Đề xuất tăng mức phạt tiền hành chính tối đa lên 75 triệu đồng ở lĩnh vực an ninh, trật tự

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính, do cơ quan này chủ trì soạn thảo

Theo Bộ Tư pháp, thực tế cho thấy một số quy định liên quan đến mức tiền phạt tối đa, thẩm quyền phạt tiền... đã trở nên lạc hậu trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, sự gia tăng về thu nhập, giá trị hàng hóa và mức độ vi phạm khiến nhiều quy định về thẩm quyền và mức phạt hiện tại không còn đủ tính răn đe; vụ việc dồn quá nhiều lên cấp trên do giới hạn về thẩm quyền phạt tiền của các chức danh ở cơ sở, gây khó khăn cho công tác xử phạt.

Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm giao thông

Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm giao thông

Do đó, dự thảo luật quy định tăng mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cản trở hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự, phá sản, giao dịch điện tử, bưu chính từ 40 triệu đồng lên 50 triệu đồng. Đồng thời bổ sung mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến 30 triệu đồng.

Bộ Tư pháp nhận định việc tăng mức phạt tối đa như trên sẽ giúp bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay; tăng tính răn đe đối với đối tượng vi phạm.

Riêng lĩnh vực kiểm toán độc lập và bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Tư pháp cho biết mức phạt tiền tối đa được áp dụng theo quy định tại các luật tương ứng.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy (bao gồm chủ trương không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện) đã tác động lớn đến các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính…

Để phù hợp, dự thảo luật bãi bỏ 16 điều của luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền.

Dự thảo quy định mang tính nguyên tắc về những lực lượng, chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ: Chủ tịch UBND các cấp, cục trưởng cục thuộc bộ hoặc cơ quan ngang bộ, chi cục trưởng, người thuộc lực lượng CAND, bộ đội biên phòng, hải quan…

Chính phủ được giao quy định chi tiết các chức danh, thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng. Riêng các chức danh thuộc tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quy định chi tiết.

Trường hợp phát sinh các cơ quan, chức danh có thẩm quyền xử phạt chưa được quy định thì thẩm quyền xử phạt của nhóm này do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-tang-muc-phat-tien-hanh-chinh-toi-da-len-75-trieu-dong-o-linh-vuc-an-ninh-trat-tu-19625040514194121.htm
Zalo