Đề xuất tăng VAT với văn hóa: Đừng nhìn một hai bộ phim trăm tỷ mà đòi tăng thuế
Việc đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên gấp đôi với lĩnh vực văn hóa, thể thao nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người, đặc biệt các chuyên gia, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Một số chuyên gia khẳng định nếu không được ưu đãi về các chính sách tài chính, thuế, văn hóa nghệ thuật có thể không tồn tại được nữa.
Đâu là cơ sở tăng thuế?
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, đề xuất tăng thuế lên gấp đôi với lĩnh vực văn hóa, thể thao nhận được sự quan tâm của một số đại biểu tại phiên thảo luận.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cho rằng dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những thành tựu, nhưng không thể “lạc quan tếu” với sự phát triển văn hóa của đất nước.
Ông khẳng định không thể chỉ nhìn một, hai bộ phim thu được trăm tỷ đồng mà nghĩ rằng toàn bộ nền điện ảnh Việt Nam tươi sáng. Ông Bùi Hoài Sơn mong muốn có chính sách để thuế không trở thành rào cản cho khát vọng phát triển đất nước từ cảm hứng do các tác phẩm văn học, nghệ thuật đem lại.
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Đông (đoàn Bạc Liêu) bày tỏ trăn trở khi dự thảo luật không những không giữ mức thuế ưu đãi như hiện nay mà lại tăng mức thuế lên gấp đôi.
“Việc tăng thuế giá trị gia tăng tại thời điểm này sẽ dập tắt cơ hội phát triển và khả năng cạnh tranh của thị trường cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn đang non trẻ", đại biểu đoàn Bạc liêu trăn trở.
Đạo diễn, NSND Trần Lực - người sáng lập đoàn kịch tư nhân LucTeam - cho rằng việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao lên gấp đôi là ngầm khẳng định sự ưu ái cho ngành đã không còn.
“Nếu tăng thuế kích thích sân khấu phát triển rất tốt nhưng nếu không được thì hãy giữ nguyên. Tôi không biết dự thảo dựa vào cơ sở nào để đưa ra việc tăng thuế này. Không thể dựa vào thành công của 1-2 bộ phim để đánh giá, quyết định tăng thuế, bởi những bộ phim thành công chỉ lớn chỉ là số ít. Thực tế 10 phim thì có đến 9 phim lỗ, rất hiếm bộ phim có lãi”, NSND Trần Lực nhận định.
Ông khẳng định nếu chỉ nhìn vào thành công của một vài bộ phim mà đánh giá về sự phát triển của công nghiệp biểu diễn, sân khấu, điện ảnh Việt Nam là sai lầm.
Việc tăng thuế giá trị gia tăng này cho thấy sự ưu ái cho ngành đã không còn, và văn hóa bị thả nổi.
"Các đơn vị tư nhân như chúng tôi nếu không có sự ưu đãi của nhà nước cũng sớm bị dẹp bỏ. Tư nhân là tiền túi bỏ ra nếu chi phí không đủ dù yêu nghề đến mấy cũng không thể làm được. Nếu không được ưu đãi, văn hóa nghệ thuật có thể không tồn tại được nữa", NSND Trần Lực nêu.
Bên cạnh đó, NSND Trần Lực cho biết nếu tăng thuế cũng cần đẩy mạnh việc hoàn thuế. Hiện tại việc hoàn thuế rất khó khăn.
Mất gốc văn hóa
Bà Ngô Bích Hạnh - Tổng Giám đốc BHD - cảm thấy hoang mang khi biết thông tin dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ nâng mức thuế này từ 5% lên 10% đối với các sản phẩm dịch vụ thuộc ngành điện ảnh và một số ngành văn hóa, thể thao khác.
“Nếu Nhà nước không giảm được thuế thì hãy giữ nguyên. Mức tăng 10% là mức tăng rất lớn. Đặc biệt sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh hiện còn gặp nhiều khó khăn. Doanh thu thị trường điện ảnh mới đạt 80% so với những năm trước dịch”, bà Ngô Bích Hạnh nêu.
Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa luôn được điều tiết bằng chính sách thuế, tài chính nên không thể một mặt khuyến khích phát triển ngành đầy khó khăn, một mặt lại tăng thuế giá trị gia tăng.
Về mức giá của các sản phẩm, dịch vụ điện ảnh sau khi tăng thuế VAT, bà Ngô Bích Hạnh nêu: “Hiện giờ nếu giá vé xem phim là 80.000 đồng/vé, sau khi tăng thuế sẽ là 84.000 đồng/vé. Nếu giá vé là 100.000 đồng/vé sẽ tăng thành 105.000 đồng/vé”.
Khi nhìn đến con số tăng 4.000-5.000 đồng/vé, nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là con số nhỏ nhưng khi giá sản phẩm cao, mức độ tăng sẽ càng lớn. Đối với các sân khấu kịch có giá 250.000-350.000 đồng/vé sẽ có mức tăng 12.500-17.500 đồng/vé. Đối với các chương trình hoặc chương trình nghệ thuật biểu diễn có giá từ 800.000-10.000.000 đồng/vé sẽ có mức tăng 40.000-500.000 đồng/vé.
Có thể thấy khi tính toán mức tăng thuế thêm 5% không quá cao nhưng đối với người tiêu dùng trong thời điểm nhạy cảm với sự tăng giá, lạm phát, việc tăng thuế sẽ hạn chế người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thể thao.
Việc tăng thuế VAT đối với ngành văn hóa hoàn toàn không phù hợp xu thế chung của thế giới. Công nghiệp văn hóa khác nền các nền công nghiệp khác.
"Nếu để kinh tế thị trường điều tiết văn hóa, chúng ta có thể mất gốc văn hóa. Văn hóa không thể để thị trường điều tiết 100%, dù có là ngành công nghiệp văn hóa cũng cần sự định hướng của Nhà nước. Không thể thả trôi văn hóa và để tiền bạc quyết định tất cả", bà Ngô Bích Hạnh nêu.