còn nếu nhập từ nước ngoài thì tiền đầu tư sẽ chảy ra ngoài và chúng ta không bao giờ có được ngành công nghiệp đường sắt"
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội
Song song việc mạnh dạn ưu tiên đặt hàng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng Chính phủ cũng phải cam kết thị phần.
"Bởi vì, nếu không cam kết thị phần, xong tuyến này mà không đặt hàng tiếp tuyến khác thì các doanh nghiệp không thể đầu tư tiền lớn mua công nghệ. Có cam kết, các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư, tránh tình trạng như thị phần công nghiệp ô tô nhỏ nhưng cho quá nhiều doanh nghiệp vào dẫn đến các doanh nghiệp không đầu tư công nghệ mà mua linh kiện về lắp ráp.
Còn đối với những lĩnh vực, những phần công đoạn mà chúng ta chưa làm chủ được, ví dụ sản xuất đầu máy, sản xuất tín hiệu thì rõ ràng cần phải có nhà thầu quốc tế, nhưng nhà thầu quốc tế phải cam kết, bắt buộc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước," ông Cường bày tỏ quan điểm.
Trong một diễn biến liên quan, theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hải Phòng thông qua việc đóng góp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng), để đồng bộ với các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt trước đó, UBND TP Hải Phòng đã đề xuất về việc đóng góp tổng kinh phí khoảng 10.960 tỷ đồng vào nguồn vốn dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố (cả 2 giai đoạn) và xây dựng tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn trước năm 2030, chiều dài 12,63km.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chạy dọc theo sông Hồng và đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, không chỉ thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á - Trung Á - châu Âu; tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... tại các địa phương dọc hành lang tuyến.
Với tỉnh Lào Cai, dự án góp phần rất lớn xây dựng tỉnh thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào quá trình xây dựng, cung cấp vật liệu, dịch vụ logistics.
Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Người dân địa phương sẽ có cơ hội được đi lại, giao thương thuận lợi hơn; tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn. Dự án cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Đối với tỉnh Yên Bái, địa phương mà tuyến đường sắt sẽ chạy qua gần 77km với 2 ga trung gian hành khách, hàng hóa tập trung là An Thịnh và Yên Bái; cùng 3 ga kỹ thuật là Châu Quế Thượng, Đông An và Y Can, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp và các huyện phía tây của tỉnh với bên ngoài.
Đồng thời, tạo bước đột phá trong phát triển hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, tăng cường kết nối giao thông, giảm chi phí logistics hàng hóa; tăng thêm lợi thế thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế của các địa phương vùng miền núi phía tây của Yên Bái.