Đề xuất tăng mức phạt tiền gấp 2 lần với nhiều vi phạm tại 6 thành phố
Chính phủ đề xuất tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm ở 6 TP trực thuộc Trung ương nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung.
Trong Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được trình ra Quốc hội sáng 15-5, Chính phủ đã đề xuất mức phạt tiền trên địa bàn TP Hà Nội và khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương.

Chính phủ đề xuất tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm ở 6 TP trực thuộc Trung ương nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung. Ảnh: PHẠM HẢI
Tăng mức phạt ở nhiều lĩnh vực vi phạm
Theo đó, đối với địa bàn TP Hà Nội và khu vực nội thành của TP trực thuộc Trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội; văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng việc đề xuất bổ sung này là không cần thiết.
Nêu lý do, cơ quan này cho hay điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật Thủ đô 2024 đã quy định trên địa bàn TP Hà Nội thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm tương ứng trong các lĩnh vực "văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Cạnh đó, khoản 1 Điều 4 của Luật Thủ đô quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô.
“Trường hợp không bổ sung nội dung này thì việc xử phạt VPHC trên địa bàn Thủ đô vẫn được áp dụng riêng theo quy định của Luật Thủ đô”– theo cơ quan thẩm tra.
Về việc bổ sung lĩnh vực "văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm" được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương khác, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động. Bởi mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý khác nhau, Thủ đô Hà Nội có đặc thù riêng, có mức đô thị hóa cao khác với các TP trực thuộc trung ương khác.
“Việc quy định “khu vực nội thành" như trong dự thảo Luật cũng chưa thực sự phù hợp, khả thi và khó xác định, nhất là trong điều kiện nhiều địa phương đang tiến hành sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã” – cơ quan này nêu rõ và đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các tác động.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung việc xử phạt vi phạm hành chính với các lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; dữ liệu; công nghiệp công nghệ số; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; dữ liệu có mức phạt tối đa là 100 triệu đồng. Lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo có mức phạt tối đa là 500 triệu đồng. Với lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định tại luật chuyên ngành tương ứng.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội). Ảnh: NT
Tính toán lộ trình áp dụng hợp lý
Trước đề xuất tăng mức phạt này, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng so với tuyên truyền, giáo dục ý thức thì khi “đánh” vào túi tiền sẽ tạo hiệu quả ngay lập tức. Dẫn chứng Nghị định 100/2019 về các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hay những vi phạm giao thông khác… khi ra đời đã có tác động ngay vào ý thức của người dân.
Tuy nhiên, ông Cừ cũng nhấn mạnh nhiều khu vực điều kiện kinh tế người dân còn rất khó khăn, do vậy cần tính toán lộ trình hợp lý, phù hợp với thu nhập bình quân của người Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) thì cho rằng nên cân nhắc tăng mức xử phạt giao thông đường bộ tại Hà Nội và khu vực nội đô của 5 TP trực thuộc trung ương như dự thảo quy định.
Theo ông Ngân, hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa đồng bộ, chưa kể sửa chữa liên tục, làm rối người tham gia giao thông, dễ dẫn tới lỗi không đáng có.
Ông Ngân đề xuất cần bổ sung thêm quy định các tuyến đường đang sửa chữa, thi công hoặc có rào chắn, làm ảnh hưởng tới tầm nhìn... thì không xử phạt.
"Tôi ủng hộ việc tăng mức hình phạt nghiêm minh hơn nhưng phải đặt trong các hoàn cảnh, điều kiện hạ tầng" - đại biểu Ngân nói và nhấn mạnh các "ma trận" về biển hiệu cũng phải được hoàn thiện trước khi tăng mức xử phạt.
Khoản 1 điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50 nghìn đồng đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân, từ 100 nghìn đồng đến 2 tỉ đồng đối với tổ chức.
Riêng mức phạt tối đa trong các lĩnh vực thuế, đo lường; sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán; hạn chế cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng.
Đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
****
Đề xuất cho phép bán ngay tang vật vi phạm
Dự luật cũng bổ sung quy định về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Theo đó, trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện, thì người có thẩm quyền tạm giữ báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để tổ chức bán ngay tang vật, phương tiện theo giá thị trường.
Cụ thể, những tang vật, phương tiện vi phạm hành chính này còn thời hạn sử dụng dưới 6 tháng tính từ thời điểm bị hết thời hạn tạm giữ hoặc dễ bị hư hỏng, suy giảm chất lượng nếu không được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Tiền thu được từ việc bán tang vật, phương tiện phải gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật, phương tiện không đến nhận thì nộp tiền thu được vào ngân sách nhà nước.