Đề xuất tăng số lượng cấp phó với mô hình chính quyền đô thị Hải Phòng

Mục tiêu thực hiện tổ chức chính quyền đô thị nhằm từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Chiều 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, mục tiêu thực hiện tổ chức chính quyền đô thị nhằm từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Cơ cấu tổ chức, Thường trực HĐND thành phố, gồm Chủ tịch HĐND, hai Phó Chủ tịch và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND thành phố.

Chính phủ cũng đề xuất tăng thêm một Phó Chủ tịch HĐND và thành lập Ban Đô thị của HĐND thành phố thuộc thành phố Hải Phòng; đồng thời tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách để bố trí các chức danh cho Ban Đô thị. Qua đó, Chính phủ đề xuất có hai Phó Chủ tịch và không quá tám đại biểu hoạt động chuyên trách.

Về số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố, Chính phủ đề xuất có không quá bốn người; UBND quận không quá ba người và UBND phường không quá hai người.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng như dự thảo nghị quyết.

Theo ông Tùng, mô hình được đề xuất tương tự với mô hình đang được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng, TPHCM và phù hợp với quy mô, phạm vi cũng như tính chất đô thị của thành phố Hải Phòng.

Về UBND, Chủ tịch UBND thành phố, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của UBND, Chủ tịch UBND để bảo đảm phù hợp, chính xác.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố chỉ nên thực hiện thí điểm để bảo đảm phù hợp với nội dung đang thực hiện thí điểm tại TPHCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Mặt khác, để bảo đảm cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của UBND quận, phường đối với công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, cần nghiên cứu, bổ sung vào nghị quyết quy định về trách nhiệm của UBND quận, phường trong việc chỉ đạo lực lượng công an và dân quân tự vệ ở địa phương.

Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát các quy định về HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của nghị quyết.

Theo đó, nếu bổ sung các quy định đặc thù cho HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố khác với các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện khác thì cần có thêm các lập luận, lý do.

Qua đó, cần làm rõ việc bổ sung này chỉ áp dụng đối với thành phố Thủy Nguyên khi được thành lập hay áp dụng đối với tất cả các thành phố thuộc thành phố Hải Phòng (mà sau này có thể được thành lập).

“Trường hợp chỉ áp dụng đối với thành phố Thủy Nguyên thì nên dừng ở mức thí điểm thực hiện tương tự như tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với thành phố Thủ Đức”, ông Tùng cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-tang-so-luong-cap-pho-voi-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-hai-phong-post1680729.tpo
Zalo